Chinh phục thác Nặm Me

Xã hội - Ngày đăng : 12:07, 18/11/2021

(TN&MT) - Nặm Me (tiếng Tày) là Thác Mẹ, Suối Mẹ, từ trên đỉnh núi Sinh Long đổ xuống dòng sông Gâm. Dòng suối Hát Nghiền được bắt nguồn từ lưu vực của những dãy núi đá cao với ngút ngàn cây rừng cổ thụ. Ngọn thác từ trên đỉnh núi, chảy xuống đến hạ nguồn rồi nhập vào lòng sông.

Thác Mẹ dài khoảng 4.000 mét và có tới 15 tầng lớn nhỏ, cao thấp bí ẩn và hùng vĩ. Phía trên là những đỉnh núi cao quanh năm mây phủ, như xóa nhòa ranh giới giữa đất và trời. Từ dưới lòng sông nhìn lên dãy núi trùng điệp của xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình, dòng thác màu trắng bạc chảy từ trên đỉnh núi như mây, lại như dải lụa trắng phất phơ buông khoáng đạt trong gió.

Sự tích kể rằng: Xưa ở vùng thượng nguồn sông Gâm có người con trai mồ côi cha tên là Tài Ngào. Chàng có thân hình cao lớn khác thường, vì vậy mọi người còn gọi chàng là Khổng lồ. Khi đi, đầu Tài Ngào chạm tầng mây. Khi nằm, đầu Tài Ngào gối đỉnh Mã Pì Lèng, chân gác núi Pác Tạ. Chỗ Tài Ngào hay ngồi đất lõm xuống thành thung lũng Thượng Lâm... Tài Ngào có sức khỏe siêu phàm. Tương truyền trong một lần khai hoang, Tài Ngào đã ném hai hòn đá ra xa, hòn đá đó chính là hai dãy núi Tam Đảo và Ba Vì ngày nay.

Thác nước buông trắng xóa như mây

Khi Mẹ của Tài Ngào mất, chàng khóc thảm thiết. Nước mắt của chàng nhiều đến nỗi chảy thành suối, thành sông. Chỗ chàng đứng khóc biến thành một thác nước lớn. Thác ấy dân bản gọi là thác Nặm Me, thác nước đổ quanh năm không bao giờ cạn như nước mắt của chàng Tài Ngào không nguôi thương tiếc mẹ...

Có lẽ trên trần gian này, chỉ có nước mắt của người con cứ chảy mãi trong tiếc thương hay những người con gái khóc cho người yêu thương của mình mới nhiều và trong đến như vậy. Dòng nước mắt ấy cứ tuôn trào mãi như niềm hy vọng và mong ước của Tài Ngào rằng một ngày nào đó biết đâu bóng hình mẹ trở về, rằng một ngày nào trong dải lụa trắng kia mẹ sẽ hiện ra… Cho đến bây giờ, không ai nhìn thấy Tài Ngào đâu, chỉ có dòng thác Nặm Me thì vẫn ngày đêm tuôn chảy*.

Ở vùng Nặm Me này, những người phụ nữ Tày, Nùng, Dao… khi trưởng thành, ít nhất cũng được tắm một lần tại dòng suối huyền bí Nặm Me. Người già nói “mỗi người con gái, con trai, có vợ hay có chồng đã đến mảnh đất này, được tắm ở dòng nước mắt này thì sẽ trẻ đẹp như bông hoa của núi, dẻo dai như cây giữa rừng già”. Nếu ai đó đã được đến đây, ngồi ở chỗ này, hẳn là họ sẽ cảm nhận được đầy đủ và trọn vẹn về tình yêu của những người đàn ông đã dành tặng cho mình, và mới biết tại sao tình yêu của họ lại mặn mòi và trong trẻo như dòng suối nơi đây.

Đường lên Nặm Me quanh co hiểm trở

Nếu đứng ở một đoạn cách xa hơn, các tầng thác tựa như những tiên nữ nhà trời đứng trên từng bậc cầu thang đang xõa xiêm y tắm gội. Dưới chân thác là vực nước nhỏ nhưng sâu, đón nước từ trên cao ập xuống, từng đám bọt trắng xóa và cả đám bụi nước nhảy tung trên mặt nước, như những ngọn tóc đang được đung đưa, đùa giỡn trong loỏng nước bồ kết bốc hơi nghi ngút. Những luồng gió theo nước từ trên cao cuộn xuống mang theo hàng triệu hạt nước nhỏ li ti bám vào tóc, vào mi mắt rồi thấm vào người, cả cơ thể đang hừng hực vì nóng cũng phải vội chùng xuống trước đám bụi nước này (phải chăng người ta đã nghĩ ra cái quạt hơi nước từ đây). Ngay trong lòng suối, dưới chân thác là lô nhô những tảng đá mồ côi được dòng nước cọ xát lớp vỏ ngoài đến trơ ra màu xám trắng, những đường vân từng lớp dày, mỏng của đá như từng trang của pho sách cổ kể về sự hình thành của dòng suối và từng lớp trầm tích của thời gian từ từ hé mở theo lời kể. Đã hàng triệu năm trôi qua, hàng triệu vòng đời của những con nước lũ, và hàng ngàn đời của những cây rừng, từng lớp, từng lớp kế tiếp nhau lặng lẽ sống bên dòng nước trong lành này.

