An Lão (Bình Định): Người dân vượt dốc về làng

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:38, 24/11/2021

(TN&MT) - Đợt mưa lũ tại Bình Định những ngày qua đã làm tuyến đường tránh hồ chứa nước Đồng Mít từ xã An Trung đi xã An Vinh của huyện vùng cao An Lão sạt lở nghiêm trọng. Do tuyến đường giao thông huyết mạch bị chia cắt, người dân An Vinh tự xé rẫy keo làm đường đi tạm.

Xé rẫy làm đường đi

Xã vùng cao An Vinh cách trung tâm huyện An Lão khoảng hơn 30 km, là nơi đầu nguồn của hồ chứa nước Đồng Mít. Do đợt mưa lớn những ngày qua đã làm tuyến đường tránh hồ chứa nước Đồng Mít từ xã An Trung đi xã An Vinh của huyện vùng cao An Lão bị sạt lở nghiêm trọng.

Tuyến đường từ xã An Trung đi xã An Vinh bị sạt lở nằm kề với con đường mòn do người dân xé rẫy làm đường đi tạm

Mặc dù đã nhiều ngày trôi qua nhưng tuyến đường chưa được khắc phục sửa chữa, làm cho cuộc sống bà con đồng bào dân tộc Hrê sinh sống ở xã An Vinh gặp nhiều khó khăn. Tuyến đường giao thông huyết mạch bị chia cắt, người dân không có đường đi lại buôn bán, làm ăn và các nhu cầu khác, họ đành phải xé rẫy keo làm đường đi tạm.

Hiện trường sạt lở ta luy trên tuyến đường từ xã An Trung đi xã An Vinh

Nhưng con đường đi tạm lại không dễ dàng gì. Vì là đường mòn từ đám rẫy keo nên con đường tạm có độ dốc cao nguy hiểm, phía dưới đường bùn đất sình lầy do mưa lớn và lượng đất đá vẫn còn nguyên tại hiện trường sạt lở tuyến đường chính từ xã An Trung đi xã An Vinh nằm kề bên đường tạm chưa được khắc phục.

Người dân An Vinh vất vả bò lên con dốc đường tạm về nhà

Mưa lũ làm sạt lở ta luy, khối lượng đất rất lớn từ trên núi đổ xuống nằm chắn ngang con đường từ xã An Trung đi xã An Vinh. Phía trong khu vực sạt lở còn có vũng nước sâu nguy hiểm do xe múc đất để lại nhưng không có biển cảnh báo nguy hiểm vùng bị sạt lở.

Vượt dốc về làng

Tuyến đường từ xã An Trung đi xã An Vinh có chiều dài 14 km là tuyến đường tránh hồ chứa nước Đồng Mít do Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định đầu tư xây dựng. Điểm sạt lở ta luy tại Km 3 và Km 13, thuộc thôn 1, xã An Vinh đến nay chưa được khắc phục, bị chia cắt hoàn toàn làm cô lập 543 hộ dân và 2050 nhân khẩu của 7 thôn ở xã miền núi An Vinh, có phần lớn là đồng bào dân tộc Hrê sinh sống.

Một cụ bà người Hrê xã An Vinh lom khom lên dốc

Nhưng do nhu cầu đi lại buôn bán hàng hóa với các xã miền xuôi trong huyện, người dân Hrê An Vinh bất chấp nguy hiểm, đường đi lại khó khăn bùn lầy vẫn vượt dốc cao đi qua các xã lân cận, rồi khi trở về lại vượt dốc vào làng. Cứ thế họ đã vượt con dốc cao chênh vênh đi đi về về nhiều ngày nay và mong ngóng con đường sớm được sửa chữa để họ đi lại bình thường như trước đây.

Anh Đinh Văn Thúc và con heo bị ngã xuống bùn đầy trên đường tạm

Chia sẻ với phóng viên, anh Đinh Văn Thúc ở thôn 3, xã An Vinh cho biết: Chúng tôi biết đi như thế này rất nguy hiểm nhưng không có con đường nào đi qua đành phải xé rẫy keo mà đi. Xe máy lên dốc phải có người phía sau đẩy lên hoặc đi bộ mang đồ đạc, hàng hóa lên theo rất vất vả.

An Thúc may mắn được hai người cùng xã giúp sức đẩy xe lên dốc an toàn

Trò chuyện xong với chúng tôi, anh Thúc cố gắng gồng mình nhấn số cho chiếc xe máy lên dốc vì phía sau còn chở thêm một con heo vài chục ký. Nhưng mới đến lưng chừng dốc, xe bị tắt máy đứng im làm anh Thúc và chú heo đằng sau ngã xuống đám bùn đất sình lầy. May mắn khi ấy có hai người phụ nữ cùng xã đến giúp anh và chú heo lên đoạn dốc an toàn.

Xe và người lọt xuống đống bùn sình lầy

Không chỉ có anh Thúc mà nhiều người dân đồng bào Hrê An Vinh cũng chật vật đưa xe máy và hàng hóa, đồ ăn, thức uống, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày vượt dốc về làng giữa cơn mưa tầm tả, rả rít kéo dài. Với tiến độ thi công sửa chữa rề rà hiện nay thì không biết đến bao giờ con đường từ xã An Trung đi xã An Vinh trở lại bình thường để người dân được đi lại thuận lợi.

Người lên dốc vất vả, người xuống dốc cũng không kém

Ông Đinh Văn Mẩy – Chủ tịch UBND xã An Vinh cho biết: Ngay sau khi xảy ra sự cố sạt lở, UBND xã đề nghị đơn vị quản lý tuyến đường là Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định huy động các phương tiện xe cơ giới tiến hành xử lý tại các diểm sạt lở, thường xuyên túc trực người và phương tiện để san gạt đất đá khi có sạt lở xảy ra.

Đây là con đường độc đạo để bà con dân tộc Hrê An Vinh đi ra trung tâm huyện An Lão

Tuy nhiên, do khối lượng đất đá lớn nhưng phương tiện cơ giới ít nên tiến độ thi công sửa chữa con đường còn chậm làm cho việc đi lại người dân khó khăn. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, Ban chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự huyện An Lão khuyến cáo bà con khi đi qua con đường này phải chú ý quan sát và hạn chế qua lại nhằm phòng tránh những tai nạn đáng tiếc. Đồng thời đề nghị chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định nhanh chóng điều động thêm nhân lực, vật lực sớm mở đường tránh tạm thời để người dân tham gia giao thông trên tuyến đường được an toàn.

Mỹ Bình