Minh triết thiên - địa - nhân trong văn hóa ứng xử với thiên nhiên
Xã hội - Ngày đăng : 05:13, 28/11/2021
Nhìn vào lịch sử văn hóa dễ thấy một điều là người xưa ứng xử với thiên nhiên rất có văn hóa. Với con người, có gì quý hơn tình yêu, tình nghĩa đâu. Thời Hùng Vương, trong lễ cưới người ta trao nhau nắm đất hoặc gói muối. Cũng là những biểu tượng không thể thay thế. “Muối ba năm muối hãy còn mặn”. Muối nói thay cho tình nghĩa mặn mà, nồng hậu, chung thủy. Với nghề làm ruộng thì có gì quý hơn đất đâu nên đất là những gì vĩnh cửu, quý giá nhất, gắn bó nhất.
Trao lễ vật là gói muối hoặc nắm đất trong lễ cưới thời Hùng Vương |
Người Việt quý đất đai, yêu xứ sở. Người ta nhắc nhau “Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang/ Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu”. Triết lý cổ xưa của họ là “Cha trời mẹ đất” tức quý trọng, yêu mến đất đai như bậc sinh thành. Tục thờ Thổ công xét đến cùng chính là thờ Đất: “Đất có Thổ công, sông có hà bá” là vậy.
“Sự tích chú Cuội” giải thích vì sao trên cung trăng có hình người ngồi dưới gốc cây đa bằng một câu chuyện đầy tính nhân văn: chú Cuội vào rừng biết được bí mật hồi sinh của con hổ bằng lá từ một cây thuốc. Cuội đem về nhà trồng cứu được nhiều người, cứu được cả vợ đã chết. Nhưng từ đó vợ Cuội đãng trí quên lời chồng để cho cây thuốc bay lên trời. Cuội tiếc quá bám chặt vào gốc cây. Cây bay lên cung trăng hàng năm chỉ rơi một lá xuống biển Đông.
Cái vỏ truyện là để cắt nghĩa một hiện tượng tự nhiên nhưng thẳm sâu một cái lõi ý nghĩa là khát vọng tái sinh, hồi sinh của con người. Là anh nông dân lao động hiền hậu chất phác hay giúp đỡ người nghèo, từ tay trắng Cuội có tất cả, gia đình, nhà cửa... nhờ cây thuốc quý. Cũng vì nó mà Cuội vĩnh viễn ở trên cung trăng để mọi người chiêm ngưỡng, ngắm nhìn. Đấy là cách dân gian vĩnh cửu hóa cái tốt, người tốt cũng là vĩnh cửu hóa cái khát vọng trường sinh. Ngày xưa các bậc vua chúa cho người vượt biển xa, núi cao, rừng sâu tìm phương thuốc bất tử. Đó là chuyện có thật trong lịch sử.
Sự tích chú Cuội cây đa là cách dân gian vĩnh cửu hóa khát vọng trường sinh |
Ngày nay từ cái nhìn phê bình sinh thái học hiện đại có thể thấy truyện còn là bài học về sự hòa hợp con người với tự nhiên, biết ơn tự nhiên... Những con thú hoang dã chính là loài nắm giữ bí mật của tự nhiên nên con người phải biết tôn trọng chúng. Phải biết chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ tự nhiên, nếu không chúng sẽ bỏ đi. Chỉ một hành động vô tình vợ Cuội đái vào gốc cây thuốc, thế là nó bay mất. Huống hồ các hành vi tàn nhẫn khác... Những chi tiết ấy giáo dục trẻ em thật giản dị mà thấm thía! Nhân vật cổ tích thường gắn liền với hình tượng cây, cô Tấm nhập thân vào cây xoan đào, cây thị; Thạch Sanh trú ngụ dưới gốc đa, bắn đại bàng từ gốc đa; Anh em nhà nọ với cây khế; Tình nghĩa vợ chồng từ cổ tích trầu - cau…
Không chỉ xưa mà nay tồn tại quan niệm cây có linh hồn. Nhà nào chẳng may có người già khuất núi phải nhớ xé khăn trắng làm tang buộc vào từng cây trong vườn. Tức coi cây cũng là người, là con cháu trong nhà nên phải chịu tang. Nếu quên, cây sẽ buồn và chết rũ theo người đã khuất. Đã có mấy nhà cây chết héo cả vườn vì quên đeo tang cho chúng. Đây không phải là chuyện nhân văn hay “phê bình sinh thái học” đang lên ngôi (đến nỗi có người coi cả chuyện ăn ngủ cũng là “sinh thái”), mà khoa học chứng minh hẳn hoi cây có “linh hồn” thật, thậm chí cũng biết đau…
Không chỉ có ở văn hóa Việt Nam mà lịch sử văn hóa nhân loại đã có những câu chuyện mang tính triết lý sâu sắc về sức mạnh, sự khoan dung, nhân ái của thiên nhiên. Dũng sĩ Asin là con của thần thánh nên tất nhiên bất tử vì chàng đúng nghĩa “mình đồng da sắt”. Trận đánh nào có chàng tham dự đều chiến thắng. Kẻ thù chỉ nghe tên chàng đã rụng rời chân thay mà tự thua trận. Nhưng kẻ thù, bao giờ cũng vậy, luôn cố tìm ra điểm yếu của đối phương. Thế là lần đánh ấy đối thủ của Asin giả vờ thua mà bay lên trời chạy trốn. Asin dũng mãnh bay theo... Than ôi, ở dưới đất hàng ngàn mũi tên độc bay lên nhằm vào gót chân chàng. Asin rơi xuống mà chết tức tưởi.