Đoàn đến Nặm Me. Cả đoàn chia thành từng tốp nhỏ, từ từ bám theo vách đá vừa trơn vừa dốc. Do ít có người lên - xuống nên đá lô nhô điểm lồi, lõm. Người dẫn đường đi trước phải ướm chân thử, thấy đủ chắc để bám, dẫm thì mới cho người sau đặt chân vào. Đã vừa qua một hành trình, nhưng giờ mới thấm thế nào là “lên thác, xuống ghềnh” khi vượt Nặm Me. Người khỏe mạnh phải đi trước rồi kéo người yếu hơn lên sau. Cứ như vậy, từng vách dốc, từng khe cạn, từng đoạn trơn trượt lần lượt được vượt qua. Sau mỗi lần đến đỉnh của từng ngọn thác, cả đoàn lại reo hò vui mừng như vừa lập thêm được một chiến công lớn.

Leo thác Nặm Me là xác định phải đi một quãng đường thác dài. Ghềnh suối đoạn khó đoạn rất khó, đá gối đá liên tục và có ba đến bốn điểm leo cực khó, vách thẳng đứng, cao tầm 10 - 15 mét, và rêu trơn. Do đó, muốn chinh phục Nặm Me đòi hỏi rất nhiều thử thách và mạo hiểm; phải có thiết bị bảo hộ để leo an toàn. Và việc này chỉ dành cho những người có sức khỏe, kỹ năng leo núi tốt.

Đường tới thác Nặm Me rất khó đi nên thường người đi để lại hết đồ dùng không cần thiết ở thuyền. Ngoài hướng thẳng suối đi lên như đã kể trên, còn có một hướng nữa là băng theo đường rừng, đường này dài, xa và có nhiều vắt.

Bữa trưa bên thác

Đến giữa lưng chừng núi, cả đoàn dừng lại để nghỉ ngơi, bữa trưa mang theo được chuẩn bị từ dưới thuyền như cơm lam, xôi gà, rau măng… tất cả đều được gói bằng lá rừng, xếp vào gùi. Cả ống canh chua hay coóng rượu ngô đều được nút bằng lá chuối. Thêm vài cái chén… cũng bằng ống nứa, to, nhỏ đủ kích cỡ. Những cái “bát” ăn là miếng lá chuối được hơ qua lửa. Mọi người vừa ăn, vừa trao đổi kinh nghiệm lúc vượt qua con thác. Sau khi nghỉ ngơi cho lại sức, mọi người lại tiếp tục ngược lên  đỉnh núi.

Rồi tiếng ồn ào dường như nhẹ hơn. Ơ, hình như là đã gần lên đỉnh thác. Trước mặt, một bên là khe cạn, hai vách đá đứng, hẹp và khá trơn trượt, một bên là dòng nước đã bớt ào ào, đã bớt nhảy tung bọt trắng do khoảng cách gần hơn. Người cán bộ Kiểm lâm đi cùng nhắc anh em trong đoàn kiểm tra lại hành trang, bởi chỉ một chút nữa thôi, vượt qua đoạn này là chúng ta đến thác chính rồi. Nghe vậy mà hăm hở cả lên, quên hết mệt nhọc, chân rảo nhanh hơn, nhịp thở cũng dập dồn hơn.

Giờ thì tiếng nước dội ầm ầm như tiếng gầm gào của chúa sơn lâm đã lúc gần, lúc xa, lúc thúc thẳng xuống dưới, lúc vẩn ngược lên trên. Tới đỉnh thác.

Trước mặt là một hồ nước nằm hiền hòa để chờ chảy trôi đến miệng thác là bắt đầu quần lên dữ dội. Dòng nước từ trên cao chạy theo sườn đá rồi đổ xuống vực sâu, khi thì ánh lên màu xanh ngọc, lúc lại sẫm đậm màu xanh núi rừng của đại ngàn nguyên sinh. Ngước nhìn lên. Trên cao kia, một không gian rộng lớn và xa tắp hiện ra trước mắt. Cổng nhà trời đây rồi…

*Tư liệu từ Lý lịch danh lam thắng cảnh Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Lê Thu