Hà Nội: Nhiều chung cư chậm cấp “sổ hồng”
Đất đai - Ngày đăng : 09:25, 02/12/2021
Chung cư treo “sổ hồng”, người dân gặp khó
Tình trạng chủ đầu tư chậm cấp “sổ hồng” cho cư dân không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn kéo theo nhiều hệ lụy mà khách hàng mua nhà là người chịu ảnh hưởng trực tiếp, "khóc dở mếu dở" vì những sai phạm của chủ đầu tư.
Bà Phạm Khánh Chi (cư dân Chung cư Linh Đàm) chia sẻ: "Gia đình tôi bỏ ra 3 tỷ đồng để mua căn hộ này nhưng 5 năm rồi vẫn chưa được cấp sổ hồng. Không có sổ, tôi không thể thế chấp để vay vốn ngân hàng, thậm chí muốn nhập hộ khẩu cũng không được."
Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Anh Học (Hoàng Mai, Hà Nội) mua căn hộ tại Chung cư 87 Lĩnh Nam cho biết, gia đình chuyển về chung cư sinh sống từ năm 2018 và đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư. Nhưng cư dân hiện đang phải gánh chịu hậu quả từ sai phạm của chủ đầu tư. Thậm chí, nhiều hộ không nằm trong phần diện tích sai phạm nhưng đến nay vẫn chưa có GCN, như vậy là không công bằng.
Chung cư HH - Linh Đàm (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Minh |
Theo Bộ Xây dựng, việc chủ đầu tư chậm trễ bàn giao sổ đỏ cho khách hàng là do thực hiện chưa đầy đủ các thủ tục để cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở. Hoặc có thể đã thực hiện các thủ tục, nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình chây ì cấp GCN.
Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: “Pháp luật cũng quy định rõ trách nhiệm trong việc làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua là thuộc về chủ đầu tư cũng như chế tài xử phạt trong trường hợp chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp “sổ đỏ” cho người dân hoặc không cung cấp các giấy tờ pháp lý có liên quan cho người dân. Người dân có quyền khởi kiện chủ đầu tư để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi của mình khi chủ đầu tư không thực hiện việc làm thủ tục đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục cấp “sổ đỏ” cho người mua nhà”.
Khó xử lý chủ đầu tư
Hiện nay, mặc dù đã có các yêu cầu phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các chủ đầu tư không chấp hành quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư và không có ít những cuộc thanh tra, kiểm tra hàng loạt các quy định, các chế tài xử lý ra đời nhưng những tranh chấp về chung cư vẫn chưa được hạn chế và “giảm nhiệt”. Do đó cần phải sử dụng chế tài mạnh hơn để xử lý đối với chủ đầu tư có sai phạm.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong tổng số 108 dự án có tranh chấp, có 11 dự án (chiếm khoảng 10%) liên quan tới việc chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Công ty Luật Hợp Danh) đánh giá, tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã có chế tài xử lý vi phạm đối với Chủ đầu tư lên đến 1 tỷ đồng nếu làm chậm GCN quyền sở hữu nhà cho dân (Điểm c, Khoản 4, Điều 31 Nghị định 01/2019/NĐ-CP). Theo đó, mức phạt tiền tối đa có thể lên đến 1 tỷ đồng và buộc hoàn thiện các thủ tục để cấp “sổ hồng” cho cư dân.
Tuy nhiên, thực tế dường như chưa có chủ đầu tư nào bị áp dụng mức phạt này. Do đó, thời gian tới cần phải có sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng, phải thắt chặt hơn, thậm chí cần có sự giám sát của cư dân về việc chủ đầu tư có thực hiện đúng giấy phép xây dựng hay không.
“Việc xử lý vi phạm hành chính có thể cân nhắc những chế tài mạnh hơn như tịch thu toàn bộ phần vi phạm của chủ đầu tư để sử dụng làm công trình công cộng. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng cần thường xuyên tiến hành thanh, kiểm tra các dự án để đảm bảo bất kỳ khu chung cư nào được đưa vào thị trường bất động sản đều mặc nhiên là những công trình hợp pháp, đủ điều kiện cho cư dân sinh sống và được cấp “sổ hồng”. Bên cạnh đó, người dân khi tham gia giao dịch mua bán nhất định phải tìm hiểu kỹ và nên mời đơn vị tư vấn pháp lý. Như vậy mới có tính răn đe, tránh những sai phạm có thể tiếp tục diễn ra của các chủ đầu tư” - ông Bách kiến nghị.