Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội: Nhà xưởng, cơ sở sản xuất không phép “bức tử” môi trường
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 06:47, 21/11/2021
Nhà xưởng sản xuất nhựa không phép nằm trọn trong khu dân cư |
Gửi đơn đến Báo Tài nguyên & Môi trường, người dân ngõ 1, phố Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bức xúc cho biết: Hàng loạt cơ sơ sản xuất, tái chế nhựa, xốp, sơn PU sắt, nhôm xây dựng trái phép trong khu dân cư, gây tiếng ồn, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và mất mỹ quan đô thị.
Đây là vấn đề gây nhức nhối, làm giảm niềm tin trong nhân dân vào chính quyền địa phương từ nhiều năm nay, cơ quan chức năng các cấp cũng đã vào cuộc điều tra rồi xử lý sai phạm… Tuy nhiên, sự việc vẫn hàng ngày được diễn ra trước mắt mà chính quyền địa phương thì “vờ như không thấy”.
Bao bì chất thải, nhựa được để từ trong ngõ xóm lẫn đường lớn |
Để mục sở thị về sự việc, Phóng viên đã đi xác minh và ghi nhận những hình ảnh, thông tin thực tế cho thấy những gì người dân phản ánh là đúng sự thật. Dọc ngõ 1 phố Đại Linh xuất hiện hàng chục nhà xưởng, công trình lợp mái tôn kiên cố có quy mô lên đến hàng nghìn m2 được xây dựng trái phép, hoạt động liên quan đến sản xuất nhựa, tái chế xốp, cơ sở sản xuất nhôm kính, kho hàng và hàng loạt bao bì chứa chất thải được chất thành đống khiến con phố này trở nên vô cùng nhếch nhác.
Loạt nhà xưởng sản xuất ngay cạnh khu vực trạm điện, nguy cơ cháy nổ rất cao |
Ông N.V.C người dân sinh sống tại tổ 17 cho biết: Các cơ sở sản xuất nhựa, nhà xưởng tại đây hoạt động bất kể ngày đêm gây tiếng ồn lớn và xả khói; nước thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, không khí trở nên vô cùng ngột ngạt nhất là khi xưởng nhôm kính phun sơn.
Ông N.V.C cho biết thêm: Trong một, hai năm trở lại đây một số gia đình có người thân ốm đau, mắc bệnh liên quan đến nguồn nước sinh hoạt và môi trường không khí. Nếu tình trạng hoạt động không phép của một số nhà xưởng, cơ sở tái chế nhựa tại đây không được chính quyền ngăn chặn, kiểm soát và xử lý thì chúng tôi rất lo ngại về sức khỏe. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương, thậm chí phải nhắn tin, gọi điện cho ông Chủ tịch phường giữa đêm bởi không thể chịu đựng được ô nhiễm nhưng chẳng hiểu sao thực trạng không có gì thay đổi, loạt cơ sở này vẫn vô tư ngày đêm "đầu độc" chúng tôi.
Nước thải từ khu sản xuất nhựa thấm ra môi trường |
Làm việc với Phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn cho biết: Những nhà xưởng, cơ sở sản xuất đã tồn tại từ lâu, trước đây khu vực này có khoảng hơn 200 hộ sản xuất nhưng đến nay, con số này giảm xuống chỉ còn hơn 30 hộ. Chúng tôi đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động họ chuyển đổi sinh kế nhưng hiệu quả vẫn chưa thực sự như mong muốn. Quận Nam Từ Liêm và phường Trung Văn cũng đã ra nhiều quyết định xử phạt và cắt điện, cắt nước. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng nhà xưởng gây ô nhiễm, vấn đề ý thức của các hộ dân vẫn là quan trọng nhất.
Khi phóng viên cho rằng các cơ sở sản xuất, kinh doanh này hoạt động không có bất kỳ hồ sơ pháp lý nào, không nằm trong quy hoạch mà vẫn tồn tại suốt nhiều năm qua thì ông Hùng lý giải: “Do vấn đề sinh kế mà nhiều hộ gia đình chưa tìm được công việc thích hợp nên họ bắt buộc phải gắn bó với nghề tái chế nhựa… Có hộ, tất cả thành viên trong gia đình đều tham gia. Trong khi đó, mức xử phạt hành chính hiện nay còn chưa cao và chúng tôi chưa có quy chuẩn cụ thể về mức gây ô nhiễm thế nào thì có thể xử phạt. Do vậy, phương pháp cơ bản mà phường triển khai vẫn chủ yếu là tuyên truyền, vận động người dân”.
Khi phóng viên đề nghị ông Hùng cung cấp các quyết định xử phạt, báo cáo lên UBND quận Nam Từ Liêm thì ông Hùng viện nhiều lý do không cung cấp và khẳng định sang năm 2022 thì xử lý các trường hợp vi phạm tại đây.
Trước đó, năm 2019 tại ngõ 1, phố Đại Linh này đã từng xảy ra vụ cháy nhà xưởng thương tâm khiến 8 người chết làm dư luận vô cùng bức xúc. Việc xây dựng công trình nhà xưởng, hoạt động trái phép trong khu dân cư vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai, môi trường. Vậy, tại sao chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm, hay cố tình bao che, dung túng cho những sai phạm này?
Đề nghị UBND Thành phố Hà Nội, UBND quận Nam Từ Liêm và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng nhà xưởng sản xuất, tái chế xốp, nhựa ngay giữa khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...