Sơn La: Kỷ niệm Ngày Cà phê Việt Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 13:40, 11/12/2021
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công thăm gian trưng bày các giống cà phê mới của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông lâm nghiệp Tây Bắc. |
Ngày hội cà phê là một hoạt động thường niên được tổ chức vào ngày 10/12 hàng năm. Qua đó, nhằm thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và các công ty cà phê của cả nước cùng tham gia quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và cách phát triển cây cà phê một cách bền vững, cho ra những sản phẩm có giá trị cao, đặc trưng riêng của các vùng miền trên cả nước.
Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu đã được ôn lại lịch sử truyền thống ngày Cà phê Việt Nam và tóm tắt kết quả thực hiện chương trình phát triển cà phê Sơn La.
Ông Vương Văn Hải, Chủ tịch Hội cà phê Sơn La cho biết: Ngay từ đầu thập niên 90, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã định hướng phát triển cây công nghiệp, cây cà phê là một trong những cây mũi nhọn của tỉnh. Trải qua hơn 30 năm thăng trầm, đến nay, Sơn La đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh có diện tích, sản lượng cà phê chè lớn nhất cả nước, với diện tích trên 20.000 ha, sản lượng năm 2021 ước đạt 40.000 – 45.000 tấn nhân, trị giá 3.500 – 4.000 tỷ đồng. Hiện, hơn 16.500 ha cà phê được cấp chứng nhận UTZ; 88 ha được cấp chứng nhận VietGAP; 97 ha cà phê đặc sản. Niên vụ 2021-2022, sản lượng cà phê xuất khẩu ước đạt 26.500 tấn sang thị trường các nước Đức, Mỹ, Ấn Độ...
Là cây có thế mạnh, tiềm năng lớn trong tỉnh, thu hút hàng vạn hộ nông dân phát triển vùng nguyên liệu cùng với gần chục Doanh nghiệp, HTX và hàng trăm cơ sở thu gom, chế biến thủ công. Sơn La đã được cấp chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” cho các loại sản phẩm: Cà phê nhân sống; Cà phê hạt rang và Cà phê bột; có 6 Doanh nghiệp, HTX sản xuất cà phê lớn trong tỉnh được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.
Cà phê Sơn La đã khẳng định được thế mạnh, lợi thế của mình là sản phẩm đặc sản vùng miền; 1 trong 20 sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của Việt Nam. Đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao.
Cà phê Sơn La là 1 trong 20 sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của Việt Nam. |
Định hướng phát triển cà phê đến năm 2025, tỉnh Sơn La sẽ tập trung phát triển cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao; tập trung chế biến sâu, chế biến cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê túi lọc, cà phê lon… phục vụ tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu.
Phát biểu tại lễ Kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công đã ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu ngành cà phê Sơn La đạt được thời gian qua.
Các tập thể nhận Giấy khen của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cây cà phê đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, với diện tích và sản lượng năm nay cao hơn 2020. Cà phê được mùa được giá, giá dao động từ 14.000-20.000/kg cà phê quả tươi, tạo thu nhập cho người nông dân. Sản lượng cà phê sau thu hoạch được tập trung vào các nhà máy chế biến lớn, đưa ra 3 sản phẩm trụ cột của cà phê Sơn La là xuất khẩu cà phê nhân, cà phê hạt rang, cà phê bột. Các nhà máy cũng đã dành nguồn lực tập trung khắc phục, bảo vệ môi trường trong sản xuất chế biến cà phê.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một số tồn tại, hạn chế trong phát triển bền vững cây cà phê. Dù có diện tích lớn nhưng diện tích được cấp mã số vùng trồng, tiêu chuẩn UTZ, 4C còn ít. Tư duy trồng trọt của một bộ phận người nông dân trồng cà phê chưa thật sự tiến bộ, khoa học, chưa chịu khó để thực hiện quy trình, quy chuẩn trong trồng cà phê.
Thời gian tới, ông Nguyễn Thành Công mong muốn, Sơn La sẽ có những sản phẩm cà phê đặc sản, tham gia vào các thị trường quốc tế tiềm năng. Để làm được điều này, cần phải có sự vào cuộc của các cấp các ngành, các doanh nghiệp và người dân. Trong đó cần thay đổi tư duy sản xuất của người trồng cà phê. Người dân phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.
Gian hàng trưng bày các sản phẩm cà phê của HTX Aratay Coffee. |
Các doanh nghiệp, HTX liên kết với người dân tạo thành chuỗi sản xuất bền vững, đưa vào trồng các giống cà phê mới cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng đất đai, thay thế cây trồng già cỗi, xuống cấp, qua đó góp phần ổn định đời sống và nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê trên địa bàn. Tập trung, định hướng phát triển cà phê đặc sản và chế biến sâu, đưa thương hiệu cà phê Sơn La ra trường quốc tế.
Nhân dịp này, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sơn La đã tặng giấy khen cho 30 tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động khoa học, đóng góp vào sự phát triển của Hội Cà phê Sơn La.
Trước đó, Hội cà phê tỉnh Sơn La cũng đã tổ chức Hội thảo khoa học Một số giải pháp phát triển cà phê bền vững tại Sơn La.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham luận các nội dung như: Sản xuất cà phê Sơn La còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất cũng như các vấn đề về môi trường; nhiều diện tích cà phê đã già cỗi; thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của người dân còn hạn chế; việc thu hái chưa đúng quy trình, sơ chế chủ yếu sử dụng phương pháp chế biến ướt nhỏ lẻ...
Từ đó, đề xuất, hiến kế những giải pháp triển vọng phát triển và tái canh cà phê tại Sơn La bằng các giống THA1, TN1, TN6, TN7, TN9... Đây là giống đã được trồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh, sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất và giá trị kinh tế vượt trội.