Đẩy mạnh chuyển đổi số để làm lợi thiết thực cho người dân, giải quyết những vấn đề lớn của đất nước
Trong nước - Ngày đăng : 21:43, 11/12/2021
Thủ tướng nghe đại diện doanh nghiệp thuyết trình sản phẩm công nghệ tại sự kiện. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chiều ngày 11/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đã dự và phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ III.
Diễn đàn do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngay trước Ngày Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam- ngày 12/12 hằng năm.
Cùng dự Diễn đàn có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương…
Đưa Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia số
Đây là sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp công nghệ số, cộng đồng nghiên cứu phát triển công nghệ, các nhà quản lý và đầu tư. Diễn đàn cũng là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất các giải pháp sáng tạo, ý tưởng để huy động nguồn lực nhằm phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế”. Các diễn giả đã tập trung bàn về các giải pháp đột phá giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển bền vững, đồng thời phân tích nhu cầu chuyển đổi số trong các ngành như du lịch, logistics, nông nghiệp, y tế, năng lượng...
Thủ tướng và các đại biểu tham quan các sản phẩm công nghệ tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cho tới nay, Việt Nam đã có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, với doanh thu năm 2021 lên tới hơn 135 tỷ USD. Năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh nhưng số lượng doanh nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%. Cũng trong năm nay, đã có nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu hướng vào việc giải các “bài toán” Việt Nam, đã có nhiều hơn số sản phẩm ra nước ngoài, thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên. Theo Bộ trưởng, Việt Nam đã sẵn sàng chuyển đổi số mạnh mẽ, với một thị trường trẻ, đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hoá các ý tưởng số mới; nhiều doanh nghiệp công nghệ số năng động.
Cũng tại Diễn đàn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam năm 2021, đồng thời công bố lần thứ nhất các nền tảng chuyển đổi số quốc gia để tạo nền móng thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. 35 nền tảng đã được giao cho từng doanh nghiệp xây dựng, có mục tiêu, có thời gian, có cơ chế hỗ trợ. Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp công nghệ số hãy nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia.
“Những nền tảng số này sẽ giúp cho Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia số, tạo thành động lực tăng trưởng bền vững, để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam hùng cường thịnh vượng và hạnh phúc là một việc vĩ đại. Sẽ có những con người vĩ đại và những doanh nghiệp vĩ đại được sinh ra trong công cuộc này”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng khẳng định: Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu đã thể hiện cam kết mạnh mẽ. Phiên họp đầu tiên của Uỷ ban sau khi được kiện toàn ngày 30/11/2021 đã thống nhất các vấn đề về nhận thức, cách tiếp cận của Việt Nam, bám sát tầm nhìn và các chiến lược quốc gia về hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, từ đó đề ra kế hoạch cụ thể cho năm 2022. Theo Bộ trưởng, các chỉ đạo, các định hướng của Thủ tướng Chính phủ về nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, đổi mới sáng tạo số và doanh nghiệp số sẽ là kim chỉ nam cho cộng đồng doanh nghiệp số.
Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc hoàn thiện thể chế để xây dựng quốc gia số có vai trò rất quan trọng, thể chế cần đi trước, phát huy vai trò kiến tạo. Phân tích những thách thức trong quá trình này, ông Huy nhấn mạnh, cần cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi ban hành các chính sách và trong trường hợp cần thiết, có thể ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát, một số chính sách tại Việt Nam đã được ban hành theo hướng này. Rất nhiều quốc gia tuy hạn chế tiềm lực, nhưng có bước đi phù hợp, đặc biệt là trong hoàn thiện thể chế đã tạo ra bước tiến vượt bậc trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế, ông Lê Quang Huy nhận định.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hoạt động chuyển đổi số phải tham gia tích cực vào một số lĩnh vực, tập trung vào một số nhiệm vụ lớn như thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững, phát triển xanh; phòng chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng làm, cùng hưởng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Đảng, Nhà nước đã có các chủ trương, đường lối, chính sách liên quan tới chuyển đổi số, chúng ta cần triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Thủ tướng chia sẻ với các đại biểu một số suy nghĩ về chuyển đổi số với quan điểm “cùng làm, cùng hưởng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Qua Diễn đàn, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi thấy các doanh nghiệp, người dân và các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc, tham gia tích cực để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam, tạo ra nhiều sản phẩm thiết thực, phù hợp với tình hình và yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, góp phần làm lợi cho người dân, đưa đất nước ta ngày càng phát triển.
Đồng thời, ông cũng bày tỏ trăn trở, lo lắng bởi trong quá trình chuyển đổi số, các mục tiêu có tham vọng lớn, yêu cầu cao, nhưng thời gian rất có hạn. “Giải quyết mâu thuẫn này thế nào để tại diễn đàn sang năm, các sản phẩm có số lượng nhiều hơn, chất lượng cao hơn, người dân được lợi hơn, đây là thách thức lớn trong điều kiện hiện nay. Năm 2022 mà các sản phẩm không tốt hơn năm nay thì diễn đàn có hoành tráng đến mấy cũng không vui, không xứng đáng với mong mỏi của nhân dân”, Thủ tướng chia sẻ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh một số định hướng lớn trong chuyển đối số.
