Bình Định: Chuyên gia địa chất nói gì về hiện tượng sạt lở đất, đá?
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 22:20, 06/12/2021
Mưa lũ gây trượt, sạt lở núi, đất, đá
Mùa mưa năm nay bão chưa về nhưng Bình Định hứng chịu trận lụt lịch sử không thua kém năm 2013, kèm theo đó là hàng loạt vụ sạt lở núi, đất, đá mà nhiều năm trước chưa từng xảy ra.
Vụ sạt lở núi Bà Hỏa đầu đường Nguyễn Tất Thành, TP. Quy Nhơn |
Các điểm sạt lở tuy chưa có thiệt hại về người nhưng gây tổn thất về tinh thần, vật chất, nhà cửa, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân Bình Định, khiến họ rơi vào tình cảnh khó khăn đi không đành mà ở cũng không không xong, luôn sống trong tâm trạng lo âu, nơm nớp lo sợ đất, đá từ trên núi đổ xuống mái nhà bất kỳ lúc nào, nhất là thời điểm giữa đêm khuya.
|
Các điểm sạt lở gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng phải tập trung lực lượng nhanh chóng xử lý các điểm sạt lở giao thông để bà con đi lại thuận lợi trong mùa mưa như: Điểm sạt lở núi Bà Hỏa tại đầu đường Nguyễn Tất Thành, phường Lê Hồng Phong và điểm sạt lở núi trên quốc lộ 1D thuộc phường Ghềnh Ráng của TP. Quy Nhơn; điểm sạt lở tại làng Chồm, xã Canh Liên, huyện Vân Canh; điểm sạt lở đất tại đèo Bà Nam trên tuyến ĐT.639 qua xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ; các điểm sạt lở đất, đá trên tuyến đường An Hòa, An Quang đi An Toàn và An Trung đi An Vinh của huyện vùng cao An Lão.
Điểm sạt lở núi Cấm xã Cát Thành, huyện Phù Cát |
Cùng đó là các điểm sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến nhà cửa, tài sản của người dân là vụ sạt lở núi, đất, đá làm bể tường nhà bà Đoàn Thị Thu Hà ở tổ 49, KV 5, phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn và vụ sạt lở núi Cấm tại thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, đến nay người dân sinh sống dưới chân núi Cấm vẫn chưa hết bàng hoàng khi tận mắt chứng kiến cảnh núi Cấm sạt lở nghiêm trọng.
Mới đây là vụ sạt lở khu vực núi Hòn Chà, khiến nhiều người dân ở khu vực 7 phường Bùi Thị Xuân, TP. Quy Nhơn lo ngại cột điện cao thế 220KV sẽ bị đổ gãy gây hậu quả nghiêm trọng nếu núi tiếp tục bị sạt lở.
Chuyên gia địa chất nói gì về hiện tượng sạt lở đất, đá
Để tìm hiểu nguyên nhân ban đầu về hiện tượng sạt lở núi, đất, đá trong các đợt mưa lũ vừa qua mà nhiều năm trước chưa xảy ra tại Bình Định, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường làm việc với ông Trần Văn Thảo – Liên Đoàn trưởng Liên Đoàn Địa chất Trung Trung Bộ.
Ông Trần Văn Thảo – Liên Đoàn trưởng Liên Đoàn Địa chất Trung Trung Bộ. |
Nói về nguyên nhân ban đầu, ông Trần Văn Thảo nhận định: Cách đây 10 năm về trước, Bình Định đã xảy ra vụ sạt lở đất rồi, tuy nhiên quy mô sạt lở nhỏ hơn. Tại thời điểm bấy giờ, mọi người ít chú ý đến môi trường địa chất và những tai biến địa chất, nhưng nay xã hội càng phát triển thì càng chú ý hơn về môi trường địa chất và những tai biến địa chất xảy ra.
Sạt lở khu vực núi Hòn Chà tại phường Bùi Thị Xuân, TP. Quy Nhơn |
Ông Trần Văn Thảo tiếp lời: Nguyên nhân của việc trượt lở, sạt lở đất, có rất nhiều nguyên nhân nhưng cốt lõi là điều kiện tự nhiên về kết cấu địa chất của các tầng đất, đá. Bởi đất, đá vốn dĩ được hình thành trong cuộc sống trải qua hàng triệu năm, thậm chí là hàng trăm triệu năm tuổi. Đất, đá còn là quá trình, thời kỳ hoạt động kiến tạo trong võ quả đất tạo nên những đới dập vỡ, nứt gãy. Từ đó là tiền đề cho đất, đá bị phong hóa mạnh mẽ.
Từ lớp đất, đá vững chắc tạo ra lớp võ phong hóa thành những dăm, sạn, cát, đất bột sét, kết cấu rất dễ tách rời trong các cấu phần của võ phong hóa dưới sự tác động của trọng lực, trong đó có những tác động dòng chảy. Đó là nguyên nhân chính về mặt địa chất, nơi nào phong hóa càng mạnh thì nơi đó đất, đá càng kém, độ dốc càng lớn thì càng xảy ra hiện tượng sạt lở, trượt lở mùa mưa lũ.
Điểm sạt lở tại làng Chồm, xã Canh Liên, huyện Vân Canh |
Nói thêm về các nguyên nhân khác, ông Trần Văn Thảo chia sẻ: Một nguyên nhân nữa là nạn chặt phá rừng, nhiều diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp lại, rừng không đủ giữ nước nên tốc độ dòng chảy vào mùa mưa trên vùng thượng du càng mạnh hơn. Trước đây rất nhiều tác động vào lớp võ phong hóa đất, đá, các nơi xung yếu có dòng chảy gây nên hiện tượng trượt lở, sạt lở. Ngoài nguyên nhân điều kiện tự nhiên còn do con người gây nên.
Điểm sạt lở trên tuyến đường An Hòa, An Quang đi An Toàn, huyện An Lão |
Khi phóng viên đề cập đến những giải pháp, phương án phòng, chống và khuyến cáo về tình trạng sạt lở đất, đá tại Bình Định, ông Trần Văn Thảo cho biết: Để bảo vệ môi trường bền vững thì phải hạn chế tối thiểu thiệt hại do sạt lở, trượt lở đất, đá; hạn chế tối thiểu thiệt hại về người và tài sản, bảo đảm an toàn cuộc sống dân sinh. Trước hết phải nghiên cứu tổng quát về môi trường địa chất để phân tích địa bào, địa chất những nơi có khả năng xảy ra trượt lở. Trong đó có khảo sát môi trường địa chất, khảo sát về tai biến địa chất, khảo sát về địa chất thủy văn, khảo sát về trượt lở, sạt lở. Đồng thời áp dụng các phương pháp địa lý, khoan để xác định kết cấu lòng đất, lấy mẫu phân tích tính chất cơ lý của đất. Từ đó đưa ra những nhận định, khoanh vùng đã xảy ra trượt lở và cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra trượt lở trong tương lai để có biện pháp giảm thiểu sự sạt lở, trượt lở đất, đá.
Điểm sạt lở trên tuyến đường An Trung đi An Vinh, huyện An Lão |
Phần cuối buổi trao đổi, ông Trần Văn Thảo thông tin thêm: UBND tỉnh Bình Định rất chú trọng đến vấn đề sạt lở, trượt lở đất và môi trường địa chất. Tuy nhiên để có một đề án đánh giá tổng thể môi trường địa chất và tai biến địa chất tại Bình Định thì đến nay vẫn chưa thực hiện được.