Chú trọng khắc phục sự cố, xử lý vi phạm pháp luật đê điều
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:12, 08/12/2021
Các báo cáo tham luận tại Hội nghị đã cho thấy, bức tranh toàn cảnh về thực trạng quản lý đê điều của các Bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, báo cáo chỉ rõ thực trạng, những khó khăn, vướng mắc và hướng xử lý đối với các vi phạm pháp luật về đê điều.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng |
Nhiều sự cố đê điều
Từ đầu năm đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, trên cả nước đã xảy ra 8 cơn bão, 3 ATNĐ trên biển Đông, 128 trận động đất nhẹ, 325 trận mưa đá, dông lốc, sét; 166 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 9 trận lũ ống, lũ quét, 160 vụ sạt lở bờ sông, 11 đợt nắng nóng và 18 đợt không lạnh, gió mùa đông bắc. Thiên tai đã làm 91 người chết, 14 người mất tích, 95 người bị thương; ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 4.400 tỷ đồng.
Ông Phạm Đức Luận, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết, mặc dù, năm 2021, không có lũ lớn trên các tuyến sông có đê, nhưng hệ thống đê điều đã xảy ra trên 70 sự cố, trong đó, có những sự cố nghiêm trọng uy hiếp đến an toàn đê như: sự cố sạt lở đê tả Thao, tỉnh Phú Thọ; sạt lở kè Nghi Xuyên, đê tả Hồng, tỉnh Hưng Yên; sụt lún đê hữu Đáy, tỉnh Ninh Bình…
Tại Hà Nội, sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ven sông đã có những tác động tiêu cực đối với hệ thống đê điều như: gia tăng lượng xe, máy có tải trọng lớn trên đê; vi phạm, lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, mái đê, thậm chí mặt đê; đổ phế thải ra khu vực đê, kè, bãi sông; hoạt động hút cát lòng sông, san lấp bãi sông…
Đa số những hoạt động trên gây tác động xấu lên mặt đê, mái đê, co hẹp dòng chảy, sạt lở hoặc lún sụt bờ sông, gây mất vệ sinh, cảnh quan môi trường. Hàng năm, các cấp vẫn quan tâm công tác tu bổ đê điều nhưng do kinh phí còn hạn chế nên việc đầu tư chưa được đồng bộ trên toàn tuyến…
Những số sự cố đê điều trên địa bàn Hà Nội điển hình những năm qua có thể kể đến như: Sự cố nứt mặt đê huyện Đan Phượng; sự cố sạt lở bờ sông hữu Hồng, huyện Ba Vì; sự cố sạt lở bờ sông hữu Đà, huyện Ba Vì; sự cố sạt mái đê thượng lưu tại huyện Ứng Hòa; sạt lở kè Chu Minh huyện Ba Vì năm 2017; Lún, sụt mặt, mái đê hữu Cầu từ K25+600 – K25+750 huyện Sóc Sơn năm 2018…
Trước thực trạng đó, công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê điều đã được các bộ, ngành Trung ương và các địa phương chú trọng. Theo ông Trần Công Tuyên, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai), năm 2020, đã bố trí 442 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng đê điều. Số kinh phí này được dùng để gia cố 96,4km mặt đê, làm 11,1km đường hành lang chân đê, tu sửa 2,0km kè, sửa chữa, nâng cấp 22 công trình quản lý, khoan phụt vữa gia cố thân đê 24,5km. Nguồn kinh phí này trong năm 2021 là 432 tỷ đồng. Hiện nay, các đơn vị đang tổ chức thi công, nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng.
Trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, dự kiến bố trí kinh phí cho một số dự án như: Củng cố hoàn thiện và xử lý sạt lở đê biển một số tỉnh Bắc Bộ; Xử lý cấp bách các cống xung yếu dưới đê từ đê cấp III trở lên; Tu bổ xung yếu hệ thống đê điều giai đoạn 2021 - 2025. Số kinh phí dự kiến bố trí từ ngân sách Trung ương là 3.280, từ ngân sách địa phương là 360 tỷ đồng.
Tình trạng vi phạm pháp luật đê điều tại các địa phương hiện nay còn khá phổ biến. Ảnh: Trần Tuấn |
Xử lý vi phạm pháp luật đê điều còn nhiều thách thức
Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, trong những năm qua, công tác đảm bảo an toàn đê điều còn gặp nhiều thách thức do tình hình vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra hết sức phức tạp; việc ngăn chặn, xử lý còn hạn chế. Đặc biệt là tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép bãi sông để xây nhà ở, nhà xưởng, công trình, xe quá tải trọng được phép đi trên đê làm hư hỏng mặt đê.