Theo đó, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là yêu cầu khách quan của sự phát triển. Do đó, chuyển đổi số cần cách tiếp cận toàn cầu, không thể làm một mình mà phải hợp tác và học hỏi các quốc gia, các đối tác, bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số tác động tới tất cả mọi người dân, nên cần cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực. Chính sách chuyển đổi số phải hướng đến người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp phải tích cực, chủ động tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số.
Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải phát huy tinh thần dân tộc trong chuyển đổi số. Truyền thống của dân tộc Việt Nam là càng khó khăn, thách thức, càng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua, khẳng định và trưởng thành. Trong chuyển đổi số, chúng ta phải phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, nguồn lực bên trong (với ba trụ cột là con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa-lịch sử) là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định, còn nguồn lực bên ngoài (gồm nguồn vốn, công nghệ, năng lực quản trị…) là quan trọng và đột phá.
Trả lời câu hỏi: "Chuyển đổi số tham gia những vấn đề gì", Thủ tướng nhấn mạnh hoạt động chuyển đổi số phải tham gia tích cực vào một số lĩnh vực, tập trung vào một số nhiệm vụ lớn như thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững, phát triển xanh; phòng chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; ứng phó các thách thức như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số…
Thủ tướng lưu ý, phải tránh cả hai khuynh hướng là chủ quan, nóng vội và trì trệ, bảo thủ. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. “Đường gần mấy không đi thì không bao giờ đến, đường xa đến mấy mà đi ắt sẽ đến”, Thủ tướng chia sẻ.
Nhắc lại yêu cầu triển khai các chỉ đạo rất quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, Thủ tướng lưu ý cần chú trọng, đầu tư hơn nữa cho việc xây dựng dữ liệu về truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng của dân tộc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cấp bách chuyển đổi số trong một số lĩnh vực
Về các nhiệm vụ cụ thể thời gian tới để thúc đẩy chuyển đổi số, Thủ tướng nêu rõ, trước hết phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trên cơ sở bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Đồng thời, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý cho chuyển đổi số. “Nếu không có thể chế phù hợp thì sẽ cản trở sự phát triển. Thể chế không thể phủ hết các trường hợp, các góc cạnh của cuộc sống nên phải hết sức chủ động, linh hoạt, phát hiện kịp thời các khó khăn, vướng mắc, bất cập để sửa đổi, bổ sung kịp thời, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn. Thể chế cần ở đâu thì làm ở đó, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó, thiếu hụt ở đâu thì bù đắp ở đó”, Thủ tướng phát biểu.
Cùng với đó, tăng cường vai trò của quản lý nhà nước để tạo điều kiện thông thoáng cho phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Các cơ quan Nhà nước tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, quy hoạch, chiến lược, kế hoạch, huy động nguồn lực, đánh giá, giám sát, thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và kỷ luật… Điều này phải thực hiện trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết, tương tác, hợp tác, chia sẻ và thấu hiểu, cảm thông giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp một cách hết sức chủ động, tích cực.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực số và tài chính số. Thủ tướng nhấn mạnh, nếu không có công dân số thì Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số không thể phát triển. Đồng thời, có các giải pháp phù hợp để huy động nguồn tài chính theo tinh thần “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.
Thứ năm, chuyển đổi số phải dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Xây dựng cơ chế, chính sách để phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ mới, sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. “Đổi mới sáng tạo không tách rời việc kế thừa. Đổi mới sáng tạo có động lực từ khó khăn, thách thức và đặt ra mục tiêu cao hơn khả năng của mình. Đổi mới sáng tạo phải bám sát thực tiễn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhiệm vụ thứ sáu là phát triển hạ tầng số, dữ liệu và quản trị số. Nhấn mạnh vai trò của dữ liệu và chỉ ra một số bất cập trong việc xây dựng và kết nối dữ liệu tại Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, không có dữ liệu thì không có trí tuệ nhân tạo, dữ liệu cần được tích lũy, tập hợp, xây dựng, lưu trữ và khai thác có hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và vận hành các hệ thống cơ sở dữ liệu, cường kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu để phục vụ tổ chức, người dân, doanh nghiệp.
Nhân dịp này, nhắc lại yêu cầu triển khai các chỉ đạo rất quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, Thủ tướng lưu ý cần chú trọng, đầu tư hơn nữa cho việc xây dựng dữ liệu về truyền thống văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc, về các di sản, danh lam thắng cảnh của đất nước…, từ đó, phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn…
Thủ tướng cũng nêu rõ, cần cấp bách thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực ngân hàng, thuế, hải quan, đất đai, logistics, giáo dục và đào tạo…
Tại Diễn đàn, Bộ Thông tin và Truyền thông trao Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam năm 2021. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Gửi lời chúc mừng các cơ quan, doanh nghiệp tham dự sự kiện, nhất là các doanh nghiệp đạt giải thưởng cao lần này, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi thấy các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đều có “tư tưởng đã thông, quyết tâm đã cao”, trong thời gian tới, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, góp phần thực hiện mục đích cuối cùng, điều khát khao lớn nhất của cả dân tộc ta là nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng.