Sơn La: Đưa 167 khu đất và 11 dự án khu ở vào đấu giá để tạo nguồn thu năm 2022
Đất đai - Ngày đăng : 19:23, 27/11/2021
Năm 2022, Sơn La dự kiến đưa 167 khu đất vào đấu giá để tạo nguồn thu. |
Theo đó, tổng số khu đất dự kiến đưa vào khai thác là 167 khu đất; số tiền thu từ đấu giá đất đạt khoảng 1.300 tỷ đồng.
Tổng số khu ở dự kiến thu tiền sử dụng đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trong năm 2022 là 11 dự án; tổng diện tích trên 143ha; dự kiến số tiền thu khoảng 949 tỷ đồng.
Nguồn tạo quỹ đất từ các loại đất, gồm: Đất Nhà nước thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai; đất thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định tại khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai; thu hồi do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất theo quy định tại các điểm a, b, c, d, khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai; đất Nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước…
Về trình tự các bước tiến hành, việc đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân, quy trình thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản 2016; Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP ngày 4/4/2015 của liên Bộ TN&MT, Bộ Tư pháp về tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Với việc đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện theo Quy định tại Quyết định 2116/QĐ-UBND ngày 1/9/2021 của UBND tỉnh Sơn La về việc ban hành quy trình đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Với việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án, theo quy định tại Quyết định 101/QĐ-UBND, ngày 20/1/2021 của UBND tỉnh, quy định một số nội dung thực hiện dự án có sử dụng đất để đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại không sử dụng vốn ngân sách theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và các văn bản pháp luật hiện hành.
Việc khai thác quỹ đất nhằm giải quyết nhu cầu về đất ở, tạo mặt bằng sạch để thu hút đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, tái định cư, thương mại, dịch vụ, dự án khu, cụm công nghiệp; góp phần đảm bảo việc quản lý, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, phát huy nguồn lực từ đất; góp phần chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai trên địa bàn.
UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các sở, ngành, các huyện thành phố rà soát toàn bộ các thửa đất sử dụng kém hiệu quả, không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích, báo cáo UBND tỉnh thu hồi đất theo quy định. Rà soát toàn bộ quỹ đất chưa sử dụng nằm xen kẽ trong khu dân cư, khu đô thị để lập kế hoạch khai thác, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định; rà soát nhu cầu quỹ đất công trên địa bàn các huyện, thành phố để lập kế hoạch giao quỹ đất cho các huyện, thành phố khai thác có hiệu quả.
Quá trình triển khai đấu giá đảm bảo nhanh, gọn, dứt điểm từng dự án; đúng quy định Luật Đất đai 2013, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng… Đặc biệt, đảm bảo ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong khu vực thu hồi đất, không để tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình thu hồi đất.
Theo báo cáo từ Sở TN&MT Sơn La, trong 9 tháng năm 2021, thực hiện Kế hoạch khai thác quỹ đất để tạo nguồn thu, tỉnh Sơn La đã đưa vào đấu giá thành công hơn 6,29ha đất; số tiền thu từ đấu giá đất hơn 223 tỷ đồng. Một số huyện có kết quả đấu giá cao, như thành phố Sơn La hơn 33,8 tỷ; Mộc Châu hơn 87 tỷ; Vân Hồ hơn 18 tỷ đồng; Sông Mã hơn 24 tỷ…
Theo báo cáo từ các huyện, thành phố, khó khăn, vướng mắc chính đang gặp phải là do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, các huyện đang tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật; người dân ít có nhu cầu về đất ở, nên hầu hết các cuộc đấu giá do các huyện, thành phố tổ chức triển khai, tuyên truyền công khai bán hồ sơ đấu giá nhưng ít có người tham gia.
Công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, người dân chưa đồng thuận với chính sách bồi thường, hỗ trợ. Một số thửa đất mặt bằng phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ.