Hải Dương: Biệt thự khủng “mọc” trên đất nuôi thủy sản
Tiếng dân - Ngày đăng : 09:38, 09/12/2021
Báo Tài nguyên và Môi trường mới đây đã nhận được thông tin của người dân ở xã Tân Quang, huyện Ninh Giang (Hải Dương) phản ánh 2 trường hợp xây biệt thự khủng trên đất nuôi thủy sản tại khu vực chuyển đổi Đồng Linh nằm trên địa bàn xã. Khu chuyển đổi này có vị trí “đắc địa” vì một bên nằm cạnh sông Cửu An, một bên nằm sát đường tỉnh 392B đoạn từ xã An Đức qua cầu Di Linh đến trung tâm xã Tân Quang (đều thuộc huyện Ninh Giang).
Biệt thự khủng "mọc" trên đất nuôi thủy sản của hộ gia đình ông Lê Văn Hạnh |
Theo phản ánh của người dân, khu vực này trước đây là đất ruộng trồng lúa bấp bênh. Giữa những năm 2000, huyện Ninh Giang có chủ trương chuyển đổi khu vực này thành đất nuôi thuỷ sản với tổng diện tích gần 20 ha. UBND xã Tân Quang cho 19 hộ dân đấu thầu nhận khoán đào ao nuôi thuỷ sản, xây chuồng trại chăn nuôi. Theo quy định của UBND tỉnh Hải Dương, trên đất chuyển đổi, các hộ dân chỉ được phép xây dựng nhà trông coi, diện tích không quá 20 m2. Tuy nhiên, như thừa nhận của lãnh đạo UBND xã Tân Quang, trên thực tế có nhiều hộ dân đã xây dựng nhà trông coi, kho chứa đồ quá diện tích quy định. Thậm chí, đã có 2 trường hợp xây biệt thự hoành tráng với diện tích lên tới gần 200 m2 mỗi căn.
Thứ nhất là trường hợp của gia đình ông Lê Văn Hạnh (52 tuổi) ở thôn Xuân Trì, xã Tân Quang. Ông Hạnh đã xây biệt thự với tổng diện tích khoảng 177,4 m2. Trong biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai do UBND xã Tân Quang lập ngày 10/7/2020 nêu rõ ông Lê Văn Hạnh đã có hành vi tự ý xây dựng móng nhà trên đất chuyển đổi ở khu vực Đồng Linh. UBND xã Tân Quang cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hạnh với số tiền là 4 triệu đồng, buộc khôi phục tình trạng của đất trước khi vi phạm (thời hạn khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ khi ra quyết định xử phạt).
Đến thời điểm đầu tháng 12/2021, công trình vi phạm của ông Hạnh không những không được xử lý dứt điểm, mà còn trở thành một biệt thự nhà vườn hoành tráng đã hoàn thiện và được đưa vào sử dụng, với diện tích hàng nghìn m2, gồm: Công trình nhà ở kiên cố, sân vườn, tường bao, nhà chòi... Riêng căn biệt thự của ông Hạnh đã có diện tích lên tới gần 180 m2. Ông Hạnh còn ngang nhiên xây hẳn một cây cầu bê tông bắc qua tuyến kênh tiêu, vi phạm công trình hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Nằm cạnh biệt thự nhà vườn của ông Hạnh là khu nhà mái Thái rộng hơn 150 m2 đã hoàn thiện của gia đình ông Lê Đình Định (50 tuổi) cũng được xây dựng trái phép trên đất khu chuyển đổi Đồng Linh.
Mặc dù đã bị chính quyền lập biên bản đình chỉ và bị xử phạt nhưng biệt thự nhà ông Lê Đình Định vẫn được hoàn thiện và đưa vào sử dụng |
Công trình của ông Định cũng đã bị UBND xã Tân Quang lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, ra quyết định xử phạt số tiền 1,5 triệu đồng và yêu cầu buộc khôi phục lại tình trạng đất trước khi vi phạm nhưng đến nay, công trình này đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Đức Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Quang, thừa nhận: “Có tình trạng người dân tự ý xây dựng công trình vượt quá diện tích theo quy định. Các trường hợp này đều được chính quyền địa phương nhắc nhở. Tuy nhiên do nhu cầu sử dụng thực tế nên người dân vẫn tự ý triển khai. Riêng đối với 2 ngôi biệt thự của ông Hạnh và ông Định, Ủy ban nhân dân xã Tân Quang đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt, yêu cầu khôi phục hiện trạng đất như ban đầu, nhưng các gia đình này vẫn cố tình xây dựng. Do tính chất vụ việc, Ủy ban nhân dân xã Tân Quang đã có văn bản báo cáo lên Ủy ban nhân dân huyện Ninh Giang để xin ý kiến chỉ đạo, giải quyết theo đúng quy trình và thẩm quyền”.
Biên bản xử phạt và đình chỉ xây dựng của xã Tân Quang đối với hai hộ gia đình |
Dù vậy, các công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại như thách thức sự nghiêm minh của pháp luật. Có thể thấy, thời gian qua, tình trạng người dân tự ý thay đổi mục đích sử dụng, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp không chỉ diễn ra ở huyện Ninh Giang mà còn xuất hiện ở nhiều địa phương khác trong tỉnh Hải Dương. Dư luận rất bức xúc khi các vi phạm này không khó phát hiện nhưng việc ngăn chặn, xử lý vi phạm lại rất chậm, thiếu sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của chính quyền địa phương. Thậm chí có trường hợp bị chính quyền địa phương lập biên bản, ra quyết định xử phạt nhưng người dân không trả lại hiện trạng đất như ban đầu, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện công trình trái phép để sử dụng như 2 trường hợp nêu trên.
Người dân xã Tân Quang đặt ra câu hỏi: Liệu có hay không việc “bao che” làm ngơ của các cấp chính quyền, việc làm biên bản xử lý để cho có? Vậy mới có câu chuyện hai biệt thự “khủng” mọc trên đất nuôi trồng thủy sản mới ngang nhiên tồn tại, thách thức dư luận.
Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin...