Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực khoáng sản
Khoáng sản - Ngày đăng : 10:39, 23/11/2021
Để hiểu hơn nội dung này, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Khuất Hoàng Kiên (ảnh) - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên môi trường (Bộ TN&MT).
PV: Nói đến CCHC, ở bất kỳ lĩnh vực quản lý nào cũng không thể không nhắc đến CNTT. Xin ông chia sẻ về những hoạt động nhằm đẩy mạnh CCHC ở lĩnh vực địa chất và khoáng sản?
Ông Khuất Hoàng Kiên:
Thời gian qua, Cục đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển Chính phủ số năm 2021 của Bộ TN&MT; Chương trình chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Triển khai ứng dụng CNTT trong hiện đại hóa hành chính của Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ nói chung, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nói riêng.
Ông Khuất Hoàng Kiên - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên môi trường |
Quá trình phối hợp triển khai đã đạt được một số kết quả nổi bật. Theo đó, việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và vận hành hệ thống một cửa điện tử được đẩy mạnh, lĩnh vực địa chất và khoáng sản đã cung cấp được 15 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ; đã tích hợp, cung cấp 3 DVCTT (trong đó có 1 DVCTT mức độ 4) lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Cục cũng đang phối hợp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành TN&MT, kết nối liên thông với các Bộ, ngành, địa phương phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.
PV: Được biết, để làm việc trên môi trường điện tử, công tác xây dựng cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục CCHC đối với lĩnh vực khoáng sản là rất quan trọng. Thưa ông, công tác này hiện có gặp khó khăn gì hay không?
Ông Khuất Hoàng Kiên:
Hiện nay, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm đẩy mạnh thực hiện giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã triển khai công tác tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện DVCTT để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó việc xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC đã được Bộ đẩy mạnh trong thời gian qua.
Đến nay, riêng lĩnh vực địa chất và khoáng sản, Bộ đã ban hành quy trình nội bộ cho 12 TTHC, điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kiểm soát việc giải quyết các TTHC của các đơn vị, cá nhân trong thực thi công vụ, góp phần rút ngắn thời gian thực hiện, công khai, minh bạch.
Việc tái cấu trúc quy trình thực hiện giải quyết TTHC trên môi trường điện tử gặp một số khó khăn như: các TTHC trong lĩnh vực khoáng sản đa phần là những thủ tục có thành phần, khối lượng của một lượng hồ sơ thường rất lớn, trình tự thủ tục phức tạp và thời gian thực hiện dài ngày; nhiều TTHC có những bước thực hiện không thể điện tử hóa (như kiểm tra thực địa, họp hội đồng….) dẫn đến không thể thực hiện 100% trên môi trường điện tử theo tiêu chí của dịch vụ công mức độ 4.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính. |
Việc tái cấu trúc quy trình, triển khai được trên môi trường điện tử cũng đòi hỏi nhiều vấn đề phải được thay đổi ở tầm Luật hoặc Nghị định nên mất rất nhiều thời gian để có thể thực hiện đúng quy định của pháp luật và mang lại hiệu quả.
PV: Để công tác phối hợp giữa Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên môi trường và Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam ngày càng đạt hiệu quả cao, ông có đề xuất gì, thưa ông?
Ông Khuất Hoàng Kiên:
Cần phải có sự phối hợp chỉ đạo thống nhất của 2 đơn vị về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong lĩnh vực địa chất khoáng sản để đảm bảo các mục tiêu và nội dung của Kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử; Chương trình chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các nhiệm vụ chuyên môn của lĩnh vực cũng cần căn cứ vào Kế hoạch và Chương trình này để xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp cho các nội dung ứng dụng CNTT, xây dựng dữ liệu, kết quả phải được tích hợp, chia sẻ ngay trên các nền tảng dùng chung của Bộ, Chính phủ.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là chiến lược về số hóa, chuẩn hóa, tổ chức dữ liệu về địa chất và khoáng sản. Địa chất, khoáng sản và Khí tượng thủy văn là 2 lĩnh vực của Bộ có nguồn dữ liệu, số liệu rất lớn và quan trọng cần được số hóa và tổ chức để có thể khai thác, ứng dụng những công nghệ tiên tiến trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phục vụ quản lý Nhà nước, bảo vệ tài nguyên, phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội.
Việc này đã được lãnh đạo 2 đơn vị bàn bạc thống nhất và tổ chức triển khai theo phương châm đánh giá, thiết kế bài bản, ưu tiên triển khai xây dựng những dữ liệu quan trọng, cấp bách; kết quả các đề án, nhiệm vụ liên quan đến điều tra cơ bản phải được tổ chức tích hợp ngay vào cơ sở dữ liệu để sử dụng khai thác.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!