Ninh Bình: 456 dự án phải thu hồi đất trong năm 2022

Đất đai - Ngày đăng : 23:43, 22/11/2021

(TN&MT) - Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị tham gia ý kiến vào các dự thảo tờ trình, Nghị quyết liên quan đến đất đai trình tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV, chiều 22/11.

Hai dự thảo tờ trình, Nghị quyết liên quan đến đất đai trình tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV: về việc thông qua danh mục dự án phải thu hồi đất trên địa bàn năm 2022; về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh để thực hiện dự án năm 2022.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình, danh mục dự án phải thu hồi đất trên địa bàn tỉnh năm 2022 là 456 dự án với tổng diện tích đất là 3.738,02 ha. Cụ thể: Thành phố Ninh Bình là 35 dự án với tổng diện tích 194,14 ha; Thành phố Tam Điệp 38 dự án với tổng diện tích 927 ha; Huyện Hoa Lư có 33 dự án với tổng diện tích 238,74 ha; huyện Yên Khánh 51 dự án với tổng diện tích 208,36 ha; huyện Yên Mô 82 dự án với tổng diện tích 305,91 ha; huyện Kim Sơn 51 dự án với tổng diện tích 717,25 ha; huyện Nho Quan 78 dự án với tổng diện tích 645,09 ha; huyện Gia Viễn 88 dự án với tổng diện tích 501,53 ha.

Ảnh minh hoạ

Về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh để thực hiện dự án năm 2022, dự thảo nêu rõ: Chuyển mục đích sử dụng 899,42 ha đất trồng lúa; 66,31 ha đất rừng phòng hộ; 0,06 ha đất rừng đặc dụng để thực hiện 382 dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2022.

Trong đó: Thành phố Ninh Bình chuyển mục đích sử dụng 45,44 ha đất trồng lúa để thực hiện 21 dự án; Huyện Hoa Lư chuyển mục đích sử dụng 91,24 ha đất trồng lúa để thực hiện 30 dự án; Huyện Gia Viễn chuyển đổi 207,80 ha đất trồng lúa; 0,06 ha đất rừng đặc dụng để thực hiện 82 dự án;

Còn huyện Nho Quan chuyển đổi 187,86 ha đất trồng lúa; 12,85 ha đất rừng phòng hộ để thực hiện 73 dự án; huyện Yên Khánh: 94,21 ha đất trồng lúa để thực hiện 38 dự án; Thành phố Tam Điệp: 7,41 ha đất trồng lúa; 34,26 ha đất rừng phòng hộ để thực hiện 12 dự án;

Huyện Kim Sơn 133,62 ha đất trồng lúa; 13,2 ha đất rừng phòng hộ để thực hiện 49 dự án; Huyện Yên Mô 131,84 ha đất trồng lúa; 06 ha đất rừng phòng hộ để thực hiện 77 dự án.

Trên cơ sở các nội dung nêu tại dự thảo, đại đại diện các sở, ngành, địa phương đã trao đổi, làm rõ thêm về tính cấp thiết, chủ trương đầu tư, căn cứ pháp lý, sự phù hợp của việc sử dụng đất thực hiện dự án theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phê duyệt; đề nghị phối hợp rà soát lại và xem xét, bổ sung một số danh mục dự án, công trình để triển khai thực hiện trong năm 2022…

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn đề nghị lãnh đạo các huyện, thành phố cần sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch sử dụng đất, rà soát đề xuất danh mục các dự án phải thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc địa bàn quản lý. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành với địa phương và các chủ đầu tư dự án để rà soát, thống nhất số liệu báo cáo với UBND tỉnh. Sở Kế hoạch và đầu tư thể hiện vai trò là cơ quan thẩm định, kịp thời báo cáo UBND tỉnh giải quyết những vướng mắc phát sinh.

Đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị cấp huyện rà soát các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục làm việc với Sở Tài nguyên và Mội trường, báo cáo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch sử dụng đất để nhà đầu tư tổ chức triển khai thực hiện, không để lãng phí đất.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị theo lĩnh vực phân công phụ trách chủ trì tổng hợp, hoàn thiện dự thảo các tờ trình, Nghị quyết để Ban cán sự UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến sau đó trình tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh biểu quyết thông qua để làm cơ sở triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Tuyết Chinh