Mắc kẹt trong ô nhiễm làng nghề
Môi trường - Ngày đăng : 09:18, 23/11/2021
Báo cáo nhấn mạnh, nguyên nhân chính là do nhiên liệu sử dụng trong các làng nghề phổ biến là than chất lượng thấp, công nghệ sản xuất lạc hậu, lại chưa đầu tư cho hoạt động xử lý chất thải. Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu là ô nhiễm bụi, khí độc, hơi kim loại, mùi và tiếng ồn, tùy thuộc vào tính chất, quy mô và sản phẩm của từng loại ngành nghề.
Với hơn 1.300 làng nghề và hơn 3.200 làng có nghề trên cả nước ở đủ các lĩnh vực sản xuất khác nhau, ô nhiễm làng nghề là bài toán khó trong nhiều năm qua đối với ngành TN&MT và chính quyền địa phương. Quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu, thiếu công trình hạ tầng thu gom và xử lý nước thải... các làng nghề trở thành “điểm nóng” ô nhiễm. Đường đi của nước thải là đổ trực tiếp xuống cống rãnh và chảy ra sông, hồ… ngập tràn khắp đường làng, ngõ xóm, cánh đồng, ven đê... Cũng chính từ đó, làng “ung thư” hiện diện, rình rập cuộc sống của biết bao người.
Ô nhiễm không khí tại làng nghề |
Dựa trên quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, những năm qua, nhiều địa phương đã và đang cố gắng tìm cách ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hoạt động của làng nghề, từ giải pháp thay đổi nhận thức cho người dân đến những giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, về quy hoạch, sắp xếp lại... Đơn cử như Bát Tràng không còn đen kịt bụi than kể từ khi chuyển sang nung gốm bằng lò gas hay Phú Đô không còn nồng nặc từ cổng làng bởi người dân làm bún thôi nuôi lợn… Đó ít nhiều là tín hiệu khả quan về môi trường ở các làng nghề và làng có nghề. Nhưng xét trên bình diện lớn hơn, xa hơn, đó vẫn chỉ là giải pháp “vụn vặt” để phần nào giảm bớt những dấu hiệu “bề mặt” của ô nhiễm.
Thực tế, đã có rất nhiều hội thảo, đề án khoa học nghiên cứu tìm giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề. Song, vấn đề nằm ở chỗ, đang có sự “vênh nhau” rất lớn giữa trách nhiệm và năng lực của địa phương trong việc giải quyết vấn đề môi trường cho làng nghề. Trong khi giải quyết ô nhiễm môi trường trên cả nước còn rất ngổn ngang khiến Trung ương và các Bộ, ngành trăn trở, thì chuyện làng nghề, đương nhiên phải bắt đầu từ làng, từ xã, và phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động, trách nhiệm, sự linh hoạt của chính quyền địa phương. Thế nhưng, nhiều địa phương vẫn còn tâm lý ỷ lại vào ngân sách, lúng túng quản lý môi trường làng nghề, hạn chế cả về nhận thức cũng như khả năng hoạch định giải pháp. Những nỗ lực sắp xếp quy hoạch lại làng nghề mà không dựa trên điều kiện tồn tại sống còn của nó, tách nó ra khỏi “hệ sinh thái” ngàn năm, tách nghề ra khỏi “làng”, thực tế đã không thành công.
Chưa kể, những giải pháp tuyên truyền không dựa trên hiểu biết thấu đáo, không phù hợp với cách hiểu của người dân và quan trọng là không chỉ cho người dân biết họ nên làm gì, phải làm gì, dẫn đến nhận thức và hành vi của cộng đồng ở làng nghề đối với chuyện ô nhiễm môi trường, dịch chuyển còn chậm. Hoặc một số địa phương đã hoạch định được giải pháp dài hơi, nhưng lại không thể triển khai, bởi mắc ngay ở câu hỏi đầu tiên là “tiền ở đâu?”. Nguồn lực, con người, giải pháp, quy mô… không chỉ bó hẹp trong phạm vi làng, xã.
Giải pháp môi trường cho từng làng nghề dù dựa trên giải pháp chung của ngành, song cần đặt trong điều kiện cụ thể về nguồn lực và đặc thù xã hội của địa phương để không nằm “trên giấy”. Và điều quan trọng là cần có những cơ chế đủ linh hoạt để địa phương có thể kêu gọi các nhà đầu tư tham gia tháo gỡ vấn đề môi trường - một lĩnh vực mà ai cũng biết là vô cùng “khó”.
Cần thẳng thắn nhìn vào thực tế, đừng để cái lợi trước mắt của "sự phát triển kinh tế” che khuất những nguy cơ tiềm ẩn khủng khiếp và lâu dài với môi trường và xã hội.