Vị ngọt Cam Lâm
Xã hội - Ngày đăng : 06:12, 10/12/2021
1. Tôi chỉ là kẻ lai vãng, năng nhặt chuyện đó đây, rồi gom lại, mỗi thứ một chút, từ người đến cảnh. Dọc dặm dài miền Cam Lâm đó, gần 15 trước, khi huyện Cam Lâm mới thành lập, đi đến đâu cũng chỉ thấy bạt ngàn xoài và những vùng đất khô cằn. Thời điểm ấy, ngoài Khu Công nghiệp (KCN) Suối Dầu với tỷ lệ lấp đầy chưa tới 70%, kinh tế địa phương chủ yếu là nông nghiệp. Vậy nhưng, chỉ từ năm 2015 đến nay, lĩnh vực công nghiệp của huyện đã có sự vươn mình mạnh mẽ.
KCN Suối Dầu với diện tích 136,7ha đến nay đã được lấp đầy và đang có nhu cầu mở rộng. KCN có 52 dự án đăng ký đầu tư và có 40 dự án đi vào hoạt động, gồm các ngành nghề: Chế biến thủy sản xuất khẩu, chế biến đồ gỗ, nội thất xuất khẩu, dệt may, cơ khí... Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp đạt 189 triệu USD, tổng vốn thực hiện đạt 98 triệu USD, giải quyết việc làm cho 12.000 lao động.
Cam Lâm chuyển mình mạnh mẽ trên miền cát trắng đầy nắng và gió |
Những năm gần đây, huyện Cam Lâm có tốc độ phát triển vượt bậc. Các cụm công nghiệp (CCN) Trảng É 1, Trảng É 2, Trảng É 3 với diện tích 152ha đã triển khai xây dựng hạ tầng. Trong đó, CCN Trảng É 1 đã hoàn thiện hạ tầng, các nhà đầu tư thứ cấp đang tiến hành xây dựng nhà máy để vào hoạt động. Khi các CCN này hoàn tất thu hút đầu tư sẽ góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm rất lớn cho địa phương. Đặc biệt, với sự hiện diện của các nhà máy sản xuất thuốc lá của Tổng Công ty Khánh Việt, các CCN ở đây sẽ là điểm nhấn trong “bức tranh” kinh tế Cam Lâm.
Các vùng đất khô cằn, sản xuất không hiệu quả ở Cam Lâm giờ đây đã nhường chỗ cho những dự án điện mặt trời. Và nay, toàn huyện có 5 dự án điện mặt trời, với tổng mức đầu tư 5.530 tỷ đồng. 3 dự án đã đi vào hoạt động, góp phần cung cấp thêm năng lượng điện cho mạng lưới điện quốc gia nói chung, huyện Cam Lâm nói riêng. Các dự án này đã góp phần tích cực giải quyết lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.
2. Với thềm lục địa rộng lớn, có bãi cát dài và mịn ven biển, quang cảnh thiên nhiên huyện Cam Lâm đẹp như bức tranh sơn thủy, thuận lợi cho việc phát triển du lịch biển đảo và nghỉ dưỡng. Sau Nha Trang, du lịch Cam Lâm đang là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Mấy năm gần đây, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đã mọc lên hàng loạt khách sạn, resort đẳng cấp 5 sao. Khu vực này đã có 41 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 29.341 tỷ đồng. Trong đó, 10 dự án chính thức đi vào hoạt động; 25 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng, 6 dự án đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch, huyện từng bước huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng và các loại hình du lịch, xây dựng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch theo hướng sử dụng lực lượng lao động địa phương. Cùng với 10 khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, các điểm tham quan du lịch trên địa bàn huyện đang từng bước hình thành và phát triển.
