Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với tỉnh Thanh Hóa về tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 15:39, 26/11/2021

(TN&MT) - Sáng 26-11, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do đồng chí Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa để tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 và các định hướng sửa đổi Luật Đất đai.

Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác.

Đồng chí Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ TN&MT đưa ra 9 định hướng để các sở, ngành tỉnh Thanh Hóa thảo luận, cho ý kiến đóng góp. Cụ thể: Sở hữu đất đai; Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Về thu hồi đất; Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Về chính sách kinh tế, tài chính đất đai; Quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Thứ trưởng Bộ TN&MT - Lê Minh Ngân làm việc với tỉnh Thanh Hóa về tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013

Tại buổi làm việc, tỉnh Thanh Hóa đã gửi đến đoàn công tác báo cáo kết quả đạt được trong thi hành Luật Đất đai năm 2013 của tỉnh Thanh Hóa. Giai đoạn 2013 - 2020, đã có 6.559 dự án được chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất, diện tích 9.277,48 ha. Giai đoạn 2014 - 2020, tỉnh đã thu hút được 89 dự án đầu tư của tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài, sử dụng 5.117,65 ha đất. Cũng trong giai đoạn này, tỉnh đã thu hồi 24 dự án, với diện tích là 81,67 ha giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, tổ chức đấu giá theo quy định. Có 10.682 dự án phải thu hồi đất, tổng diện tích đất thu hồi là 21.895,991 ha.

Về đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã hoàn thành công tác đo đạc bản đồ địa chính, đăng ký đất đai tại 469/559 xã, phường, thị trấn với diện tích 367.206,8 ha. Giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh đã thực hiện đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân với diện tích 649.222,9 ha/684.791,51 ha diện tích cần cấp, đạt tỷ lệ 94,81%, số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp 2.385.281 giấy/2.466.384 giấy cần cấp, đạt tỷ lệ 96,71%.

Việc khai thác quỹ đất để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, với tổng số dự án đầu tư theo phương thức PPP trên địa bàn tỉnh là 14 dự án, với tổng vốn đầu tư 72.989 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã nêu và trao đổi với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh, như: Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của các công trình, dự án; việc khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vẫn còn xảy ra. Kết quả cấp Giấy chứng nhận trên cơ sở bản đồ địa chính, trích đo địa chính có toạ độ còn đạt thấp. Kết quả đo đạc bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận chưa kịp thời đưa vào cơ sở dữ liệu đất đai để quản lý, vận hành và khai thác sử dụng. Việc lồng ghép giữa đo vẽ bản đồ địa chính với đăng ký, cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn hạn chế. Hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính chưa được cập nhật, chỉnh lý biến động thường xuyên, kịp thời theo quy định…Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan đến Luật đất đai năm 2013.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã thông tin đến đoàn công tác những kết quả khái quát trong thực hiện Luật Đất đai năm 2013 của tỉnh Thanh Hóa. Việc sửa đổi phải dựa trên cơ sở của sự tiến bộ, phát triển của thực tiễn. Đề nghị đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho cấp trên sửa đổi Luật theo hướng quy định việc quy hoạch sử dụng đất theo khu chức năng, về chi tiết thực hiện theo quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch nông thôn mới. Đối với sản xuất đất nông nghiệp, cần giao đất có kỳ hạn lâu dài cho người dân. Không quy định về quy mô tích tụ đất đai cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Luật đất đai mới ra đời phải giải quyết được những tồn tại, khó khăn, bất cập của Luật Đất đai cũ.

Ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đưa ra một số kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai 2013

Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc nêu trên, tỉnh Thanh Hóa đề xuất, kiến nghị với đoàn công tác một, như: sửa đổi phạm vi điều chỉnh của pháp luật đất đai cần quy định theo phạm vi toàn lãnh thổ nước Việt Nam.. Sửa đổi Luật theo hướng quy định rõ hình thức lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện giao đất, cho thuê đất. Cần quy định chế tài để hỗ trợ nhà đầu tư đối với phần diện tích chiếm tỷ lệ rất nhỏ còn lại của dự án mà nhà đầu tư không thỏa thuận được để đảm bảo triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Quy định tại Khoản 2 Điều 129 Luật Đất đai năm 2013 về hạn mức giao đất trồng cây lâu năm là không phù hợp với bối cảnh hiện nay theo chủ trương xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, chuyên canh cây công nghiệp…

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân ghi nhận những kết quả đạt được trong thực hiện Luật Đất đai năm 2013 của tỉnh Thanh Hóa. Thứ trưởng cho rằng, việc sửa đổi bộ Luật là một lộ trình dài hơi, căn cứ vào các vấn đề khó khăn, bất cập của thực tiễn thực hiện. Do đó, việc lắng nghe các ý kiến trao đổi từ các chính quyền địa phương là thực sự cần thiết đối với việc sửa đổi, hoàn thiện bộ Luật. Đoàn công tác sẽ tiếp thu các ý kiến trao đổi, góp ý của đại diện các sở, ngành, địa phương của tỉnh Thanh Hóa tại buổi làm việc và tổng hợp các ý kiến đề xuất, kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa để làm căn cứ trong việc sửa đổi bộ Luật.

Thanh Tâm