Nhà mộc
Xã hội - Ngày đăng : 10:39, 23/11/2021
Lần gia đình tôi lợp gần đến nóc chợt mưa rào, cũng gần chục năm sau, một ngôi nhà gạch mới hiện hữu. Từng bao xi măng, từng xe cát nhỏ được mua, đóng từng viên chồng lên để đó, đợi có tiền lại tiếp tục như vậy vài năm mới đủ số gạch cho ngôi nhà ba gian. Bây giờ ngôi nhà đã xuống cấp, tôi về thắp hương cho cha thường nhìn lên như một ám ảnh ăn sâu trong tiềm thức xem có dột không. Mẹ một mình, ngôi nhà nay quá rộng. Tôi ước cởi bỏ được lợi danh nghề nghiệp, trở về sống bên mẹ. Ngôi nhà sẽ được thay thế, không phải biệt thự tầng cao mà đơn giản là mái nhà tranh vách đất, dọn mâm cơm ngồi đòn (ghế thấp) mà ăn, mà nhớ…
Mái nhà tranh vách đất |
Thời nay người ta xây những tòa nhà chọc trời. Nhưng ngay cả tỉ phú vẫn sẽ ước ao được ở trong một ngôi nhà như ông cha tôi ngày xưa. Nhớ sao cái vách đất ấm cúng. Mùa hè bờ bãi sông rút nước, anh em tôi ra đào loại bùn vàng hươm dẻo quẹo, gồng gánh trầy vai về cho vào nhăng trộn với rơm gặp nắng vàng thay nhau dùng chân đạp nhuyễn rồi vắt lên những tấm phên đan bằng tre, vuốt phẳng. Loại phên này mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông; vách bếp lâu ngày có chỗ ám lửa sắp chuyển thành màu gạch non. Vào Huế, tôi vẫn tìm thấy một gian bếp hiếm hoi vách trét bằng lá dâm bụt đâm dẻo trộn với phân trâu. Vùng đất Quảng Nam xưa cũng có loại vật liệu khác: họ giã vỏ cây bời lời trộn với một loại đất bùn đặc biệt rồi đổ khuôn đúc thành bờ lô xây nhà.
Ngôi nhà mộc thuở xưa, tre là bộ sườn nên được quan tâm nhất. Tre đủ già phải ba năm trở lên. Mấy năm trước tôi dựng ngôi nhà cấp bốn, không đủ tiền mua bạc hà làm đòn lợp nên tính mua tre; gặp cụ già trên bảy mươi khuyên chặt tre phải từ tháng 8 đến cuối năm. Thời gian đó tre không đâm măng, còn không dẫu cây tre già nhưng chúng dồn sức đẻ măng nên yếu, chóng mối mọt. Chặt tre đủ tuổi, đúng thời điểm rồi, nhà có hồ nước sẽ dìm xuống đó; gần sông suối thì bó lại neo dưới mặt nước đến mùa sau. Ngâm tre có khi hai ba năm, vớt lên màu hơi sẫm, bóng như gỗ lim. Không có ao cũng chẳng gần sông suối, người kỹ tính sẽ khoan ở mỗi lóng một lỗ nhỏ rồi đổ nước muối vào để ngoài trời qua năm cho dạn mưa dày nắng. Từ kèo cột cho đến rui mèn và nhiều thứ khác, một căn nhà “5x7” cũng ngốn hết từ 5 đến 70 cây tre.
Chọn tre phải cần người sành sỏi, biết cây nào tra và thẳng; có khi ngắm thấy thẳng, đốn xuống thì cong! Còn phải mưu mẹo chặt cho được cây tre nằm phía trong bụi, và dĩ nhiên phải khỏe để kéo nó ra. Cưa tre cũng cẩn thận vô cùng. Cưa phải sắc. Ở các mắt tre, người ta dùng cưa riếng, loại cưa lưỡi vòm ôm lấy thân tre mà miết, vừa đẹp lại không bị xước. Quan trọng nhất là cây tre làm đòn đôông: to, dài, thẳng và tra nhất, nước da lên vàng càng tốt. Tôi chưa thấy nhà ai trong làng đòn đôông phải nối bao giờ. Tre nếu chọn lựa và thực hành được những công đoạn như trên, qua một đời người mưa bão chưa dễ gì bẻ gãy. Ngày xưa hàng rào toàn tre, hoặc ít cũng có mấy bụi lớn luân phiên năm nào cũng có tre già; ai làm nhà cũng cần xin thêm tre quanh xóm mới đủ. Ngày nay những bụi tre mất dần. Tre già càng hiếm. Điều kỵ nhất đối với một ngôi nhà là đòn đôông hay rui mèn bị mọt. Người ta quan niệm đó là điều không hay, nhưng trước hết ngồi dưới mái nhà nhiều bụi mọt tre như vậy thì sớm… bạc tóc.
Vật liệu cốt yếu thứ hai là tranh.
