“Người đưa đò” 35 năm lặng thầm “gieo chữ”
Xã hội - Ngày đăng : 22:19, 18/11/2021
Cô bảo “nếu không cho các em con chữ, thì suốt đời học sinh ở đây chỉ vào rừng kiếm củi, xuống suối mò cá, chẳng bao giờ nhìn thấy ánh sáng văn minh, thành phố. Đó là lý do duy nhất tôi gắn bó với rừng già Cát Tiên này 35 năm qua”. Cô là Nguyễn Thị Mai, giáo viên tiểu học của Trường Tiểu học Phước Cát 2, xã Phước Cát, huyện Cát Tiên tỉnh Lâm Đồng.
Tre rừng làm bàn học, đèn dầu soi con chữ
Để đến được điểm trường thôn 4 (thuộc Trường tiểu học Phước Cát 2 huyện Cát Tiên tỉnh Lâm Đồng), chúng tôi phải “bò” bằng “ngựa sắt” gần 40 km đường đồi núi quanh co, dốc cao, vực sâu. Sau mùa dịch “cô rô na”, điểm trường thôn 4 vắng hoe giữa cái nắng cháy da cháy thịt. Cô Mai đang quét dọn lớp học, kê lại bàn ghế. Tôi ngạc nhiên bảo: “Không dạy học chị vẫn đến trường à?”. “Em nhớ trường, nhớ lớp và các em học sinh quá. Tranh thủ dọn vệ sinh, kê lại bàn ghế tuần sau đón các em trở lại học tập”- cô Mai cho biết
Hai tay đặt lên vai hai học sinh, cô nói với lũ trẻ như chiêm nghiệm từ chính cuộc đời mình: “Thôn mình nghèo lắm. Bây giờ nuôi cái bụng no dễ rồi, nhưng muốn đổi cuộc đời mình thì phải học. Các em cố gắng học cái chữ để sau này đỡ khổ, để về giúp thôn bản mình giàu có nữa nha”. Lời cô ấm áp thân tình như người chị nói với các em. Và đó cũng là hình ảnh đầu tiên làm tôi xúc động khi tiếp xúc với cô giáo Nguyễn Thị Mai- người lặng thầm 35 gieo chữ cho các em học sinh đồng bào dân tộc S Tiêng, Châu Mạ ở giữa rừng Cát Tiên hẻo lánh này
Cô giáo Mai thân thiết nói chuyện với các em học sinh phân hiệu 3 Trường tiểu học Phước Cát 2, |
Tôi biết cô giáo Mai tình cờ trong lần đến Trường tiểu học Phước Cát 2 (Cát Tiên, Lâm Đồng) để tặng quà cho các em học sinh ở đây. Trong nhiều câu chuyện kể về cuộc sống của giáo viên nơi miền tây nguyên gian khó, có một chuyện làm chúng tôi cảm phục, đó là chuyện cô tình nguyện lên rừng dạy chữ. Cô bảo: “Nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, thì gian khổ để giành phần ai. Càng dạy học ở nơi gian khó này, tôi càng thấy thương lũ trẻ. Ở nơi gian khổ này, nếu các em không được học chữ thì quanh năm quay mặt vào rừng. Dạy các em biết cái chữ để sau này giúp đời, thoát nghèo cho thôn bản là tôi hạnh phúc”.
Năm 1985, sau khi tốt nghiệp trường Đại học sư phạm Đà Lạt. Trái ngược với nhiều bạn bè xin về thành phố mong kiếm một nơi day học nhàn thân lại có thêm thu nhập, thì cô giáo Mai lại tình nguyện về huyện Ma-Da-Guôi dạy học. Ở đây chưa nóng chỗ, cô tiếp tục xung phong đến Trường tiểu học Phước Cát 2 huyện Cát Tiên - nơi xa và nghèo khó nhất của tỉnh Lâm Đồng. Ở đây, 100% đồng bào dân tộc S-tiêng, Châu Mạ. Là người đầu tiên đến đại ngàn này gieo chữ, cô Mai không nhớ hết được bước chân đã đi bao lần đến bản làng vận động học sinh đi học, bao lần đạp xe vượt vừng đến trường gieo chữ, nhưng có một việc cô không thể nào quên, đó là những ngày đầu tiên dựng lán giữa rừng dạy chữ.