Nhiều địa phương triển khai các dự án xây dựng công trình, nhà ở phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở bãi sông trong khi quy hoạch tỉnh chưa được duyệt, Bộ NN&PTNT chưa thẩm định nội dung thoát lũ, an toàn đê điều, dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã phát sinh 1.406 vụ vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai. Hình thức vi phạm chủ yếu là chất tải vật liệu, xây dựng nhà, lều tạm, chuồng trại, đào đất trong phạm vi bảo vệ đê và ngoài bãi sông, sử dụng xe vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê.
Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Bình Bùi Quang Lệ cho biết, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã xử lý triệt để được 678/1.406 vụ vi phạm, trong đó, có nhiều vụ vi phạm quy mô lớn phức tạp gây bức xúc trong nhân dân và dư luận; giải tỏa 140 lò gạch xây dựng trái phép ngoài bãi sông trên địa bàn huyện Hưng Hà và 64 lò vôi bằng 115 ruột lò tại bãi sông Hóa, huyện Quỳnh Phụ; giải tỏa, buộc phải dừng hoạt động 52 bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng không nằm trong quy hoạch.
Tỉnh Bắc Giang có 3 con sông chảy qua là sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam, gồm: 4 tuyến đê cấp II và cấp III dài 138,591 km; 3 tuyến đê cấp IV dài 56,2 km; 1 tuyến đê hữu Lục Nam chưa phân cấp dài 15,450 km; 25 tuyến đê bối, 16 tuyến đê bao, đê nội đồng dài trên 197,8 km; cùng với đó là hệ thống công trình trên các tuyến đê với gần 300 cống, 60 kè dài 55 km, 90 điếm canh đê…
Ông Khổng Công Nguyên, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Giang cho biết, tính từ 1/1/2021 đến 30/11/2021, tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 22 trường hợp vi phạm mới phát sinh. Tổng số trường hợp vi phạm xử lý được của UBND các huyện, thành phố có đê là 327 trường hợp, trong đó: xử lý vi phạm phát sinh mới được 58/69 trường hợp; xử lý vi phạm theo kế hoạch tại Văn bản số 855/UBND-NN ngày 9/3/2021 của UBND tỉnh được 119/116 trường hợp; xử phạt vi phạm hành chính được 3 trường hợp, thu về ngân sách nhà nước 16 triệu đồng; nhiều vụ việc vi phạm tồn đọng cũ được giải quyết.
Từ 1/2011 - 10/2021, cả nước xảy ra 11.113 vụ vi phạm, số vi phạm được xử lý là 3.514 vụ (31,6%). Trong năm 2020 - 2021, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT đã ban hành trên 40 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, đôn đốc các địa phương xử lý các vụ vi phạm.
Năm 2020, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các địa phương triển khai thanh tra diện rộng việc chấp hành pháp luật đê điều và phòng chống thiên tai. Trong đó, Thanh tra Bộ đã tiến hành tại 5 tỉnh, thành phố. Hàng tháng, Tổng cục Phòng chống thiên tai đều có văn bản thông báo tình hình vi phạm nhưng kết quả xử lý còn hạn chế.
Trước thực trạng trên, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều Trần Công Tuyên đề nghị, trong năm 2022, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện nghiêm quy định tại Chỉ thị số 24/CT-TTG ngày 7/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.
Theo đó, thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật; trong đó, lực lượng chuyên trách quản lý đê điều phải tăng cường tuần tra, bám tuyến, bám sát địa bàn để kịp thời phát hiện và kiến nghị ngăn chặn, xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh; theo dõi chặt chẽ quá trình xử lý và lập hồ sơ quản lý đối với từng vụ vi phạm.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy lợi cần tham mưu cho Sở NN&PTNT, UBND tỉnh tổ chức các đoàn liên ngành (nhất là sự vào cuộc của lực lượng công an) để kiểm tra, xử lý thường xuyên, đột xuất; mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm, nhất là các vụ vi phạm nổi cộm. Trường hợp xác định đủ điều kiện cấu thành hành vi phạm tội cần xử lý hình sự theo quy định của pháp luật hình sự để tạo tính răn đe.