Nói với tôi, ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm vui mừng cho biết, hiện nay (trừ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát - PV), mỗi năm, Cam Lâm thu hút hơn 1 triệu lượt khách du lịch, tăng gấp 20 lần so với năm 2015; số lượng khách lưu trú đạt gần 670.000 lượt (trong đó khách quốc tế hơn 360.000 lượt). Du lịch đã thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động địa phương, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Bảo thông tin thêm, ngoài lĩnh vực biển đảo, Cam Lâm còn có lợi thế để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, khám phá rừng tự nhiên, thể thao leo núi… Trên địa bàn huyện còn bảo tồn và lưu giữ nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật và di tích lịch sử với khoảng 28 di tích, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia (chùa Linh Sơn và mộ Yersin tại xã Suối Cát). Đặc biệt, địa bàn xã Suối Cát có Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà trên độ cao 1.500m, khí hậu mát mẻ, với nhiều loại cây quý hiếm, nơi lưu giữ các di tích về cuộc đời và hoạt động của nhà bác học Yersin, thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, thể thao leo núi.
3. Hơn một thập kỷ đi qua là bức tranh mà mỗi con người Cam Lâm đều có phần ở đó. Với tôi, bức tranh ấy có cả sự thăng trầm và vươn mình mạnh mẽ. Bao cuộc đời cần lao trong hành trình tồn sinh găm mình nơi những thửa ruộng bạc màu, những chái đồi khô cằn lấp ló nếp nhà tranh, heo hút khói lam chiều, những tấm lưng trần đen xạm lầm lũi lê bước ven triền đê trong hoàng hôn ối đỏ. Họ vẫn vươn dậy, mãnh liệt sống, dẫu rằng, ngàn đời xứ sở này vẫn đầy nắng, đầy cát và thừa gió!
Nhiều người đã nói rằng, viết về miền Cam Lâm đó sao không nói đến các đặc sản vùng miền, song, điều ấy, những điều đã biết. Có những chuyện ít biết, hoặc biết mà ít nhắc. Bận trước, tôi về lại đầm Thủy Triều nằm tại phía Bắc vịnh Cam Ranh, thuộc huyện Cam Lâm và một phần thành phố Cam Ranh của tỉnh Khánh Hòa.
Cái tên đầm Thủy Triều cũng đã nói lên sự hình thành của nó. Những đợt lên xuống của thủy triều cùng với các loại cây nước mặn phát triển đã tạo nên khu vực đầm lầy rộng lớn. Đầm Thủy Triều Cam Lâm là đầm lầy nước mặn ven biển. Đầm nước mặn này có rất nhiều loại hải sản quý hiếm, trong đó nổi tiếng nhất vẫn là sò huyết Thủy Triều.
Người dân khai phá khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh phát hiện khu vực Bãi Dài có nước ngọt ven biển. Ở đây không khó để tìm thấy những giếng nước ngọt đào tầm 2 - 4m trên bờ biển. Do đó, Bãi Dài được lựa chọn làm điểm dừng chân khi di chuyển từ Bắc vào Nam. Đi sâu vào đất liền, họ đã khám phá ra một khu đầm lầy rộng lớn, đó chính là đầm Thủy Triều bây giờ. Không chỉ có nước ngọt ven biển mà khu vực này cũng rất nhiều tôm cá. Hải sản trong đầm nhiều, dễ đánh bắt và mang giá trị cao…
Với tôi, những đợt lên xuống của thủy triều cùng với các loại cây nước mặn trên đầm Thủy Triều đã làm nên tâm hồn, tính cách của người Cam Lâm. Nhẹ nhàng mà phóng khoáng. Như cơ man cuộc đời, như liêu xiêu làng mạc, cứ đằng đẵng tựa lưng vào dãy Trường Sơn ngàn năm mây trắng, vẫn đi hết hành trình bất biến và bất tận.
“Lòng cứ mở toang ra trước biển/ Núi dựa lưng trăm nỗi ghồ ghề/Nên giọng nói không lẫn vào đâu được/ Dẫu muôn phương không quên một lối về”…