Kỷ niệm 76 năm Ngày Truyền thống ngành Thanh tra: Tập trung ngăn chặn, xử lý hiệu quả tiêu cực về TN&MT
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 13:21, 23/11/2021
PV: Ông đánh giá thế nào về những đóng góp của công tác thanh kiểm tra của Bộ TN&MT, nhất là giai đoạn 2016 - 2020?
Ông Lê Vũ Tuấn Anh:
Thời gian qua, nhất là trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ TN&MT đã bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường.
Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020, các đơn vị trực thuộc Bộ đã triển khai thực hiện 729 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 6.015 tổ chức, thực hiện 490 cuộc kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.269 tổ chức với tổng số tiền là 204 tỷ 417 triệu đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách Nhà nước 912 triệu đồng, buộc bồi thường cho người dân các tỉnh bị ảnh hưởng là hơn 11 nghìn tỷ đồng.
Ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh Thanh tra Bộ TN&MT |
Kết quả thanh tra, kiểm tra đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật và các hành vi tham nhũng, lãng phí về tài nguyên và môi trường, trong đó, nhất là về lĩnh vực đất đai, môi trường và khoáng sản; các tổ chức, tập thể và cá nhân để xảy ra các sai phạm làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được xử lý nghiêm theo quy định.
Đồng thời, qua thanh tra, kiểm tra cũng đã phát hiện nhiều bất cập của các quy định pháp luật về tài nguyên và môi trường... trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục các bất cập, sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp. Bên cạnh đó, từ hoạt động thanh tra, kiểm tra, đã giúp cho các tổ chức, cá nhân có nhận thức và chuyển biến tích cực trong việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường.
Công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tài nguyên và môi trường đã được Bộ TN&MT duy trì thường xuyên, theo quy định của pháp luật. Từ năm 2015 đến 2020, Bộ TN&MT đã tiếp tổng cộng 2.843 lượt với 7.663 người đến khiếu kiện, trong đó, có 433 đoàn đông người; tổng số đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tài nguyên và môi trường và tranh chấp đất đai đã tiếp nhận là 20.614 lượt (trung bình mỗi năm nhận 3.400 lượt đơn). Bộ trưởng và các Thứ trưởng đã trực tiếp tiếp công dân định kỳ và đột xuất theo quy định của Luật Tiếp công dân và quy chế làm việc của Chính phủ, nhất là các trường hợp đông người, bức xúc, phức tạp, kéo dài.
Đơn thư đến Bộ TN&MT đã được nhập, theo dõi trên hệ thống quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo (Bộ đã chuyển giao cho Thanh tra Chính phủ cơ sở dữ liệu đơn thư từ năm 2008 để đưa vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia); đơn thư được phân loại, xử lý kịp thời, theo đúng quy định. Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư chuyển dần theo hướng chủ động, tham mưu lãnh đạo Bộ thanh tra đột xuất để chấn chỉnh, xử lý sai phạm và xem xét khiếu nại, phản ánh, kiến nghị của người dân.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đã được tập trung giải quyết. Quá trình giải quyết luôn chú trọng vào công tác đối thoại, hòa giải, giải quyết trên cơ sở đánh giá đầy đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn của vụ việc, từ đó đề xuất biện pháp giải quyết thấu tình, đạt lý, có tính khả thi cao. Đã có sự phối hợp tích cực giữa Bộ TN&MT với các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Việc tiếp tục kiểm tra, rà soát giải quyết vụ việc tồn đọng, kéo dài đã đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, tác động tích cực đến tình hình và kết quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định và bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.
Nhiều địa phương đã chủ động có văn bản hoặc trực tiếp làm việc với Bộ TN&MT để trao đổi, xin ý kiến về các vướng mắc trong giải quyết vụ việc phức tạp, tạo sự đồng thuận cao trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai.
PV: Vậy thưa ông, đâu là những thuận lợi, khó khăn trong công tác thanh tra TN&MT trong thời gian qua?
Ông Lê Vũ Tuấn Anh:
Để đạt được những kết quả nêu trên, trước hết, công tác thanh tra, kiểm tra TN&MT được Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ TN&MT quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, coi là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường; sự hướng dẫn kịp thời về định hướng kế hoạch thanh tra, chuyên môn, nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ. Bên cạnh đó là sự phối hợp thường xuyên, liên tục của các đơn vị trong Bộ cũng như các Sở Tài nguyên và Môi trường trên toàn quốc; sự đoàn kết, nỗ lực vào cuộc của cán bộ, công chức trong việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra TN&MT trong thời gian qua.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, công tác thanh tra, kiểm tra TN&MT cũng có những khó khăn nhất định: Chưa có quy chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra của Bộ và của các Sở Tài nguyên và Môi trường; chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra và giải quyết đơn thư trong toàn ngành TN&MT.
Nguồn lực về con người, kinh phí, trang thiết bị cho công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường chưa đáp ứng được với khối lượng nhiệm vụ thực tế phát sinh, như: Lực lượng cán bộ của các cơ quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành còn thiếu rất nhiều trong khi đây là Ngành quản lý nhiều lĩnh vực phức tạp, với phạm vi rộng và số lượng đối tượng quản lý rất lớn.
Số lượng cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng còn ít; nội dung chưa phong phú, sát thực nên về cơ bản trình độ chuyên môn của các cán bộ làm công tác thanh tra Ngành còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong công tác; trang thiết bị và cơ sở vật chất cho hoạt động thanh tra, kiểm tra và công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu tố còn thiếu và chưa được bổ sung kịp thời để đáp ứng công việc chuyên môn.
