Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 – 2020: Triển khai 9 nhiệm vụ, giải pháp BVMT
Môi trường - Ngày đăng : 10:42, 23/11/2021
Với quan điểm phải tận dụng được tối đa giá trị tài nguyên của chất thải; xây dựng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn; giải quyết tốt bài toán hài hòa giữa BVMT với phát triển kinh tế - xã hội… Bộ TN&MT đã xây dựng 9 nhiệm vụ, giải pháp. Đó là: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; Tăng cường tổ chức bộ máy, đào tạo nhân lực về BVMT; Tăng cường nguồn lực cho công tác BVMT, đặc biệt từ nguồn xã hội hóa, nguồn hợp tác quốc tế; Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn; Tăng cường các biện pháp phòng ngừa nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; Chủ động giám sát các đối tượng, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây nhiễm môi trường, sự cố môi trường; Quản lý chất thải rắn với trọng tâm là quản lý tốt CTRSH và chất thải nhựa; Tăng cường các biện pháp quản lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Tăng cường bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH); Ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường; Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, thúc đẩy các mô hình điển hình về BVMT.
Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Ảnh: Hoàng Minh |
Trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm sẵn sàng triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ Môi trường 2020; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia; ban hành và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với các quy định trong giai đoạn mới như: Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững để chủ động phòng ngừa các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường; bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, thúc đẩy BVMT trong khai thác, sử dụng tài nguyên; nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính; tăng cường năng lực quản lý CTRSH tại Việt Nam; tăng cường năng lực quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam; kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH giai đoạn 2021 - 2030…
Giai đoạn 2016 - 2020, lượng CTR phát sinh gia tăng mạnh. Tổng khối lượng CTRSH phát sinh tại khu vực đô thị trong cả nước là 35.624 tấn/ngày; CTR y tế khoảng hơn 96 nghìn tấn/năm; CTR y tế nguy hại khoảng 24 nghìn tấn/năm; CTR công nghiệp khoảng 25 triệu tấn/năm, từ hoạt động làng nghề khoảng 14 - 17 tấn/ngày. Đặc biệt, chất thải nguy hại từ hoạt động sản xuất công nghiệp gia tăng nhanh chóng (năm 2019 khoảng 1.133.077 tấn, tăng 258.688 tấn so với năm 2018).
Thời gian tới, sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế BVMT, phí BVMT sẽ theo hướng nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của xã hội đối với môi trường; sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế ký Quỹ Cải tạo, phục hồi môi trường, cơ chế đặt cọc - hoàn trả áp dụng trong việc thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất theo hướng tăng nguồn thu từ môi trường để đầu tư, bù đắp chi phí đầu tư cho BVMT và thúc đẩy thay đổi hành vi theo hướng BVMT, thân thiện với môi trường; Mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng triển khai một số chương trình, dự án trọng điểm nhằm giải quyết các vấn đề môi trường nóng, bức xúc hiện nay để có lộ trình thực hiện xong trong 5 - 10 năm tới như tăng cường năng lực quản lý CTRSH trên phạm vi cả nước; đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung cho các đô thị; cải thiện chất lượng môi trường không khí các đô thị lớn của Việt Nam; tăng cường năng lực, đầu tư hệ thống quan trắc và cảnh báo ô nhiễm tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường...
Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn; tăng cường các biện pháp phòng ngừa nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; chủ động giám sát các đối tượng, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường. Tập trung kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với các KCN, CCN, làng nghề; yêu cầu chủ đầu tư các KCN, CCN xây dựng, vận hành hệ thống XLNT tập trung.
Hầu hết chất thải rắn ở các lĩnh vực đều có xu hướng gia tăng hàng năm. Trong khi đó, tỷ lệ thu gom, xử lý đã có cải thiện nhưng chưa đồng đều giữa các địa phương. Việc áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn còn nhiều hạn chế.
Hướng dẫn về công tác phân loại tại nguồn để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện; tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm mục tiêu sử dụng 100% túi ni lông thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy.