Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bộ TN&MT với tinh thần phòng chống dịch bệnh
Văn hóa - Ngày đăng : 13:49, 22/11/2021
Sinh ra và lớn lên ở làng quê nghèo ở xã Mê Linh (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), nơi có truyền thống văn hóa, văn nghệ và rất gần làng Khuốc - “cái nôi” của chiếu chèo Thái Bình, vì thế Trần Quang Đẩu sớm có tình yêu với nghệ thuật chèo. Ngay trong gia đình anh, người bố của anh mặc dù là thầy thuốc nhưng cũng rất thích hát chèo và hát rất hay, anh trai của anh cũng từng là nghệ sĩ của Đoàn Chèo tỉnh đội Hà Bắc trước đây. Anh lớn lên trong tiếng hát ru và điệu chèo ấm áp của bà, của mẹ để đến tận bây giờ khi đã ngoài 50 tuổi nhưng giai điệu, lời ca vẫn còn khoắc khoải tâm hồn mình.
Soạn giả Trần Quang Đẩu đã sớm có tình yêu với nghệ thuật chèo. |
Tình yêu với nghệ thuật chèo cứ đeo đẳng theo anh đến khi anh được rèn luyện 25 năm trong quân đội, anh đã từng có thời gian công tác tại quần đảo Trường Sa, về Học viện Hải quân giảng dạy và sau đó về công tác tại Bộ Tư lệnh Quân chủng cho đến khi chuyển ngành về Bộ Tài nguyên và Môi trường hơn chục năm nay. Từ khi rời quân ngũ, anh đã tích cực tham gia và đã đoạt giải tại các Hội diễn văn nghệ từ cấp Tổng cục đến cấp Bộ. Tính đến nay, anh đã cho ra mắt 3 tập thơ là “Giọt nước Trường Sa” (năm 2017), “Quà quê” (năm 2018) và “Ký ức tuổi thơ” (năm 2021) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Đặc biệt, ngay từ khi Covid-19 tràn vào nước ta, anh đã nghĩ ngay đến công tác tuyên truyền bằng âm nhạc dân tộc và thơ ca để phòng, chống dịch bệnh.
Anh chia sẻ: “Bản thân đã từng là người lính Hải quân xung trận nơi “đầu sóng ngon gió” ở quần đảo Trường Sa từ những năm 1988, nay trước đại địch phải viết thơ rồi chuyển thành những bài hát chèo, hát văn và thậm chí cả xẩm, ca Huế, ca cải lương để bà con ba miền cùng hiểu về dịch bệnh, từ đó chung tay phòng, chống dịch. Nghĩ là làm, tôi viết ngày đêm không nghỉ, cứ xem xong thông tin trên truyền hình hay qua đài, báo là tôi lại có ý tưởng viết một bài thơ. Có thể nói âm nhạc, thơ ca mang một sức mạnh tinh thần to lớn trong cuộc chiến với đại dịch”.
Có thể kể đến một số bài hát của anh được biết đến thời gian qua, như hát văn “Tự hào người lính Cụ Hồ” được thể hiện qua tiếng hát của Nghệ sĩ Ưu tú Cao Ngọc Sơn (Nhà hát Chèo Quân đội) đã là 1 trong 8 tác phẩm nhận Bằng khen của trong Lễ trao giải “Tác phẩm âm nhạc dân gian tuyên truyền dịch Covid-19” do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức. Rồi một số bài thơ của anh được chuyển soạn thành các bài dân ca được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam thời gian qua, như: “Quyết tâm chống dịch”, “Lời hiệu triệu trái tim”, “Đất nước chung tay”, “Gửi về mảnh đất thành đồng”, “Hành trình chống dịch”, “Gửi về nơi ấy Bắc Giang”, “Bài ca chống dịch thành công”…
Đặc biệt bài “Gửi về mảnh đất Thành đồng” của anh vừa được giới thiệu trên sóng Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh trong chương trình “Mỗi người dân là một chiến sĩ” qua tiếng hát của Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Sơn gây xúc động với nhiều người.
Dù không hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp nhưng ở Trần Quang Đẩu có sự say mê với âm nhạc dân tộc. |
Cùng với những bài thơ, bài hát về chủ đề chống dịch, Trần Quang Đẩu còn sáng tác về nhiều vùng miền, nhiều đề tài. Như về Bắc Ninh, anh có “Về miền quan họ yêu thương”. Về Trường Sa, anh có “Khúc hát Trường Sa”. Về Hà Nội, anh có “Hà Nội vào thu”. Về chủ đề giáo dục, anh có “Ước mơ em được đến trường”, “Trường tôi”. Đặc biệt về Thái Bình, anh có bài thơ “Bài ca đất mẹ Thái Bình” đã được nhạc sĩ Vũ Hường phổ nhạc, góp thêm một bài hát hay về quê hương Chị Hai Năm Tấn anh hùng.
Thực sự bất ngờ về những tác phẩm của mình được đông đảo công chúng xa gần yêu thích, soạn giả Trần Quang Đẩu bộc bạch: “Tôi rất vui vì những bài thơ của tôi, nếu không được các anh chị em nghệ sĩ thổi hồn vào thì mức độ tuyên truyền cũng không lớn lắm. Khi nghe xong các bài hát được chuyển thể từ những bài thơ của mình tôi thấy thật vui và tự hào vì mình đã góp phần nhỏ bé trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19”
Là người đã thể hiện nhiều bài hát của soạn giả Trần Quang Đẩu, Nghệ sĩ Ưu tú Cao Ngọc Sơn cho biết: “Dù không hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp nhưng ở Trần Quang Đẩu có sự say mê với âm nhạc dân tộc. Những bài thơ, bài hát của anh đã được nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp thể hiện cho thấy giá trị nghệ thuật của những sáng tác ấy với đời sống. Trong xã hội hiện nay rất cần những người như soạn giả Trần Quang Đẩu bởi đó sẽ là “mảnh ghép” để dòng chảy dân ca còn mãi với muôn đời sau”.
Dù bận rộn với công việc, soạn giả Trần Quang Đẩu vẫn chắt chiu thời gian để sáng tác. |
Tâm huyết, trách nhiệm với âm nhạc dân tộc, bởi vậy dù bận rộn với công việc của một công chức Nhà nước, soạn giả Trần Quang Đẩu vẫn chắt chiu thời gian để sáng tác. Anh coi đó như là cách để “níu” lại những giá trị của cha ông và cũng là cách anh làm gương cho con cháu, gia đình hãy biết trân trọng với âm nhạc dân tộc. Anh hy vọng, trong mỗi gia đình, bố mẹ hãy vun đắp và khơi dậy tình yêu cho con cái với âm nhạc dân tộc để thế hệ trẻ biết tìm về nguồn cội, biết nâng niu, trân trọng những giá trị tốt đẹp của cuộc sống hôm nay./.