Quảng Nam: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 21.154 tỷ đồng
Thông tin cần biết - Ngày đăng : 15:37, 03/12/2021
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh thông tin tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 |
Tại cuộc họp, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2021, mặc dù chịu sự tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, song tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu hồi phục, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 ước đạt 60.491 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 5,04% so với cùng kỳ (năm 2020 tăng trưởng - 5,5%).
Quy mô nền kinh tế (theo giá hiện hành) hơn 102.017 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp chiếm 13,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,8%, trong đó công nghiệp chiếm 28,4%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 32,9%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 18,5%. Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt 67,5 triệu đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước đảm bảo tiến độ, dự kiến vượt dự toán. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 21.154 tỷ đồng, đạt 109,3% so với dự toán; trong đó ước thực hiện thu nội địa 17.519 tỷ đồng, đạt 109,5% so với dự toán; thu xuất nhập khẩu 3.635 tỷ đồng, đạt 108,5% so với dự toán.
Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 1.042 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký hơn 8.960 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động 8.138 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 87.832 tỷ đồng. Cấp mới 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 14,71 triệu USD; nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh 193 dự án, với tổng vốn đăng ký 5,8 tỷ USD.
Tổng số lao động được tạo việc làm tăng thêm đạt 15.000/16.000 người, đạt 93,75% kế hoạch năm. Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động động, doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19…
So với 17 chỉ tiêu theo Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra năm 2021, dự kiến đến cuối năm có 10 chỉ tiêu đạt và xấp xỉ đạt, 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu chưa đạt gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP), số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bất chấp dịch Covid-19 hoành hành suốt năm 2021, tăng trưởng kinh tế của Quảng Nam đạt những chỉ số khá ấn tượng, đặc biệt là thu ngân sách nhà nước vẫn vượt dự toán được giao |
Trong năm 2022, tỉnh Quảng Nam sẽ chú trọng triển khai nhiều giải pháp để vừa thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế trong các lĩnh vực. Trong đó, triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng không trái với quy định, định hướng của Trung ương.
Về phục hồi và phát triển kinh tế, đối với ngành công nghiệp; các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch, định hướng đầu tư sản xuất theo cụm ngành với công nghệ hiện đại, ít sử dụng lao động; phát triển mạnh ngành công nghiệp ô tô để sớm hình thành Trung tâm công nghiệp cơ khí quốc gia tại Khu kinh tế mở Chu Lai, trong đó có ngành công nghiệp ôtô, công nghiệp phụ trợ cơ khí đa dụng, sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; bên cạnh đó là các cụm ngành công nghiệp điện khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, công nghiệp thực phẩm, đồ uống. Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp với những ngành nghề tiên tiến, đóng góp ngân sách nhiều, hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích sử dụng đất. Các ngành khai thác, chế biến khoáng sản phải đổi mới công nghệ, chế biến sâu, không làm tổn hại môi trường.
Về du lịch, Quảng Nam sẽ cơ cấu lại ngành du lịch cả về lữ hành, lưu trú, ẩm thực, đa dạng hóa sản phẩm, không gian du lịch, loại hình du lịch và thị trường khách để bảo đảm phục hồi và phát triển bền vững. Triển khai Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; triển khai liên kết phát triển du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế - Quảng Bình để xây dựng các sản phẩm phù hợp cho khách nội địa và khách quốc tế; Tổ chức chuỗi sự kiện cấp quốc gia để kích cầu du lịch vào Năm du lịch quốc gia 2022, mùa hè và dịp cuối năm 2022, kết hợp đăng cai các sự kiện Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 và các phiên họp du lịch tiểu vùng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với các hãng hàng không.