Khám phá mới về địa chất khu vực Tam Giang - Bạch Mã

Khoáng sản - Ngày đăng : 11:12, 25/11/2021

(TN&MT) - Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Bắc đã hoàn thành nghiệm thu Đề tài khoa học và công nghệ độc lập cấp Quốc gia “Nghiên cứu di sản địa chất làm cơ sở khoa học để thành lập công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã” được thực hiện và hoàn thành trong thời gian 3 năm từ 2018 đến 2020.

Kết quả nghiên cứu, điều tra đã xác lập được 115 di sản địa chất thuộc 8 kiểu di sản địa chất. Bước đầu phân cấp các di sản địa chất theo 3 cấp: 5 di sản cấp quốc tế, 41 di sản cấp quốc gia và 69 di sản cấp địa phương.

Một di sản địa chất kỳ thú còn bỏ ngỏ

Đề tài trên được ra đời trong bối cảnh công tác bảo tồn và quản lý di sản địa chất ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã còn bỏ ngỏ. Tiến sĩ Vũ Quang Lân, Liên đoàn Trưởng Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ TN&MT), Chủ nhiệm Đề tài cho biết: Mặc dù có tiềm năng di sản lớn, nhưng tài nguyên di sản ở Thừa Thiên - Huế nói chung và khu vực Tam Giang - Bạch Mã nói riêng vẫn chưa được nghiên cứu, điều tra chi tiết để xác lập đầy đủ, đặc biệt là di sản địa chất, di sản thiên nhiên, chưa đánh giá được hết các giá trị di sản để bảo vệ, bảo tồn, quản lý và khai thác hợp lý cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

 

Du lịch ngành “công nghiệp không khói” mang lại lợi nhuận cao đã được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Với Thừa Thiên - Huế, ngành du lịch luôn được tỉnh quy hoạch phát triển, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực. Tuy vậy, việc khai thác di sản địa chất phục vụ cho du lịch đến nay vẫn chưa có chiều sâu, bởi các di sản này chưa được điều tra đánh giá đầy đủ. Điều đó đồng nghĩa với việc di sản địa chất chưa được khám phá và khai thác, các giá trị quý giá của di sản không được làm rõ để bảo vệ, bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững, dẫn đến di sản dễ bị xâm hại, phá hủy.

Theo Chủ nhiệm Đề tài, hiện nay, các nhà khoa học địa chất Việt Nam đang hướng tới điều tra, xác lập các di sản địa chất, thành lập mạng lưới Công viên địa chất quốc gia để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cũng đã hình thành Đầu mối quốc gia về công viên địa chất với định hướng hoàn thiện thành Ủy ban Quốc gia về công viên địa chất trong thời gian tới.

Việc xác lập danh hiệu Công viên địa chất quốc gia, tiến tới phát triển thành Công viên địa chất quốc tế cho khu vực Tam Giang - Bạch Mã là cơ sở để đẩy mạnh du lịch, phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn lâu dài các giá trị di sản nhiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa cho các thế hệ tương lai.

Tính đa dạng địa chất cao là giá trị nổi bật

Bên cạnh việc xác định rõ bối cảnh ra đời, đề tài trên đã đạt được một số kết quả nổi bật. Theo đó, kết quả của đề tài cung cấp nguồn thông tin về di sản địa chất và các di sản khác là cơ sở khoa học để thành lập Công viên địa chất ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã nói riêng; góp phần hình thành một phần trong mạng lưới Công viên địa chất quốc gia; phục vụ công tác bảo tồn, bảo vệ, quản lý và khai thác hợp lý nhằm đóng góp cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Khu vực Tam Giang - Bạch Mã có tiềm năng lớn để phát triển du lịch địa chất

Khu vực Tam Giang - Bạch Mã có tính đa dạng địa chất cao, bao gồm đa dạng về cấu trúc địa chất, tuổi thành tạo địa chất, địa tầng, đá, cổ sinh vật, môi trường sinh thái, lịch sử phát triển và địa mạo cảnh quan.

Kết quả nghiên cứu đã đánh giá khá chi tiết các giá trị di sản địa chất ở 7 khu trong khu vực Tam Giang - Bạch Mã. Trong đó, giá trị nổi bật của di sản địa chất ở khu vực này là sự đa dạng địa chất, tính độc đáo, kỳ vĩ tiêu biểu có giá trị khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao.

Mối liên quan giữa di sản văn hóa với di sản địa chất được xem xét dưới góc độ các yếu tố địa lý, địa chất, địa mạo tạo nên môi trường sống của con người với bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi vùng, miền. Ngược lại, việc nghiên cứu các di sản văn hóa sẽ góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử phát triển địa chất khu vực.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, điều tra về di sản địa chất, ông Vũ Quang Lân đề xuất 4 tuyến du lịch địa chất kết hợp với du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử và tâm linh trong khu vực Tam Giang - Bạch Mã.

Đề tài đã góp phần làm sáng tỏ lịch sử phát triển đồng bằng ven biển Thừa Thiên - Huế trong khoảng thời gian từ 10.000 năm trở lại đây, trong bối cảnh có sự thay đổi mực nước biển. Đồng thời, phát hiện và khoanh định diện phân bố của một vịnh biển cổ ở đồng bằng Huế phát triển trong khoảng thời gian từ 10.000 - 4.000 năm trước và bị lấp đầy dần bởi vật liệu do sông mang đến trong khoảng thời gian từ 4.000 năm đến nay.

Huy Sỹ