Quảng Nam: Khẩn trương khắc phục hậu quả sau thiên tai
Xã hội - Ngày đăng : 15:50, 02/12/2021
Từ ngày 27/11 đến ngày 30/11, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra đợt mưa lớn diện rộng, tổng lượng mưa phổ biến từ 100-250mm, có nơi cao hơn như: Trạm khí tượng Trà My (huyện Bắc Trà My) 344mm, đo mưa Xuân Bình (huyện Núi Thành) 627mm, riêng vùng núi phía Tây Bắc tỉnh có lượng mưa phổ biến nhỏ hơn 100mm. Một số địa phương khu vực miền núi như Nam Trà My, Bắc Trà My đã xảy ra sạt lở các tuyến đường, gây chia cắt cục bộ một số thôn, xã.
Để kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an toàn cho người dân, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các công trình, khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Người dân Quảng Nam tập trung dọn dẹp bùn, đất sạt lở do mưa lũ |
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, cần ưu tiên tối đa hình thức di dời, sơ tán tại chỗ, xen ghép, lưu ý đảm bảo an toàn phòng chống dịch phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương. Chủ động bố trí chỗ ở tạm, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.
Khẩn trương tổ chức động viên thăm hỏi các gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai gây ra; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân nhanh chóng sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại, sạt lở đất, dọn dẹp vệ sinh môi trường,...; khắc phục sự cố sạt lở và chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; khai thông cống rãnh, dòng chảy để giảm thiểu tình trạng ngập úng cục bộ.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai, kịp thời thông tin, cảnh báo, chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó kịp thời. Đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm tra, đánh giá thiệt hại và tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo tình hình thiệt hại đợt thiên tai vừa qua; chủ trì, phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các ngành, đơn vị liên quan báo cáo, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại.
Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và chủ động hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng của mưa lũ về cơ số thuốc và các hóa chất cần thiết để khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.
Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp; chuẩn bị các phương án sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết, thiên tai thời gian đến.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương có phương án giải quyết tốt môi trường, không để bị ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh đối với những khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai.
Đài Khí tượng thuỷ văn Quảng Nam tiếp tục theo dõi chặt chẽ, dự báo, thông tin kịp thời về diễn biến mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các Sở, Ban, ngành, địa phương và Nhân dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Trong quá trình triển khai khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh Quảng Nam lưu ý các ngành, đơn vị, địa phương phải đặc biệt lưu ý công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định.