Chuyển đổi số và tiếp cận công bằng công nghệ số
Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 18:36, 25/11/2021
Tiếp nối thành công của Diễn đàn Franconomics I - 2019 và Franconomics II - 2020, trong 2 ngày 24-25/11, tại Hà Nội, Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN (IFI) phối hợp với Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), đồng tổ chức sự kiện Franconomics III - 2021 với chủ đề: “Những thách thức của chuyển đổi số với việc tiếp cận công bằng các dịch vụ thiết yếu trong thời đại COVID-19”.
Toàn cảnh Diễn đàn
GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: Đại dịch COVID-19 khiến các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về kinh tế, văn hoá, đời sống xã hội. Hơn bao giờ hết, thế giới được kêu gọi thích ứng để chung sống với dịch bệnh.
Chính trong thời điểm này, chuyển đổi số đã chứng minh vai trò then chốt của mình trong công cuộc phục hồi nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực trong hai năm qua, chuyển đổi số trên thực tế vẫn đã và đang tạo ra sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu ở tất cả các quốc gia bất kể trình độ phát triển.
Diễn đàn Franconomics được tạo dựng với mục đích tạo cơ hội nhìn nhận lại những thách thức của chuyển đổi kỹ thuật số để tiếp cận công bằng với các dịch vụ thiết yếu trong thời kỳ COVID-19, với trọng tâm là tiếp cận công nghệ thông tin, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và công nghiệp 4.0, bao gồm cả nông nghiệp thông minh.
“Với sự thành công của Diễn đàn năm 2019 và 2020, tôi tin tưởng rằng những kết quả mà Diễn đàn quốc tế Franconomics lần thứ III năm nay mang lại sẽ càng làm tăng uy tín, và góp phần đưa Franconomics trở thành một thương hiệu không chỉ của Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN mà của cả cộng đồng khối Pháp ngữ”, GS.TS Lê Quân nhấn mạnh.
Thay mặt các đơn vị tổ chức và đồng tổ chức phát biểu tại Hội thảo, TS. Ngô Tự Lập, Viện trưởng IFI, đồng tình với những mặt tồn tại của chuyển đổi số đang đặt ra cho tất cả các quốc gia trong và sau thời kỳ covid, và nhấn mạnh rằng để giải quyết vấn đề này thì đòi hỏi không chỉ nỗ lực riêng lẻ của mỗi quốc gia, chinh phủ, mà còn cần một mô hình hợp tác mới của tất cả các chủ thể tham gia vào đời sống kinh tế xã hội, nhằm xây dựng một nền kinh tế thông minh, một xã hội thông minh vì một tương lai tươi sáng chung của mọi quốc gia.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery đánh giá, cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch COVID-19 đã gây ra những hậu quả cực kỳ mạnh mẽ không chỉ về vấn đề việc làm, mà còn về khả năng di chuyển do các biện pháp giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các dịch vụ công. Tuy nhiên, nhờ công nghệ kỹ thuật số, chúng ta đã thành công trong việc duy trì, đặc biệt là thông qua giáo dục trực tuyến, nhưng đôi khi ở những vùng sâu, vùng xa cũng gặp khó khăn khi tiếp cận giáo dục trực tuyến và cơ sở hạ tầng y tế còn thiếu.
Với các lớp học từ xa, nền tảng trực tuyến và nội dung kỹ thuật số thông qua máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh đã phát triển theo cấp số nhân để có thể cung cấp khả năng tiếp cận giáo dục ở mọi nơi và cho tất cả mọi người. Về y tế, các dịch vụ đặt hẹn và tư vấn trực tuyến cũng được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng cũng như việc bán thuốc trực tuyến (ví dụ như Pharmacity ở Việt Nam).
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số cũng gây ra những chênh lệch lớn, đặc biệt là với bộ phận dân số “đứng bên lề” của cuộc cách mạng kỹ thuật số với nhiều nguyên nhân.
