Yên Định (Thanh Hóa): “Bỏ quên” môi trường ở Làng nghề đá Yên Lâm?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 19:24, 27/11/2021

(TN&MT) - Làng nghề đá Yên Lâm hiện có 33 doanh nghiệp, công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến đá. Một tình trạng báo động, đáng lo ngại ở đây là hầu hết các cơ sở sản xuất và chế biến đá chưa có hệ thống xử lý nước thải và bột đá. Các cơ sở chỉ đào các hố cho nước và bột đá chảy tràn lan gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có của vùng núi đá vôi, hàng chục doanh nghiệp đã đầu tư, mở rộng hoạt động khai thác, chế biến đá tại thị trấn Yên Lâm, tạo việc làm cho hàng ngàn công nhân. Tuy nhiên trong công tác quản lý của các cấp chính quyền còn khá lỏng lẻo, nhiều doanh nghiệp trong khai thác mỏ và chế biến đá vẫn chưa thật sự quan tâm tới việc môi trường và an toàn lao động…

Mặt khác người lao động chưa có ý thức trong việc sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động để bảo vệ chính mình, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn lao động nghiêm trọng. Theo quan sát của chúng tôi tại một số cơ sở công nhân chưa được trang bị quần áo, đồ dùng bảo hộ lao động khi khai thác và chế biến đá.

Bột đá đang chảy tràn lan ra môi trường.

Máy xẻ, máy nghiền đá hoạt động bụi mù mịt tuôn ra trong khi đó công nhân không có đồ bảo hộ tối thiểu. Việc khám sức khỏe định kỳ, đóng bảo hiểm cho công nhân còn hạn chế, quyền lợi của người lao động vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Đặc biệt là tình trạng xả nước thải trực tiếp ra môi trường. Qua quan sát nhiều công ty, doanh nghiệp khai thác và chế biến đá trong khu vực làng nghề đá Yên Lâm, chưa có bể lắng đọng theo đúng quy chuẩn của Bộ Tài Nguyên và môi trường. Các cơ sở chủ yếu đào hố chứa, cho nước chảy tràn lan sau đó bột đá lắng xuống thì múc lên khu vực gần đó. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đặc biệt là nguồn nước ngầm. Các hố được đào thủ công sơ sài, nước thải ra ngấm trực tiếp vào lòng đất.

Môi trường tại Làng nghề đá Yên Lâm vẫn còn là một vấn đề nhức nhối.

Ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường các đơn vị khai thác và chế biến đá dường như vẫn còn bị xem nhẹ mà chủ yếu quan tâm tới lợi nhuận, chạỵ theo sản lượng. Quá trình khai thác và chế biến tác động như thế nào tới môi trường, vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Công tác quản lý nguồn tài nguyên, khảo sát tình trạng, đánh giá tác động trong quá trình khai thác và chế biến đá tới môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt là các ngành chức năng vẫn chưa xử lý nghiêm các doanh nghiệp, công ty khai thác chế biến đá vi phạm pháp luật về môi trường. Vẫn để tình trạng thải trực tiếp nước thải và bột đá ra môi trường.

Nước thải trong quá trình xẻ đá đang chảy trực tiếp ra môi trường.

Việc vận chuyển sản phẩm đá còn tác động trực tiếp tới hệ thống đường giao thông, những đoạn đường đã bị xe tải, xe container băm nát để lại những ổ gà, ổ voi gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Máy xẻ, máy nghiền đá hoạt động liên tục, tình trạng nổ mìn không đúng giờ quy định, làm ô nhiễm tiếng ồn cho các hộ dân cư sống xung quanh khu vực làng nghề.

Xe chở đá có dấu hiệu quá tải, gây bụi mù cả một tuyến đường.

Được biết, Đoàn kiểm tra của UBND huyện Yên Định đã tổ chức Thanh tra theo Quyết định số 888/QĐ-UBND ngày 15/4/2021 về kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Qua đó đã chỉ ra một số doanh nghiệp chấp hành chưa nghiêm các quy định của Nhà nước về khai thác, sản xuất, chế biến, sử dụng tài nguyên khoáng sản. Tình trạng khai thác khoáng sản ngoài phạm vi mỏ, khai thác vượt trữ lượng, chấp hành chưa tốt các quy định về BVMT trong khai thác khoáng sản gây búc xúc trong nhân dân…

Đơn cử như Công ty TNHH xây dựng thương mại và sản xuất Hoàng Minh chưa đăng ký nội quy ATLĐ về Sở Lao động, Thương binh & Xã hội theo quy định. Một số công nhân vận hành máy sản xuất, chế biến đá chưa sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động khi làm việc. Chưa thực hiện giám sát môi trường Quý I, II/2021…

Nước thải tại xưởng xẻ đá Công ty TNHH xây dựng thương mại và sản xuất Hoàng Minh.

Hoặc Công ty TNHH Xây dựng, giao thông, thủy lợi Tân Sơn cũng có những sai phạm trong lĩnh vực môi trường đã được Đoàn kiểm tra của UBND huyện Yên Định chỉ ra. Cụ thể: Chưa đăng ký nội quy ATLĐ về Sở Lao động, Thương binh & Xã hội theo quy định. Một số công nhân nổ mìn chưa có chứng chỉ huấn luyện an toàn, vật liệu nổ. Một số công nhân vận hành máy sản xuất, chế biến đá chưa sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động khi làm việc. Về chất thải nguy hại: Chưa ký Hợp đồng thu gom, xử lý chất thải nguy hại, các phi dầu, mở chưa được thu gom và đưa vào vị trí kho tập kết theo quy định.Chưa cung cấp đầy đủ báo cáo Giám sát môi trường hàng năm theo quy định. Chưa lập hồ sơ, thủ tục, trình UBND tỉnh Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường…

Trao đổi về những sai phạm về khai thác khoáng sản và môi trường của các đơn vị, ông Hoàng Văn Tiến – Trưởng phòng TN&MT huyện Yên Định cho biết: Những sai phạm của các đơn vị khai thác và chế biến đá trên địa bàn thị trấn Yên Lâm đã được Đoàn kiểm tra kết luận. UBND huyện đang xem xét xử lý theo quy định, nếu đơn vị nào sai phạm vượt quá thẩm quyền sẽ báo cáo UBND tỉnh xử lý.

Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng không chỉ đối với riêng một quốc gia mà là vấn đề toàn cầu. Từ đó đòi hỏi ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của mỗi cá nhân. Mỗi người cần góp một phần nhỏ chung tay làm sạch và giữ gìn môi trường sống của chính mình.

Thiết nghĩ, để từng bước cải thiện môi trường tại Làng nghề đá Yên Lâm cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường với nhiều hình thức đa dạng. Việc xử lý các hành vi vi phạm cần kịp thời, triệt để để có tác dụng răn đe. Địa phương cần phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất theo đúng cam kết bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thanh Tâm