Ninh Bình: Chính sách pháp luật đất đai tạo đà cho phát triển kinh tế xanh, bền vững

Tổng kết Luật Đất đai 2013 - Ngày đăng : 11:13, 24/11/2021

(TN&MT) - Sau 7 năm triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013, những chính sách pháp luật đất đai là nền tảng để Ninh Bình kiên định quan điểm phát triển theo hướng kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Tạo nguồn lực phát triển kinh tế

Có thể nói, sau 7 năm thực hiện Luật Đất đai 2013 đã tác động mạnh mẽ đối với kinh tế, tạo ra “cú huých” lớn với quỹ đất mới là tiền đề để Ninh Bình phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, đô thị và dịch vụ; phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản.

Báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, tỉnh đã ban hành 44 văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quy định của pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh. Công tác lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của Ninh Bình đã được UBND tỉnh và các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện một cách đồng bộ, theo đúng trình tự, thủ tục của các cấp có thẩm quyền.

Chính sách pháp luật đất đai tạo đà cho phát triển hạ tầng đô thị tại Ninh Bình

Đặc biệt, việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp luôn ưu tiên việc bố trí diện tích đất để thực hiện theo nội dung quy hoạch nông thôn mới. Thực hiện chủ trương, chính sách thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất đã làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, nhiều địa phương đã và đang hình thành các vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, với định hướng phát triển công nghiệp phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, gắn với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã quy hoạch. Trong những năm qua, Ninh Bình đã chỉ đạo tập trung phát triển các ngành công nghiệp truyền thống, có lợi thế về nguyên liệu, nguồn nhân lực, tăng cường thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, nông nghiệp công nghệ đã quy hoạch bố trí quỹ đất dành cho các khu, cụm công nghiệp, khu làng nghề truyền thống và khu sản xuất kinh doanh tập trung trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, từ 1/7/2014 đến nay, Ninh Bình đã thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển quyền mục đích sử dụng đất cho 827 dự án, với tổng diện tích 1878,5 ha. Công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất được thực hiện trên cơ sở phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được phê duyệt.

Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho nhân dân khi tiến hành thu hồi đất, GPMB được thực hiện theo quy định, kịp thời bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công và chủ đầu tư để triển khai thực hiện các dự án.

Thực hiện Luật Đất đai năm 2013 về cơ bản tất cả các thửa đất đã được thực hiện đăng ký vào hồ sơ địa chính theo quy định. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 95/143 xã, phường, thị trấn và 2 khu vực bãi bồi ven biển đã được đo đạc Bản đồ địa chính chính quy dạng số với diện tích 80.258,59 ha/138.678,68 ha, chiếm 57,87% tổng diện tích tự nhiên; 28/143 xã, phường, thị trấn đã xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; cấp 306.631 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tổng diện tích đã cấp giấy chứng nhận là 98.684,94 ha, đạt tỷ lệ 87,12%.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã ban hành Bảng giá đất định kỳ 5 năm và điều chỉnh, bổ sung Bảng giá đất đảm bảo quyền lợi, lợi ích của người sử dụng đất và nguồn thu ngân sách Nhà nước. Thực hiện nghiêm các quy định về chế độ sử dụng các loại đất đã được quy định trong Luật Đất đai năm 2013.

Bền vững về môi trường

Với ưu thế có nhiều loại tài nguyên thiên nhiên phong phú, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo phát huy tiềm năng sẵn có như tài nguyên đất, nước, tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, tài nguyên khoáng sản tạo thành nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, gắn với yêu cầu đặt ra là khai thác chú trọng yếu tố bền vững về môi trường, việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, không khí theo quy hoạch, kế hoạch.

Ninh Bình tập trung thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp tập trung

Các mỏ khoáng sản đều được thăm dò, đánh giá trữ lượng và qua hội đồng thẩm định, phê duyệt đề án thăm dò, trữ lượng khoáng sản trước khi xem xét, cấp phép nhằm đưa vào khai thác có kế hoạch, định hướng và đưa vào sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào khai thác phù hợp với từng khu vực và đảm bảo khi kết thúc khai thác để lại bề mặt địa hình có giá trị lớn nhất về đất đai, môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, từ năm 2010 trở lại đây, Ninh Bình không cấp mới kinh doanh sản xuất xi măng nữa. Đến nhiệm kỳ này, Ninh Bình quyết định không cấp mới các dự án khai thác mỏ khoáng sản nữa, trừ trường hợp đặc biệt. Về công nghiệp, Ninh Bình tập trung thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp tập trung… Nhờ các chính sách, định hướng tốt, Ninh Bình hiện nay đang phát triển các ngành kinh tế xanh, phát triển bền vững và nhất quán quan điểm phát triển này.

Có thể nói Luật Đất đai 2013 đã góp phần quan trọng tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, nhất là quản lý đất đai, quy hoạch, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, quản lý di sản, danh thắng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đánh giá, Ninh Bình là điểm sáng trong xây dựng quỹ phát triển đất để phục vụ cho tạo quỹ đất. Ninh Bình cũng là địa phương sử dụng quỹ phát triển đất một cách linh hoạt cho giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án. Đây được coi là một trong những chính sách cần tháo gỡ nhanh cho đầu tư công và phát triển.

Tuyết Chinh