Thì ra khi đứa con của thần thánh ra đời, các bà mụ đã cầm hai cổ chân nó mà nhúng xuống dòng sông thiêng nhưng còn để hở hai gót chân. Từ đó câu chuyện đọng lại thành khái niệm “gót chân Asin” dành cho hậu thế để chỉ điểm yếu chí tử của bất kỳ ai... Chuyện tày trời ấy vọng ngay đến thiên đình, trên đỉnh cao Ô-lanh-pơ quyền năng, thần Dớt vĩ đại thở dài mà rằng: Hỡi thiên hạ trước nay hãy nhớ, đừng bao giờ rời khỏi Đất Mẹ. Hãy bám chặt vào Đất, Đất sẽ truyền cho sức mạnh. Đừng như Asin! Thì ra để gót chân Asin không tắm nước thiêng là chủ ý của Dớt...
Năm 2005, ở nước Nepal có một cậu thiếu niên mộ Phật 15 tuổi tên là Ram Bahadur Bomjan ngồi thiền 8 tháng liên tục dưới một gốc cây trong rừng Ratapuri thuộc làng Bala mà không ăn uống. Câu chuyện thu hút giới truyền thông khắp thế giới. Hàng ngàn người hành hương đến “mục sở thị” gọi là “cậu bé Phật” (Buddha boy). Nhiều người xem quá đến nỗi cha mẹ cậu phải lập một hàng rào lớn quanh gốc cây để cậu tập trung thiền định. Đây là câu chuyện thật cần nhiều sự lý giải khoa học nhưng có một ý nghĩa mà ai cũng thấy đó là Mẹ Thiên nhiên luôn quý trọng, yêu thương, bao dung với con người. Có nhà sinh vật học giải thích sở dĩ cậu vẫn sống là nhờ thu nạp được năng lượng sinh học từ cây. Cây càng to, càng lâu năm càng có “trường sinh học” lớn. Điều này lý giải từ xa xưa các đạo sĩ thường chọn thiền dưới gốc cây lớn càng trong rừng sâu càng tốt, vì càng được tiếp thu nhiều năng lượng.
Xin kể một câu chuyện có thật ở nước ta. Năm 2010 dự án phục hồi Chính điện Lam Kinh được phê duyệt. Một cây lim đang xanh tốt bỗng tự dưng trút lá, khoảng nửa năm sau, cây chết… Cây chết trơ thân và cành. Các nhà thiết kế nhận ra ngay cây này mà dùng vào việc dựng Chính điện thì tuyệt vời.
Cây lim được hạ xuống. Thật ngạc nhiên! Điều lạ đầu tiên là nó không hề rỗng ruột như mọi cây lim cổ thụ khác, mà đặc một khối vậy. Điều lạ thứ hai, như một sự trùng hợp cố ý, chỉ một cây nhưng thân và cành cũng đủ dựng Chính điện gồm: cột cái, cột quân, cột con và thượng lương. Đường kính phần gốc gần như khớp với tảng cột cái (0,8m), đường kính phần ngọn gần như vừa với tảng cột quân. Hai cành cây đủ lớn làm một cột con và một thượng lương đẹp vững chãi, chắc chắn. Nhân dân quanh vùng gọi đó là “Cây lim hiến thân”, hiến thân để dựng Chính điện thờ Người anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Thông thường người ta sẽ trồng vào vị trí cây lim cũ một cây mới. Điều lạ thứ ba là cây non nào dù khoẻ mạnh trồng vào đó cũng không có tín hiệu lớn. Người ta đành để trống, thành ra khoảng đất ấy lại như nhắc nhở mọi người: cây cũng biết nhớ nguồn nhớ cội, nhớ người đi trước xả thân mình giành độc lập tự do… huống nữa là người!!!
Không biết các sự kiện xưa nay có liên hệ gì với nhau nhưng rõ ràng “cây” đã giúp đỡ, ủng hộ, đã “hy sinh” vì Anh hùng dân tộc Lê Lợi!
Trong lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của ta, khắp trong Nam ngoài Bắc đều có những cây cổ thụ như là một đồng chí, một dũng sỹ, một pháo đài. Có cây rỗng thân chứa được cả nửa tiểu đội du kích hoạt động bí mật. Có cây không bom đạn nào tàn phá nổi mà vẫn cứ vươn cao thách thức kẻ thù và hứng bom đạn che chở cho người. Có gốc cây là hầm bí mật… Những chuyện này xin thuật kể vào một dịp khác.
Rừng che bộ đội (Trong ảnh: Căn cứ Tà Thiết - một khu rừng thuộc huyện Lộc Ninh (Bình Phước) là vị trí đóng quân của Quân ủy BCH Miền trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi gắn với tên tuổi các đồng chí lãnh đạo như Đại tướng Lê Đức Anh, Thượng tướng Trần Văn Trà, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng...) |
Không nói về mặt “văn hoá tâm linh”, chỉ xin nhắc lại tác dụng của cây xanh với con người cũng cho thấy cây là bạn bè, hơn nữa là bà mẹ của con người. Chẳng phải là bà mẹ sao khi cây hấp thụ khí các-bon-nic và cung cấp oxy, mà ai cũng biết, thiếu xy thì con người sẽ chết. Các nhà sinh vật học gọi cây xanh là một nhà máy hóa học hút khí độc nhả khí lành. Dưới góc nhìn văn hoá thì gọi là “bà mẹ” có lẽ đích đáng hơn vì cây xanh che chắn, nâng đỡ và nuôi sống con người.
Ngẫm câu “Mùa xuân là Tết trồng cây”, trồng cây là gieo sự sống. Vì lẽ này, từ thời cổ xưa con người đã biết khuyên nhau không chặt cây lớn vào mùa xuân. Thì ra “phê bình sinh thái” thời nay đã có từ tận xửa tận xưa!