Cô Mai kể lại, năm 1985, thôn 3 bây giờ là rừng sâu núi cao, thú dữ chim muông và không có dấu chân người. Ở giữa rừng sâu này, lũ trẻ chưa bao giờ nhìn thấy con chữ, ngày cặm cụi mò cá dưới suối, lên rẫy bẫy chim, đêm chìm trong màn sương dày đặc của núi rừng. Để có chỗ cho học sinh học, cô đã cùng thanh niên trong bản vào rừng chặt cây dựng lớp. “Cây rừng làm cột, lá cọ làm mái che, tre rừng làm bàn học. San phẳng vạt đồi để dựng lớp trên đó. Gọi là lớp học chứ thực tế nó như cái chòi lá giữa rừng sâu”, cô Mai hồi tưởng lại
Dựng xong lớp, nhưng học sinh ở đâu để dạy khi những đứa trẻ ở đây chỉ quen theo mẹ lên rẫy trỉa bắp, vào rừng đào măng, xuống suối mò cá, chưa hề nghe đến chuyện học chữ bao giờ. Cô Mai nghĩ trong đầu: “Con đường thoát nghèo phải bắt đầu từ con chữ”- cuộc vận động học sinh đến trường bắt đầu.
Được cán bộ xã giúp đỡ, cô lặn lội đến từng gia đình vận động các em học sinh đi học. Những ngày đầu đi vận động, cô không khỏi thất vọng vì bố mẹ các em chỉ muốn con mình lên rẫy trỉa bắp, trồng mì. Có phụ huynh nói thẳng “Tao không cho nó đi, để nó ở nhà đi rừng kiếm gạo cho no cái bụng”. Cô Mai thuyết phục: “Nếu không cho các em đi học, suốt đời chỉ đào mì, mò cá thôi. Để có tiền xây nhà, để no cái bụng phải cho nó đi học”. Như mưa dân thấm lâu, cuối cùng phụ huynh học sinh cũng đồng ý cho con đến trường.
Ngày đầu tiên đứng trên bục giảng cũng là ngày cô rơi nước mắt. Cô khóc vì thương các em học sinh quá nghèo. Có em đến lớp mặc manh áo rách, có học sinh địu cả em nhỏ theo. Tận mắt chứng kiến cái nghèo đói của lũ trẻ, cô càng thêm quyết tâm gắn bó với mảnh đất này
Ngày nối ngày, giữa rừng già Cát Tiên, lớp học của cô giáo Mai lọt thỏm giữa ngút ngàn cây cối. Tiếng ê a của các em học sinh học bài đầu tiên tiếng kinh nuốt vào gió núi tây nguyên. Ngày nắng các em còn đến lớp đầy đủ, ngày mưa các em chỉ đến 1/3. Nhiều bữa, mưa rừng trút nước, cô Mai đến lớp lòng như lửa đốt. Phần sợ các em gặp nạn giữa đường, phần lo các em bị nước lũ cuốn trôi. Tôi hỏi “gặp nạn giữa đường là sao”? Cô Mai giải thích, Cát Tiên là rừng già nguyên sinh. Những năm 1985-1990 rất nhiều thú dữ như beo, cọp. Sáng sớm đi học, chiều tối trở về, nếu không biết đường vòng tránh dễ gặp nạn. Để đến được lớp học, các em phải băng rừng, trèo đèo, lội suối trong bán kính 3-5km. Lớp học chưa đầy 10 học sinh, nhưng chưa ngày nào đi đủ. “Nhiều đêm giữa rừng sâu tôi đã khóc vì quá nhớ nhà. Cuộc sống thời đó cực khổ không nói hết. Nhưng lòng yêu trẻ đã níu giữ chân tôi. Song chính những ngày gian khổ ấy, giúp tui có bản lĩnh hơn, và càng thấy mình yêu nghề”.
