Khai mạc "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III"
Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 17:20, 11/12/2021
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đây là sự kiện thường niên hàng đầu đối với cộng đồng các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao, công nghệ số.
Đồng thời, đây cũng là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, huy động và tập hợp nguồn lực của cả xã hội để phát triển hàng chục, hàng trăm nghìn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, hiện nay Việt Nam có gần 60.000 doanh nghiệp số. Năm 2021, nhiều doanh nghiệp công nghệ số đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm công nghệ 4.0. Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 34 nền tảng số "Make in Viet Nam".
Khai mạc "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III" |
Các doanh nghiệp công nghệ số như: VNPT, Viettel, CMC, FPT… có tiềm lực, có đóng góp lớn trong phát triển chính quyền số, kinh tế số với việc xây dựng các nền tảng số quốc gia.
Về xã hội số, có ứng dụng PC-COVID đã có 45 triệu lượt tải. Việc nghẽn lệnh của sàn HOSE đã được FPT vào cuộc và xử lý được trong 100 ngày hay game Axie cũng là game Việt đi ra toàn cầu.
Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp công nghệ số đã thể hiện vai trò của hai sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam là Voso của Viettel, Postmart của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam hỗ trợ bán nông sản của các hộ sản xuất nông sản…. đều là các sản phẩm Make in Viet Nam.
Ông Phạm Đức Long cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, và muốn chuyển đổi số phải có doanh nghiệp công nghệ số. Do đó, tại diễn đàn này, Ban tổ chức muốn nhấn mạnh, chuyển đổi số sẽ là động lực chính cho phục hồi và phát triển kinh tế, với tinh thần doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thực hiện công cuộc chuyển đổi số.
Tăng trưởng của ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam thời gian qua. Đồ họa: Văn Thắng |
Ông Hà Trung Kiên - Tổng Giám đốc Công ty công nghệ Gapo - cho biết, Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số là sự kiện được mong chờ của các doanh nghiệp công nghệ số. Các sản phẩm Make in Viet Nam có lợi thế hơn vì hiểu rõ doanh nghiệp Việt cần gì khi chuyển đổi số; khả năng tinh chỉnh, hỗ trợ cũng như chi phí cũng tốt hơn các sản phẩm của nước ngoài. Dẫu vậy, các doanh nghiệp Việt luôn phải đối mặt với rào cản về nhận thức và lòng tin. Do đó, đại diện doanh nghiệp mong muốn có thêm các chính sách, hỗ trợ cho các sản phẩm Make in Viet Nam để tinh thần này được lan tỏa rộng rãi hơn.
Diễn đàn gồm hai phiên tham luận chính bàn về doanh nghiệp công nghệ số giải các bài toán chuyển đổi số quốc gia và doanh nghiệp công nghệ số giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong và sau đại dịch COVID-19.