Tranh phải chọn cây tra đến gốc lên màu tía, gốc rụi lá trơ thân. Chặt tranh về gặp nắng, rải ra phơi rồi bó lại dựng ngược giữa trời 3 đêm, tức qua 3 nắng 3 sương, sau đó mới đánh tranh. Đủ lượng thì kê gộc cây mà chất tranh thành vòng tròn, che phủ lên chờ ngày lợp. Tranh lợp chuồng heo chuồng gà chỉ cần 3 hom, dễ đánh; còn lợp nhà nhất thiết phải đánh 5 hom, khó đánh song đẹp hơn. Đẹp, tất nhiên cũng phụ thuộc vào hom nữa; hom ấy phải chọn những cây ná già, chẻ thật đều.
|
Thuở ấy nhà tôi lợp lá mía gom từ xã bên từng bó, đánh rồi chất lại, lúc gom đủ tre và những vật liệu khác, nhất là đủ tiền lo bữa cơm lợp nhà cho những người đến giúp mới tính đến lợp. Bởi vậy, nhiều mùa mưa, cha tôi phải dọi nhà bằng mo tre và mo cau, chỗ dột lớn quá thì chăng ni lông trên các vật dụng, huy động thau hũ hứng nước. Nhiều đêm tiếng nước giọt xuống lúc rả rích lúc dồn dập khiến lòng người trĩu nặng ưu tư. Hàng xóm của tôi có một vườn tro thênh thang, ông này là một người làm vườn thâm niên. Lá tro loại già, ông chặt rồi xếp vào cái nhăng tròn lớn, ngâm nước vôi qua mùa mới lấy ra làm tranh. Mái lợp tro đẹp và bền hơn tranh lá mía. Nhà ông cũng nghèo như gia đình tôi, vẫn phên đất; nền được lèn bằng đất bùn, lâu ngày lì và cứng, láng lẩy mát rượi.
Ngôi nhà xưa của gia đình, tôi đã 2 lần tham gia mua tranh, đánh tranh, phụ lợp. Dây dùng buộc tranh vào mèn được chẻ từ giang. Nhớ nhất lần nhà thay mái tranh, bởi nó vui. Tranh được cha tôi đánh lai rai từng đợt, chất lên hai khúc gỗ từng chồng cao. Ngày dở mái, cha mời 2 thợ lợp trong xóm, rồi mượn thêm những người phụ; con nít rất thích tham gia, có đứa còn xin cha mẹ được nghỉ buổi học đến giúp. Nếu lợp ngói cần nhiều người chuyền vật liệu, lợp tranh ít hơn. Có người quen tay đã dễ dàng cầm vài tấm tranh một lia lên đến đúng tay người nhận ngồi trên mái. Có những người thợ “ăn cơm lợp tranh đến mòn răng”, họ lợp bằng thắn từng dãy, nốt buộc chặt và đẹp, ngồi trong nhà uống nước ngon hay hút điếu thuốc lào ngước lên phả khói chỉ biết khen chứ không tìm ra lỗi. Lạt giang phơi kỹ nắng, bền bỉ đến lúc tranh mòn còn cái cội mới thôi. Ở Huế, ông bạn vong niên của tôi bảo tại nhiều ngôi làng họ vẫn dùng tre. Loại tre mọc nghiêng (hoặc bị gió xô nghiêng) một thời gian lâu lóng sẽ dài, dẻo hơn cây mọc đứng. Hạ tre, cưa ra từng khúc ngắn, chẻ thành lạt rồi bó lại ngâm nước muối. Dai và bền.
Mây là vật liệu tiếp theo để có một ngôi nhà chắc bền. Mây rừng. Chọn cây già đến rụi lá, trơ đoạn thân dưới trắng hồng. Có loại mây trắc chỉ lớn bằng ngón tay út, sống lâu có khi vươn dài hàng trăm mét. Loại mây như vậy thường chỉ cần phơi là buộc được, thiết yếu là người chẻ phải quen tay. Dao sắc, chẻ đều từ đầu chí cuối dây, không xước không lẹm. Người rành nghề buộc dây kèo chắc nụi, vừa đều sít, sau nốt còn cuốn chỗ dây thừa thành hình tổ ong, giắt múi giấu khéo. Những bộ phận ở mái được liên kết với nhau bằng chạc mây bện hình con rít rất đẹp mắt.
Dạo lên Tây Nguyên, tôi mê man những ngôi nhà của người dân tộc anh em. Kết cấu nhà dài nom khá đơn giản theo hình chữ A, trông qua rất dễ bị kéo nghiêng. Dãy cột hai bên, phía trên mỗi cột đứng đều gác một cột ngang tương đương, được chốt kỹ níu vào nhau rất chặt, gió bão khó xiêu vẹo. Mái nhà rất dài, ghép vào nhau từ nóc choãi dần ra, có ngôi dài xuống gần mặt đất. Mái xem như thay phên, tường, cách sàn khoảng hơn mét thì dựng ván gỗ. Từ xưa đồng bào sống ở rừng nhiều cây cối, mưa dầm nên mái nhà kéo dài đến gần sàn và được lợp rất đứng, sẽ tránh mưa xiên và lá rụng làm mục tranh. Những ngôi nhà sàn ở Tây Bắc đầy gió cũng mang lại cho người xa lạ như tôi một lần đến không thể nguôi quên. Ở đấy rung rinh bàn chân nhảy sạp, những đôi tay bồng bềnh giữa sương mù ngan ngát cỏ dại và hoa ban.