Đã xử lý 93% vụ việc về môi trường phản ánh qua dây nóng
Môi trường - Ngày đăng : 17:24, 10/12/2021
Tại Hội thảo, đại diện của Tổng cục Môi trường đã báo cáo Sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BTNMT về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng. Theo đó, tính đến hết tháng 6 năm 2021, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường và của Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân 4.149 thông tin phản ánh về 3.918 vụ việc ô nhiễm môi trường. Đến nay, các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại Trung ương và địa phương đã tiến hành xác minh đối với 3.843/3.918 vụ việc (chiếm tỷ lệ 98%); xử lý 3.675/3.918 vụ việc (chiếm tỷ lệ 93%) và thực hiện phản hồi thông tin 3.328/3.918 vụ việc (chiếm tỷ lệ 85%).
|
Kể từ khi đi vào hoạt động (10/10/2017) đến nay hệ thống đường dây nóng đã trở thành kênh thông tin hữu ích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phản ánh kịp thời về các hành vi gây ô nhiễm môi trường, các điểm “nóng" môi trường trên địa bàn đến các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT.
Đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước về BVMT nắm bắt, phát hiện kịp thời các vấn đề, điểm nóng về môi trường để có giải pháp xử lý các hành vi, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các điểm “nóng" về môi trường phát sinh trên địa bàn. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về BVMT ngày càng được nâng lên (tỷ lệ các vụ việc được xác minh, xử lý tăng dần theo thời gian, cụ thể: năm 2018, tỷ lệ vụ việc được xác minh là 54%, xử lý 43%; đến năm 2020, tỷ lệ này đã được nâng lên lần lượt là 79% và 71%; đến nay tỷ lệ vụ việc được xác minh đạt 98%, xử lý là 93%).
Tổng cục Môi trường đang đề xuất Dự thảo “Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường" |
Bên cạnh đó, hoạt động của đường dây nóng cũng đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về BVMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là các cơ sở, hộ gia đình sản xuất được phản ánh qua đường dây nóng; phát huy hơn nữa vai trò người dân đối với công tác BVMT, nhất là các vấn đề môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân như rác thải, nước thải, khí thải, tiếng ồn.
Tuy nhiên, hệ thống đường dây nóng còn một số hạn chế nhất định. Việc thiết lập, tổ chức đường dây nóng tại các địa phương chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất đầu mối, chưa đúng quy định. Nhiều thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường mới chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận, ghi nhận thông tin vào Sổ nhật ký, gây khó khăn cho công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện; Hiệu quả giải quyết dứt điểm các vấn đề ô nhiễm môi trường được phản ánh qua đường dây nóng ở một số địa phương mới dừng lại ở mức xử lý thông tin, chưa chú trọng xử lý vụ việc triệt để, dẫn đến việc người dân tiếp tục thực hiện phản ánh lại vụ việc đó nhiều lần qua đường dây nóng.
Để giải quyết những hạn chế, bất cập hiện hành, phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống đường dây nóng về ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước, Tổng cục Môi trường đang đề xuất Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành “Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường".