Việt Nam - Đan Mạch thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm xây dựng các thành phố bền vững và đáng sống

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 23:53, 09/12/2021

(TN&MT) - Ngày 9/12, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đan Mạch, Đại sứ quán Đan Mạch và Công ty cổ phần Ashui Việt Nam phối hợp tổ chức triển lãm "Đô thị bền vững Bắc Âu", trưng bày một số dự án tiêu biểu đã thành công ở Đan Mạch và các nước Bắc Âu.

Quang cảnh khai mạc triển lãm Đô thị bền vững Bắc Âu. Ảnh: Minh Vân 

Khai mạc triển lãm được tiếp nối với hội thảo "Đô thị bền vững và đáng sống - từ Bắc Âu tới châu Á" nhằm thúc đẩy, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm giữa các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị, nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên Đan Mạch và Việt Nam. Triển lãm mở cửa tự do từ ngày 9-19/12 tại số 12 Hòa Mã, Hà Nội.

Do diễn biến của đại dịch Covid-19, sự kiện được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội với số lượng người tham gia hạn chế kết hợp với trực tuyến kết nối với các diễn giả và những người tham gia từ Copenhagen, Tokyo, Singapore và Việt Nam.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Hojlund Christensen cho biết, trong những năm qua, Đại sứ quán Đan Mạch và các đối tác Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực xây dựng đô thị bền vững và đáng sống, thúc đẩy trao đổi kiến thức và kinh nghiệm giữa các chuyên gia của hai nước về cách kiến tạo những thành phố sống tốt hơn cho người dân. Chúng tôi muốn cùng nhau nâng cao nhận thức về tầm quan trọng đặc biệt của việc cân bằng giữa phát triển cơ sở hạ tầng với cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân đô thị.

“Thông qua triển lãm và hội thảo ngày hôm nay, tôi hy vọng câu chuyện về các nỗ lực của chúng tôi để Copenhagen và các thành phố khác của Đan Mạch trở thành những thành phố xanh và đáng sống nhất trên thế giới sẽ truyền cảm hứng tới các đối tác và bạn bè Việt Nam. Từ đó, khuyến khích các bạn tiếp tục nỗ lực phát triển và chuyển đổi đô thị của Việt Nam thành các thành phố bền vững và đáng sống hơn”, Đại sứ Kim Hojlund Christensen nhấn mạnh.

Hội thảo cũng giới thiệu cuốn sách "Cẩm nang Nghiên cứu Đời sống Công cộng" (bản tiếng Việt từ nguyên gốc tiếng Anh: How to Study Public Life) của Giáo sư Jan Gehl và Tiến sĩ Birgitte B. Svarre. Trong cuốn sách này, Jan Gehl và Birgitte B. Svarre với 50 năm kinh nghiệm đã giới thiệu lịch sử quá trình nghiên cứu đời sống đô thị cũng như các phương pháp và công cụ cần thiết để tái hiện cuộc sống đô thị như một khía cạnh quy hoạch quan trọng. Những người tham gia hội thảo cũng tham gia thảo luận với hai tác giả về cuốn sách và các bài trình bày của họ về thiết kế đô thị Đan Mạch.

Đan Mạch là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Đuộc biết, việc thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước diễn ra rất sớm từ 50 năm trước - vào năm 1971. Ngay sau đó, Đan Mạch bắt đầu cung cấp hỗ trợ nhân đạo và các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam để hỗ trợ tái thiết sau chiến tranh. Viện trợ phát triển của Đan Mạch cho Việt Nam đặc biệt tăng nhanh từ năm 1993 khi Việt Nam được chọn là quốc gia ưu tiên trong hợp tác phát triển của Đan Mạch.

Năm 2013, Đan Mạch là nước Bắc Âu đầu tiên và cho tới nay là nước Bắc Âu duy nhất ký Hiệp định Đối tác Toàn diện với Việt Nam. Đây là một dấu mốc quan trọng, nâng tầm quan hệ song phương từ hợp tác phát triển truyền thống lên quan hệ đối tác toàn diện bao gồm đối thoại chính trị, thương mại và đầu tư, tăng trưởng xanh, năng lượng, an toàn thực phẩm, giáo dục và y tế.

Lưu Nguyên Sơn