Bên cạnh đó, Đại sứ Pháp đánh giá Việt Nam là quốc gia thích ứng nhanh với việc chuyển đổi số cả về bộ máy hành chính cũng như của người dân. Theo đó, Việt Nam có gần 69 triệu người sử dụng Internet với dân số 98 triệu người, với mức tăng thêm 550.000 người dùng Internet mới từ năm 2020 đến năm 2021. Gần 72 triệu tài khoản trên mạng xã hội và trước hết là Facebook, gần 154 triệu thiết bị di động được kết nối đang lưu hành.
Các đại biểu tham dự diễn đàn trực tuyến
Việt Nam có 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, 55% trong số đó đến từ các khu vực phi thành thị. Kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, thương mại điện tử đã tăng trưởng 53% với doanh thu khoảng 21 tỷ USD. Nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam ước đạt 57 tỷ USD vào năm 2025 và 220 tỷ USD vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực, sau Indonesia.
“Đặc biệt, ở cấp chính quyền, thành công của Cổng dịch vụ công quốc gia mặc dù mới ra mắt vào cuối năm 2019, gần một nửa trong số 6.500 thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến. Đến năm 2025, tất cả các dịch vụ công phải có thể truy cập trực tuyến”, Đại sứ Pháp cho biết.
Những con số này chứng tỏ khả năng thích ứng phi thường của người Việt Nam trước những tình huống phức tạp. Tuy nhiên, chúng không tiết lộ sự chênh lệch có thể tồn tại trong dân số, đặc biệt là ở những vùng xa xôi hẻo lánh nhất: truy cập mạng, làm quen với các công cụ kỹ thuật số, ...
Chuyển đổi số được xem như một đòn bẩy tối ưu mở ra các cơ hội để ổn định và theo đuổi các sứ mệnh chủ quyền của các quốc gia cũng như các hoạt động kinh tế nhà nước và tư nhân. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số đang đặt ra không ít thách thức, đặc biệt trong thời đại COVID-19 hiện nay, khi biên giới đóng cửa, hàng loại chuỗi cung ứng và dịch vụ đứt gãy và rối loạn, hạ tầng kỹ thuật chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số ngay lập tức.
Cũng chính từ đây, sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận công nghệ và hạ tầng kỹ thuật giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, giữa các khu vực thành thị hay nông thôn đã tạo nên rào cản cho quá trình chuyển đổi số toàn diện và sự phát triển chung của xã hội. Hơn bao giờ hết, cần đưa ra những định hướng và kế hoạch phù hợp thực tế nhằm đảm bảo việc tiếp cận công bằng công nghệ trong bối cảnh hiện nay.
Franconomics lần thứ III tập trung chia sẻ và tổng hợp những góc nhìn đa chiều về những thách thức của chuyển đổi số trong việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như giáo dục, y tế, nông nghiệp, hạ tầng kỹ thuật – công nghệ số đặc biệt là trong thời đại Covid-19 hiện nay với ba không gian trao đổi quy tụ sự tham gia - chia sẻ của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiêu biểu trong nước và quốc tế trong nhiều lĩnh vực
Hội thảo gồm 1 phiên toàn thể và 3 phiên chuyên đề thảo luận chuyên sâu về các chủ đề khác nhau về chuyển đổi số nói chung và trong bối cảnh Covid -19 nói riêng. Phiên toàn thể bao gồm các tham luận về những thách thức của giáo dục đại học trong bối cảnh Covid -19. Sau phiên toàn thể là 3 phiên chuyên đề diễn ra song song với các không gian thảo luận chuyên sâu. Cụ thể, chuyên chuyên đề 1: “Chuyển đổi số và tiếp cận công bằng công nghệ số”. Chuyên chuyên đề 2: “Chuyển đổi số và thách thức trong tiếp cận các dịch vụ y tế - giáo dục”. Chuyên đề 3: “Chuyển đổi số và Công nghiệp 4.0 tại các nước đang phát triển”.