Sơn La: Khuyến khích nông dân sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả
Đất đai - Ngày đăng : 21:14, 22/11/2021
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Theo kết quả thống kê đất đai năm 2020 của UBND tỉnh, tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh Sơn La là hơn 1,4 triệu ha, trong đó, diện tích nhóm đất nông nghiệp hơn 1 triệu ha, chiếm 74,89% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
Là một trong những tỉnh miền núi không có nhiều lợi thế về phát triển công nghiệp, dịch vụ, xa các trung tâm kinh tế lớn, nhiều năm qua, Sơn La luôn xác định phát triển nông nghiệp là một trong những hướng đi chính để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo. Tỉnh đã tập trung phát triển vùng trồng rau an toàn, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, thuỷ sản gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thành lập các hợp tác xã nông nghiệp làm cầu nối giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong việc hình thành chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản.
Năm 2021, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm hơn 214.700 ha; gần 99.000 ha cây lâu năm; gần 130.000 ha cây lương thực có hạt; gần 51.600 ha cây công nghiệp; hơn 82.800 ha cây ăn quả, sơn tra. Tổng số hộ dân sử dụng đất nông nghiệp là trên 500.000 hộ.
Khi các hộ nông dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp, có điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như: Tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao vào trồng, chăn nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Nhờ đó, nhiều mô hình sử dụng đất sản xuất tiết kiệm, hiệu quả trên địa bàn tỉnh mang lại thu nhập cao, như: Bơ, xoài, thanh long, mận hậu, nhãn…cho thu hơn 200 triệu đồng/ha; na, dâu tây cho thu từ trên 300 - 400 triệu đồng/ha. Ngô sinh khối 100 triệu đồng/ha/năm, so sánh với mô hình trồng ngô thông thường, nếu thời tiết thuận lợi cũng chỉ đạt từ 60 - 70 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, quá trình sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế. Theo ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, một số hộ nông dân chưa sử dụng hiệu quả đất đai, chưa khai thác được hết tiềm năng của đất hoặc khai thác triệt để nhưng không có kế hoạch tái tạo lại. Việc sử dụng vật tư đầu vào chưa khoa học, đặc biệt là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đối với đất sản xuất nông nghiệp còn gây ô nhiễm môi trường đất, nước. Lao động nông nghiệp không mặn mà với sản xuất nông nghiệp; quy mô sản xuất nông hộ còn nhỏ lẻ, phân tán.
Ông Phùng Kim Sơn, Phó Giám đốc Sở TN&MT đề xuất giải pháp chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. |
Còn theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La Phùng Kim Sơn, theo kết quả điều tra đánh giá thoái hóa đất, việc sử dụng đất ảnh hưởng rất mạnh tới quá trình thoái hóa, hơn 430.000ha đất thoái hóa mạnh chủ yếu tập trung ở đất chưa sử dụng, đất nương rẫy và rừng trồng sản xuất với yếu tố thoái hóa chính là xói mòn mạnh.
Hoạt động sản xuất của người dân trên diện tích đất đồi núi dốc, việc chặt, đốt rừng làm nương rẫy và đất nương rẫy bỏ hoang chuyển thành đất chưa sử dụng đã làm cho đất bị xói mòn ở mức từ trung bình 10 - 50 tấn/ha đến mạnh trên 50 tấn/ha, đất bị bào mòn tầng mặt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, còn thiếu nguồn lực về vốn, lao động… trong công tác phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chưa có chính sách chính sách khuyến khích khai hoang, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Vẫn còn nhiều hộ gia đình cá nhân có nhu cầu về đất ở, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt; nhiều hộ dân chưa hoàn thiện thủ tục đăng ký và cấp GCNQSDĐ.
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu cũng đã thảo luận làm rõ các nội dung về: Hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La; một số văn bản về chính sách đất đai hiện hành có liên quan để hộ nông dân sản xuất nông nghiệp; một số hạn chế trong sử dụng đất nông nghiệp; tình hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự tham gia của hộ nông dân; vai trò của doanh nghiệp/hợp tác xã đối với hiệu quả sử dụng đất sản xuất của hộ nông dân; so sánh, đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội của mô hình kinh tế hộ có sử dụng đất sản xuất nông nghiệp tiết kiệm và mô hình kinh tế hộ thông thường…
Các đại biểu tham gia ý kiến tại buổi toạ đàm. |
Tiếp đó, nhiều kiến nghị, đề xuất giải pháp, chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả hơn đã được đưa ra. Đó là: Đẩy mạnh việc đăng ký và cấp GCNQSDĐ, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đơn giản hơn các thủ tục hành chính, giúp người dân dễ tiếp cận, tra cứu những thông tin liên quan đến đất nông nghiệp bằng việc Nhà nước công bố rộng rãi thông tin từng thửa đất trên mạng Internet.
Có chính sách khuyến khích khai hoang, phủ xanh đất trống đồi núi trọc nhằm đẩy nhanh tiến độ đưa đất chưa sử dụng vào trồng và khoanh nuôi, phục hồi rừng. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt nhằm giúp đồng bào nâng cao thu nhập và ổn định đời sống.
Thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp. Thường xuyên coi trọng công tác bồi dưỡng và cải tạo đất làm tăng độ phì nhiêu của đất, cần thiết áp dụng các giải pháp bảo vệ đất khỏi các quá trình rửa trôi, xói mòn bề mặt hiệu quả. Đơn cử tại một số địa bàn như xã Chiềng Công, Hua Trai - huyện Mường La; xã Phiêng Khoài, Chiềng Hặc, Chiềng Đông - huyện Yên Châu…
Riêng với đất trồng lúa, đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng, tiếp tục rà soát, xác định rõ ranh giới, cắm mốc và công khai đến từng đơn vị hành chính cấp xã các khu vực đất trồng lúa, đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên cần bảo vệ nghiêm ngặt...