Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 – 2020: Điểm sáng, tối trong bức tranh môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 10:42, 23/11/2021

(TN&MT) - Giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế của Việt Nam duy trì ở mức độ tăng trưởng cao đã phát sinh ra môi trường một khối lượng lớn chất thải. Mặc dù công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đã đạt được những kết quả nhất định trong việc kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm, bảo tồn đa dạng sinh học, tuy nhiên, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số khu vực.

Môi trường không khí ảm đạm

Tại các thành phố lớn, ô nhiễm không khí vẫn tiếp tục xảy ra. Kết quả quan trắc cho thấy, mức độ ô nhiễm môi trường không khí có sự khác biệt rất lớn giữa các đô thị, Hà Nội là thành phố có mức độ ô nhiễm bụi và biến động qua các năm cao hơn so với các đô thị khác. Giá trị trung bình năm của thông số bụi PM2,5 và PM10 tại tất cả các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục tại Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020 đều vượt ngưỡng của QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,1 đến 2,2 lần. Chỉ  riêng năm 2019, tại Hà Nội đã ghi nhận 6 đợt ô nhiễm môi trường không khí (bụi mịn) ở mức độ cao.

Tại các khu vực khai thác vật liệu xây dựng, giá trị thông số TSP thường vượt ngưỡng của QCVN 05:2013/BTNMT nhiều lần; nguyên nhân là các công đoạn khai thác, nghiền, vận chuyển... đã phát tán một lượng lớn bụi vào môi trường.

Ô nhiễm không khí tại các làng nghề có xu hướng gia tăng.

Ô nhiễm không khí tại các làng nghề so với giai đoạn trước vẫn chưa được kiểm soát, thậm chí còn có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chính là do nhiên liệu sử dụng trong các làng  nghề phổ biến là than chất lượng thấp, công nghệ sản xuất lạc hậu, lại chưa đầu tư cho hoạt động xử lý chất thải. Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu là ô nhiễm bụi, khí độc, hơi kim loại, mùi và tiếng ồn…

Môi trường nước tương đối tốt

Trong khi chất lượng không khí đang có những “nốt trầm” thì môi trường nước lại có nhiều tín hiệu vui. Hiện, môi trường nước dưới đất, nước biển và hải đảo có chất lượng tương đối tốt, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm mặc dù phải chịu tác động mạnh của các hoạt động phát triển cảng biển, hoạt động nuôi trồng thủy hải sản hay hoạt động phát triển du lịch biển. Các thành phần môi trường nước mặt lục địa tại các lưu vực sông vẫn duy trì được chất lượng tốt, khá tốt ở phần trung lưu, thượng lưu; chỉ còn một số đoạn sông chảy qua nội đô, nội thị hoặc các khu vực tập trung phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề còn cục bộ ô nhiễm.

Kết quả tính toán giá trị WQI dựa trên Kết quả quan trắc trung bình năm giai đoạn 2016 - 2020 trên 9 lưu vực sông cho thấy, chất lượng môi trường nước trên các lưu vực sông chủ yếu ở mức tốt đến trung bình. Cụ thể, chất lượng môi trường nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình, lưu vực sông Mã, lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, lưu vực sông Hương và lưu vực sông Mê Công đạt mức tốt (chưa vượt ngưỡng A2 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT), ở nhiều nơi, nước có thể sử dụng tốt cho cấp nước sinh hoạt.

Một số đoạn sông có chất lượng nước chưa đạt mức để phục vụ sinh hoạt nhưng đã có sự cải thiện đáng kể so với nhiều năm trước. Đó là, lưu vực sông Cả - La (chất lượng môi trường nước từ năm 2017 đến năm 2019 duy trì ở mức tốt, nước sông chưa bị ô nhiễm; tuy nhiên, đến năm 2020, nước sông đã có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các thông số hữu cơ). Lưu vực sông Mã - Chu giai đoạn 2016 - 2018, các thông số BOD5, COD vượt ngưỡng A2 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT; tuy nhiên đến năm 2020, giá trị các thông số giảm mạnh trên cả tuyến sông, không ghi nhận các thông số ô nhiễm hữu cơ vượt ngưỡng, các thông số ô nhiễm dinh dưỡng chỉ ghi nhận vượt nhẹ ở một vài điểm như bến phà hay khu vực cửa sông. Hầu hết các thông số khác đặc trưng cho chất lượng môi trường nước đều chưa vượt ngưỡng của QCVN 08-MT:2015/BTNMT.

Đối với lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu, sông Đồng Nai, đến nay vẫn có những điểm nóng về môi trường chưa được xử lý nên chất lượng nước của các sông trên lưu vực vẫn đang bị ô nhiễm, nhất là các đoạn sông chảy qua khu vực có hoạt động công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh.

Nhìn vào bức tranh môi trường có thể thấy, những nỗ lực trong quản lý bảo vệ môi trường đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, nước mặt lục địa tại lưu vực sông, không khí tại một số đô thị lớn… vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, để bảo vệ thành quả, cải thiện chất lượng môi trường cần có sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm rất cao từ Trung ương đến địa phương, sự chung tay của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Mai Dung