Giáo dục bảo vệ môi trường trong trường học cần sự phối hợp của nhiều bên
Môi trường - Ngày đăng : 12:13, 18/11/2021
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM |
PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác triển khai các hoạt động BVMT trong trường học trên địa bàn TP.HCM thời gian qua?
Ông Nguyễn Văn Hiếu:
Giáo dục BVMT trong trường học là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành GD&ĐT TP.HCM. Thời gian qua, ngành GD&ĐT đã triển khai và thực hiện tốt Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì Thành phố sạch, giảm ngập nước”, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức BVMT cho học sinh các cấp. Mỗi học sinh đều có hành động thiết thực để BVMT, giữ gìn môi trường học đường xanh - sạch - đẹp.
Ngành GD&ĐT cũng thực hiện có hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn TP.HCM. Các trường đã tuyên truyền cho học sinh về những tác hại của chất thải nhựa đến môi trường; vận động học sinh không sử dụng chai nhựa, túi ni lông, ưu tiên sử dụng những sản phẩm không gây hại, thân thiện với môi trường. Đến nay, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã thực hiện hiệu quả phong trào “Nói không với rác thải nhựa”.
Về công tác phân loại rác tại nguồn, tất cả các trường học đều trang bị thùng rác 2 ngăn và hướng dẫn cho học sinh cách phân loại rác thành nhóm chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng và nhóm rác còn lại. Tất cả học sinh trên địa bàn thành phố đều biết cách phân loại rác tại nguồn. Công tác phối hợp với khâu vận chuyển rác cũng được các trường chú trọng để nâng cao hiệu quả từ việc phân loại của nhà trường.
PV: Theo ông, đâu là kinh nghiệm cần được chia sẻ về công tác giáo dục BVMT trong trường học mà TP.HCM đã đạt được trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Văn Hiếu:
Định hướng nội dung giáo dục BVMT cần được tích hợp không chỉ một mà nhiều môn học và ở các bậc học. Chúng ta cần lồng ghép nội dung giáo dục BVMT, ứng xử văn hóa, lối sống văn minh… trong chương trình đào tạo, giáo dục ngoại khóa, chính khóa cho học sinh tất cả các bậc học bằng nhiều hình thức phù hợp.
Công tác giáo dục BVMT trong trường học cần sự phối hợp của nhiều bên. Sở GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn là Sở TN&MT bằng việc ký kết liên tịch hoạt động BVMT trong trường học. Sở TN&MT đã tổ chức nhiều đợt tập huấn pháp luật về BVMT cho cán bộ quản lý, giáo viên trường học trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, 2 bên đã phối hợp tổ chức thành công Chương trình “Trường học xanh”, tạo ra một phong trào xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp trên toàn thành phố. Ngoài ra, việc phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục toàn diện học sinh, trong đó có giáo dục ý thức, hành vi BVMT là đặc biệt quan trọng.
Một buổi sinh hoạt ngoại khóa về BVMT tại Trường THCS Minh Đức quận 1. (Ảnh chụp trước thời gian thành phố thực hiện giãn cách do Covid-19) |
PV: Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, nhiều trường học đã được trưng dụng làm cơ sở cách ly tập trung, điểm tiêm vắc-xin... Vậy, việc gia cố cơ sở vật chất trường học và tổng vệ sinh đảm bảo môi trường sạch, an toàn để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường hiện nay ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hiếu:
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM, tính từ tháng 6/2021 đến nay, đã có 945 cơ sở trường học trên địa bàn được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các nhiệm vụ: Bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, điểm tiêm vắc-xin, nơi lưu trú đóng quân cho lực lượng bác sĩ, bộ đội, công an...
Khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát, Sở GD&ĐT đã làm việc với các các quận, huyện, TP. Thủ Đức căn cứ vào kết quả kiểm soát tình hình dịch bệnh để xem xét, sớm bàn giao cơ sở lại cho các trường học với trình tự ưu tiên từ cấp THPT, THCS, đến Tiểu học, Mầm non.
Tính đến ngày 10/11/2021, đã có 691/945 trường học được bàn giao, các đơn vị đã tiến hành tổng vệ sinh, khử khuẩn, sửa chữa cơ sở vật chất chuẩn bị đón học sinh trở lại trường. Hiện, còn 254 trường học đang trong thời gian trưng dụng chưa bàn giao. Với các trường học đã được bàn giao, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện khử khuẩn toàn bộ khuôn viên, tổng vệ sinh, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị… đảm bảo điều kiện tổ chức học sinh đi học lại an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường.
PV: Ông có những kiến nghị, đề xuất nào để tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục về BVMT trong trường học trên địa bàn thành phố?
Ông Nguyễn Văn Hiếu:
Theo tôi, TP.HCM nên tổ chức thêm các hoạt động hoặc bồi dưỡng kiến thức về BVMT cho đội ngũ nhà giáo để thực hiện giảng dạy lồng ghép, tích hợp một cách hiệu quả. Đồng thời, cần có sự phối hợp và hỗ trợ với các Ban, ngành chuyên môn của thành phố để được cung cấp thêm tài liệu, áp phích tuyên truyền và các kiến thức về BVMT tại Việt Nam và trên thế giới.
Ngành GD&ĐT thành phố cũng mong được quan tâm, phối hợp để tiếp tục trang bị thêm hệ thống thùng rác phân loại đặt tại các lớp, các hành lang trường học giúp cho học sinh thực hành dễ dàng, hình thành dần thói quen phân loại rác. Ngoài ra, tại các khu công cộng, công viên… cũng cần chú trọng công tác này để tất cả cùng chung tay bảo vệ môi trường.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!