TP.HCM: Tăng cường công tác thanh, kiểm tra trong lĩnh vực đất đai

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 15:35, 24/11/2021

(TN&MT) - Triển khai Luật Đất đai năm 2013, nhờ công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; TP.HCM đã kịp thời phát hiện, xử lý hàng trăm vụ việc vi phạm pháp luật đất đai, đưa công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố vào nề nếp.

Theo UBND TP.HCM, nhờ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vi phạm pháp luật đất đai, đưa công tác quản lý đất đai vào nề nếp

Hơn 700 cuộc thanh tra, kiểm tra

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, hàng năm, Thanh tra Thành phố, Sở TN&MT, UBND các quận, huyện đều phối hợp rà soát, ban hành và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai. Đồng thời, UBND Thành phố cũng có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Triển khai Luật Đất đai 2013, từ 2014 đến 2020, TP.HCM đã thực hiện hơn 700 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai. Trong đó: Thanh tra Thành phố đã tiến hành 46 cuộc; Thanh tra của các quận, huyện đã tiến hành 104 cuộc; Thanh tra Sở TN&MT tiến hành 51 cuộc và gần 500 cuộc kiểm tra chuyên ngành về quản lý đất đai.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT hàng năm đều ban hành các kế hoạch thanh tra và thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trên địa bàn TP.HCM theo kế hoạch đột xuất, trong đó tập trung vào các dự án, công trình trọng đểm như cổ phần hóa, giao thuê đất tại các dự án…

Theo UBND TP.HCM, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đất đai ngày càng được tăng cường và đi vào chiều sâu. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra và thông tin từ công dân, thành phố đã chỉ đạo thực hiện nghiêm, đảm bảo nguyên tắc mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật đất đai và luật xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể, TP.HCM đã ban hành gần 1.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thu ngân sách số tiền hơn 100 tỷ đồng, bao gồm tiền xử phạt vi phạm hành chính và tiền thu lợi bất chính. Vi phạm pháp luật đất đai chủ yếu do chậm đăng ký biến động đất đai, chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở, cho thuê đất, cho thuê lại không đúng quy định, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, TP.HCM đã quyết định thu hồi 05 khu đất với diện tích 61.018 m2 đất của các tổ chức do vi phạm pháp luật đất đai.

Ông Lê Hoà Bình - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã giúp cho người sử dụng đất, tổ chức, doanh nghiệp và người dân hiểu rõ hơn các quy định mới của pháp luật đất đai; đưa công tác quản lý nhà nước về đất đai đi vào nề nếp, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế đặt ra, công tác thanh tra, kiểm tra đất vẫn chưa thực sự đáp ứng đầy đủ yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về đất đai, do biên chế làm công tác thanh tra hiện nay còn thiếu, chưa tương xứng với tình hình và tính chất công việc của đô thị đặc biệt.

Một buổi tiếp công dân của Lãnh đạo Sở TN&MT TP.HCM (Ảnh chụp tháng 12/2020)

Trên 90% đơn thư khiếu nại, tố cáo được xử lý

Theo UBND TP.HCM, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai luôn được Lãnh đạo Thành phố quan tâm, được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước và đã tập trung chỉ đạo giải quyết một cách thực chất, có hiệu quả. TP.HCM có diện tích tự nhiên lớn, mật độ dân cư cao, đất đai có nguồn gốc đa dạng, phức tạp và luôn biến động.

Do đó, khối lượng đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai rất lớn, phức tạp và kéo dài. Qua thống kê, số lượng đơn thư, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai chiếm 72% tổng số khiếu nại, kiến nghị trong hoạt động quản lý kinh tế - xã hội. Các vụ việc này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Từ 2014 - 2020, các cơ quan chức năng TP.HCM đã tiếp nhận và xử lý khoảng 85.000 đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trong đó, đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết khoảng 65.200 đơn; không thuộc thẩm quyền giải quyết khoảng 20.100 đơn… Toàn Thành phố đã giải quyết đạt khoảng 58.700 đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, đạt hơn 90%.

Các cơ quan chức năng của TP.HCM đã thực hiện hơn 147.000 lượt tiếp công dân. Thành phố cũng đã tổ chức hình thành bộ máy tiếp công dân, bố trí địa điểm tiếp công dân, sắp xếp kế hoạch tiếp công dân định kỳ, thường xuyên và đột xuất, bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời theo quy định pháp luật. Lãnh đạo UBND TP.HCM, các Sở ngành, UBND các địa phương luôn đảm bảo việc trực tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân.

Theo UBND TP.HCM, nhờ làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo nên số lượng đơn thư và đơn thuộc thẩm quyền gửi đến các cấp chính quyền có chiều hướng giảm, tình hình khiếu nại đông người được kiểm soát, không để phát sinh các vụ phức tạp làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Đề xuất sửa đổi thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

UBND TP.HCM kiến nghị sửa đổi Điều 203 Luật Đất đai 2013 theo hướng giải quyết tranh chấp đất đai sẽ do Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự (kể cả trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai).

Theo UBND TP.HCM, hiện nay, nhiều hồ sơ cấp Giấy chứng nhận gặp vướng do có tranh chấp, vướng mắc về nguồn gốc pháp lý, quy hoạch. Tuy nhiên, đa số các trường hợp tranh chấp sau khi được cơ quan hành chính giải quyết đều khởi kiện ra Tòa án nhân dân, do đó hiệu quả về mặt giải quyết của cơ quan hành chính là không cao. Mặt khác, việc cơ quan hành chính vừa giải quyết tranh chấp đất đai vừa giải quyết cấp Giấy chứng nhận sẽ không mang tính khách quan khi giải quyết vụ việc.

Nguyễn Quỳnh