TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên): Phát huy tiềm lực đất đai vùng nông thôn
Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 11:14, 25/11/2021
Sau thời gian tổ chức thực hiện, Luật Đất đai và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành đã tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và tạo ra cho ngành nông nghiệp đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.
Ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ cho biết: Luật Đất đai năm 2013 đã có những sự điều chỉnh quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp, tạo điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Cụ thể, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn đã khuyến khích việc tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại và quá trình này đã từng bước diễn ra gắn với phân công lại lao động trong nông thôn, nông nghiệp.
Cùng với việc quy định, mở rộng các quyền của người sử dụng đất, việc cấp Giấy chứng nhận đã tạo điều kiện cho người dân thế chấp, vay vốn mở rộng sản xuất trong nông nghiệp. Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã có những sự điều chỉnh quan trọng, góp phần trong việc ổn định chỗ ở, đời sống, đặc biệt là đối với những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Dự án đường 60m TP. Điện Biên Phủ |
Thời gian qua, việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của các địa phương trên địa bàn thành phố, quỹ đất sản xuất nông nghiệp đã được bố trí một cách hợp lý, theo các vùng chuyên canh, giá trị sản xuất nông nghiệp được nâng lên. Các công trình công cộng trong khu dân cư nông thôn như nhà trẻ, trường học, nhà văn hóa… đã được đầu tư xây dựng cơ bản, là động lực để các xã hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật về đất đai với tầm ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội đã đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội và môi trường. Thông qua việc phân bổ, sử dụng đất đã tạo được nhiều việc làm, ổn định đời sống cho người dân thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch quỹ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Thực hiện có hiệu quả chính sách giao đất không thu tiền đối với đất sản xuất nông nghiệp, chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống khó khăn đã góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình “xóa đói, giảm nghèo”.
Ông Dũng cho biết thêm: Để chính sách pháp luật đất đai phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, UBND thành phố kiến nghị: Tiếp tục đổi mới chính sách đất đai, có cơ chế nới rộng hạn điền theo hướng tăng cường tích tụ ruộng đất để góp phần thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hàng hoá; Khuyến khích người dân chuyển đổi phương án sản xuất, hợp tác sản xuất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên sâu, nhằm phát huy giá trị kinh tế đất.