Một số đơn vị phụ trách quản lý một số lĩnh vực đang dễ phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật (tài nguyên nước, đo đạc và bản đồ) nhưng chưa được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, do đó, chưa có khả năng huy động cán bộ chuyên môn từ nhiều đơn vị cho công tác thanh tra, kiểm tra.
Ảnh minh họa |
PV: Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện kết luận thanh tra của ngành trong thời gian qua. Việc này đã tạo những chuyển biến gì trong công tác quản lý Nhà nước ở các địa phương?
Ông Lê Vũ Tuấn Anh:
Qua công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra trong thời gian qua cho thấy, việc thực hiện kết luận thanh tra TN&MT đã được các đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện theo đúng quy định.
Việc này đã tạo những chuyển biến tích cực, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về TN&MT ở các địa phương, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về TN&MT của các tổ chức, tập thể và cá nhân làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; phát hiện nhiều bất cập của các quy định pháp luật về tài nguyên và môi trường... từ đó, đề xuất, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục các bất cập, sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp.
PV: Hai năm gần đây, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thanh tra ngành TN&MT đã có những biện pháp gì để vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, thưa ông?
Ông Lê Vũ Tuấn Anh:
Trong gần 2 năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra TN&MT gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Do đó, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động, tích cực trong việc cắt giảm kế hoạch thanh tra, kiểm tra để nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Các cuộc thanh tra do Bộ chủ trì, trước khi triển khai Bộ đều phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát, nhờ đó, đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung về nội dung và đối tượng thanh tra, xử lý triệt để tình trạng chồng chéo với Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tập trung nguồn lực cho việc thanh tra, kiểm tra đột xuất và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thanh tra Bộ TNMT đã ban hành Phương án tiếp công dân và phòng, chống dịch Covid-19 tại Trụ sở Tiếp công dân của Bộ TNMT, trong đó, nêu rõ nhiệm vụ cụ thể cũng như cách thức thực hiện để đảm bảo việc tiếp công dân được diễn ra theo quy định của pháp luật vừa đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19.
Thực hiện Phương án tiếp công dân nêu trên, Trụ sở Bộ TN&MT đã thực hiện lắp vách ngăn tiếp công dân, chuẩn bị khẩu trang y tế, nước sát khuẩn cho công dân; công dân khi đến đăng ký tiếp công dân được thực hiện đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế, khuyến khích công dân gửi đơn để Bộ nghiên cứu, xử lý và trả lời bằng văn bản, hạn chế tiếp công dân trực tiếp để phòng chống dịch. Thời gian tới, Bộ TN&MT đang nghiên cứu việc thực hiện tiếp công dân trực tuyến.
Bên cạnh đó, trong hoạt động giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ giao, do phải thực hiện giãn cách phòng chống dịch Covid-19 chưa thể cử Đoàn xác minh theo quy định, Bộ TN&MT đã đổi mới cách thức thực hiện, có văn bản yêu cầu địa phương và người khiếu nại cung cấp hồ sơ, trên cơ sở đó Bộ giao cán bộ nghiên cứu hồ sơ, trao đổi trực tuyến hoặc có văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo làm rõ nội dung tình tiết vụ việc và cung cấp bổ sung hồ sơ, tài liệu.
Trên cơ sở đó, phân tích, đánh giá hồ sơ vụ việc, đưa ra phương án giải quyết, sau khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ cử Đoàn xác minh tổ chức tiếp công dân, tổ chức đối thoại, tham mưu Bộ trưởng quyết định giải quyết theo quy định… Điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian thẩm tra, xác minh nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.
PV: Xin ông cho biết, Bộ TN&MT sẽ có những định hướng gì để khắc phục các tồn tại và nâng cao hiệu lực hiệu quả của công tác thanh, kiểm tra trong thời gian tới?
Ông Lê Vũ Tuấn Anh:
Năm 2022, Bộ TN&MT sẽ căn cứ định hướng công tác thanh tra năm 2022 của Thanh tra Chính phủ và kết quả công tác thanh tra, kiểm tra năm 2021 của Bộ để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022; trong đó, kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 xác định khoảng 60-70% nhiệm vụ dự phòng tương ứng với nguồn lực để bố trí phục vụ cho các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, tham gia phối hợp với các đơn vị khác trong công tác thanh tra, kiểm tra khi được yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ phát sinh. Theo đó, kế hoạch thanh tra năm 2022 của Bộ tập trung vào một số nội dung chính như:
Thanh tra diện rộng, thanh tra chuyên đề kết hợp nhiều lĩnh vực: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, tài nguyên nước, môi trường và khí tượng thủy văn đối với một số hồ thủy lợi lớn, cấp nước đa mục tiêu; Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước đối với các tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh than; Thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Lĩnh vực đất đai sẽ thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường và đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, để đất hoang hóa, có sai phạm trong quản lý sử dụng đất.
Lĩnh vực môi trường sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại; thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nhiệt điện, xi măng, sản xuất gang, thép; thanh tra trách nhiệm công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn; thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có nguồn khí thải lưu lượng lớn.
Lĩnh vực khoáng sản, sẽ thanh tra tình hình cấp phép đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường có thu hồi khoáng sản đi kèm là đá vôi công nghiệp, vôi là nguyên liệu xi măng, đá đôlômit, đá ốp lát trong quá trình khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; thanh tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, đóng cửa mỏ khoáng sản.
Lĩnh vực tài nguyên nước, sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với các đơn vị khai thác, sử dụng nước đa mục tiêu, có quy mô lớn
Về công tác tiếp công dân và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo sẽ thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân kịp thời, có hiệu quả.
Đồng thời, tập trung xử lý, giải quyết đúng hạn các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao và các vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ trưởng; kiểm tra việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị và thông tin qua đường dây nóng đã được Bộ chuyển về các địa phương; tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trong lĩnh vực TN&MT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!