Bám lớp giữ rừng
Lớp học của cô Mai 35 năm trước là chòi lá, bây giờ mang tên Trường Tiểu học Phước Cát 2 phân hiệu 3. Ngôi trường còn cách biệt khá nhiều về cơ sở hạ tầng đồ dùng dạy học so với bao ngôi trường ở miền xuôi, thị thành; song đó là niềm kiêu hãnh của các thầy cô giáo, học sinh và bà con thôn bản
Các em học sinh của cô giáo Mai trong giờ học ngoại khóa |
Có một điều khác biệt là ở ngôi trường này dạy học cho ba thế hệ. Ngoài các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 được đến lớp, các thầy cô giáo còn dạy cho thanh niên và người già trong thôn. Có cụ già tuổi trên 60 hằng tối vẫn đến lớp chong đèn học chữ. Nhiều thanh niên trong thôn tranh thủ giờ buổi trưa, buổi chiều. Cô Mai cho biết, ngôi trường này do ông Điểu K-Trang hiến tặng ba sào đất để xây. Bản thân ông K-Trang và con ông cũng không biết chữ nên hiến tặng đất xây trường để đến học. Điểm trường này có 4 phòng học nhưng có đến 6 lớp học từ mầm non đến lớp 5. Do vậy lớp 2 phải học ghép với lớp 3, còn lớp 4 ghép với lớp 5. Khi tôi hỏi có bao giờ chị nghĩ sẽ rời thôn bản này đi dạy học nơi khác? Mắt cô Mai ngấn lệ, nói: “Chưa bao giờ. Nếu mình đi thì lũ trẻ sẽ ra sao? Tôi đã coi đây là quê hương thứ hai của mình, thì phải bám trụ dạy chữ giữ rừng chứ”.
Hỏi về sự nhiệt tình của cô giáo Mai, ông K-Trang phấn khởi nói: “Ồ. Cô giáo Mai nhiệt tình lắm đó. Ngày nào cô cũng đến sớm dạy học. Có nhiều tối cô đem đèn tới dạy chữ cho tui”. Thầy Nguyễn Văn Nan, Phó hiệu trưởng trường Phước Cát 2 cho biết: “Cô Mai là người gắn bó với từ ngày dựng trường. 35 năm qua, cô luôn dạy giỏi. Có một điều đồng ngiệp chúng tôi rất khâm phục cô, đó là tinh thần tận tụy với các em học sinh. Các em gọi cô là mẹ”
Tình yêu nghề chưa bao giờ vơi cạn
Ba năm trước, con đường đến điểm trường thôn 3 bây giờ là đường mòn lau sậy và sỏi đá chứ chưa phải đường bê-tông như bây giờ. Để đến trường, cô giáo Mai phải vượt 25 km đường rừng. Ngày nào cũng thế, từ bốn giờ sáng cô dạy nấu cơm rồi nắm với muối vừng cho vào cặp lồng. Phương tiện duy nhất là chiếc xe đạp. Nhiều ngày gặp mưa rừng, vừa dắt xe vừa khóc vì đất dính vào bánh không thể đi được. Nắm cơm muối vừng lạnh ngắt đặt trên bàn tre giữa rừng sâu, nhìn mà rơi nước mắt. Nhưng cô phải cố nuốt để có sức dạy học buổi chiều
Hỏi đời sống của giáo viên, cô Mai cho biết, ngoài lương qui định, những thầy cô giáo dạy ở điểm trường xa xôi như cô còn thêm khoản phụ cấp theo chế độ 135 của Chính phủ. Tuy đời sống nhiều thầy cô còn gặp nhiều khó khăn, song ai cũng bám trường dạy học.
35 năm trước, giữa rừng già Cát Tiên, có một nữ sinh viên quê gốc Tây Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế tình nguyện đến đây gieo chữ. 35 năm sau, nữ sinh ấy thành “bà giáo” của bản làng. Và cũng ngần ấy năm, tình yêu dạy học, gieo chữ cho lũ trẻ ở rừng già này chưa bao giờ vơi cạn.