Lập lại trật tự khai thác cát, sỏi sông Vu Gia - Thu Bồn: Kỳ II: Nhận diện những vướng mắc cần tháo gỡ
Khoáng sản - Ngày đăng : 10:19, 09/12/2021
Nhiều khó khăn
Theo ông Lê Văn Tuân - Phó phòng TN&MT huyện Đại Lộc, từ đầu năm đến nay, địa phương đã tổ chức 17 đợt kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản. Qua kiểm tra, đã buộc tạm dừng hoạt động bến, bãi đối với 4 doanh nghiệp; đề xuất UBND huyện ban hành Quyết định đình chỉ hoạt động khai thác vận chuyển có thời hạn với 2 doanh nghiệp và xử phạt vi phạm hành chính với 3 đơn vị. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng so với yêu cầu đặt ra vẫn còn nhiều hạn chế do địa bàn rộng, thiếu lực lượng và phương tiện.
Lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Nam kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Thu Bồn |
Được biết, hiện nay mỗi Phòng TN&MT cấp huyện chỉ có 1 cán bộ chuyên trách lĩnh vực khoáng sản, trong khi việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về khai thác cát, sỏi lòng sông, vận chuyển, mua bán khoáng sản trái phép là khá lớn. Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông của cán bộ chuyên trách nhiều lúc, nhiều nơi chưa được thường xuyên, liên tục.
Ngoài nguyên nhân khách quan do cấu trúc địa chất cát, sỏi phân bố trên sông nước, trên diện rộng và không tập trung thì sự phối hợp giữa các ngành địa phương trong quản lý khoáng sản ở khu vực chưa được chặt chẽ, thường xuyên nên việc kiểm tra chấp hành của các doanh nghiệp khai thác, vận chuyển khoáng sản còn nhiều bất cập.
Ngoài ra, còn có tình trạng các doanh nghiệp hoạt động đối phó, chỉ tuân thủ các quy định của pháp luật khi có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, sau khi rời đi thì mọi việc “lại đâu vào đấy”. Nghị định 23 quy định các tổ chức, cá nhân được phép khai thác phải công khai thông tin Giấy phép khai thác về thời gian khai thác, phương tiện đăng ký khi cấp phép, phạm vi, công suất khai thác để chính quyền và người dân địa phương giám sát nhưng đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm đến vấn đề này đã ít nhiều gây khó khăn cho cơ quan quản lý.
Bất cập
Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2016, tỉnh Quảng Nam đã không cấp mới bất kỳ dự án khai thác cát, sỏi nào mà chỉ cấp phép đối với các hồ sơ dự án đã thực hiện trước đó; đồng thời, cũng không gia hạn đối với các mỏ hết thời hạn khai thác. Điều này đã gây khó khăn đối với các doanh nghiệp khi chưa khai thác hết trữ lượng trong giấy phép nhưng đã phải dừng hoạt động vì hết thời hạn khai thác.
Các hộ kinh doanh cá thể phải đầu tư kinh phí khoảng 400 triệu đồng để lắp trạm cân là quá lớn |
“Năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình hình mưa lũ nên trữ lượng cát của doanh nghiệp còn rất nhiều nhưng theo giấy phép thì đến đầu năm 2022 đã hết hạn. Doanh nghiệp cũng đã thực hiện đầy đủ các quy định về nộp thuế, bảo vệ môi trường, đầu tư hệ thống camera nên mong muốn chính quyền tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia hạn khai thác hết sản phẩm”- ông Nguyễn Nho Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phú Quang đề xuất.
Tương tự, ông Nguyễn Thành Trung, đại diện mỏ cát Trường Lợi cũng cho biết, thời gian cấp phép mỏ đã cố định nhưng từ khi đi vào khai thác thì trải qua 5 đợt dịch với 4 tháng mưa lũ mỗi năm, mỏ nghỉ ít nhất hơn 6 tháng nên hoạt động khai thác không đạt sản lượng. Trong thời gian này, doanh nghiệp vẫn phải nộp tiền thuế, tiền cấp quyền hàng năm, nên ít nhiều cũng gây khó khăn về tài chính.
Ông Phan Hà - Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cũng thừa nhận cát, sỏi lòng sông khác với các loại khoáng sản khác là trữ lượng ở mỏ có thể biến động sau mỗi mùa mưa lũ (có thể được bồi đắp thêm hoặc bị cuốn trôi). Nếu không đo vẽ, lập bản đồ hiện trạng tại thời điểm trước và sau mưa lũ thì không thể biết được trữ lượng cát, sỏi tăng hoặc giảm đi sau mưa lũ. Hơn nữa, đối với cát sỏi lòng sông được tính theo đơn vị thể tích (m3), không tính theo trọng lượng (tấn) và thay đổi theo độ ẩm ướt nên việc lắp đặt trạm cân mà không có camera giám sát thì không thể xác định chính xác thể tích khoáng sản vận chuyển ra khỏi khu vực khai thác, dẫn đến lãng phí.
Thực tế, theo PV ghi nhận hiện nay việc thực hiện lắp đặt hệ thống trạm cân tại nhiều bến, bãi chỉ mang tính chất đối phó “đồ hàng”, và dữ liệu đều không xem được, nhất là đối với các hộ kinh doanh cá thể bến thủy nội địa. Trong khi đó, để có nguyên hệ thống trạm cân, camera giám sát, các hộ kinh doanh cá thể này phải đầu tư kinh phí khoảng 400 triệu là quá lớn nhưng lại không hoạt động mà mua hóa đơn theo năm nhằm hợp thức hóa chứng từ, không chỉ gây tốn kém mà còn không mang lại hiệu quả thực sự. Do vậy, các hộ kinh doanh cá thể bến thủy nội địa mong muốn ngành chức năng có những giải pháp linh hoạt hơn nữa trong quản lý để phù hợp với điều kiện kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực cát, sỏi.
“Nghị định 23 với nhiều nét mới là “cơ chế thép” để chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông. Để làm tốt công tác này, địa phương phải quy hoạch lại các điểm cát, sỏi vừa phục vụ nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai. Việc này vượt quá khả năng của địa phương, nhất là dự báo được tình hình thiên tai tác động đến lòng sông, bờ sông. Do đó rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và Bộ TN&MT”.
Ông Lê Trí Thanh
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam