Không khí Hà Nội xấu, người dân cần hạn chế các hoạt động ngoài trời
Môi trường - Ngày đăng : 15:27, 17/11/2021
Chất lượng không khí của thành phố Hà Nội đang ở mức xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe con người |
Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường tại các trạm quan trắc không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời điểm 10h00 ngày 17/11, nồng độ chất ô nhiễm đang ở mức “Xấu” (màu đỏ). Thực trạng chất lượng không khí hiện tại đã đạt mức cảnh báo ảnh hưởng tới sức khỏe, người dân cần hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời, nên ở trong nhà.
Ở thời điểm trên, kết quả quan trắc cho thấy, có 7/7 trạm chạm ngưỡng “Xấu” (mức cảnh báo 4/6) AQI dao động trong khoảng 151 - 192.
Hiện tại, trời nhiều mây, âm u và lặng gió, tốc độ gió thấp (dao động từ 2.0 – 2.2 m/s) và có mưa nhỏ, nhiệt độ dao động trong khoảng 20℃ đến 22℃, so với buổi sáng, nhiệt độ có tăng nhẹ nhưng tốc độ gió lại giảm hơn dẫn đến nồng độ các chất ô nhiễm không được khuếch tán trong không khí, nhiều trạm tích tụ chất ô nhiễm khiến chỉ số AQI tiếp tục tăng.
Dự báo trong khung giờ cao điểm tiếp theo, khi mật độ giao thông tăng cao, nhiệt độ giảm và tốc độ gió không thay đổi, khả năng cao nồng độ các chất ô nhiễm sẽ tăng khiến chất lượng không khí tiếp tục duy trì ở mức “Xấu”. Tại một số khu vực vẫn còn tình trạng đốt rác thải sinh hoạt tự phát, tràn lan, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Vào thời điểm ô nhiễm không khí chạm các ngưỡng “Xấu”, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khuyến cáo, vào buổi sáng và chiều tối (thời gian ô nhiễm nhất trong ngày), người dân không ra ngoài để tập thể dục, đặc biệt người già và trẻ em nên mang khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn khi đi ra ngoài. Đồng thời, nên lưu thông trên đường bằng các phương tiện công cộng hoặc các phương tiên có che chắn.
Chất lượng không khí khu vực Hà Nội hồi 10h:00' ngày 17/11, theo Trang thông tin của Thành phố Hà Nội |
Lý giải tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tái diễn tại Hà Nội những ngày qua, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, do không khí lạnh suy yếu trong khi mật độ các chất gây ô nhiễm từ hoạt động giao thông và công trình xây dựng không giảm, bụi bẩn và các chất ô nhiễm không thể khuếch tán lên cao.
Bên cạnh đó, độ ẩm và nền nhiệt tăng cao khiến sương mù xuất hiện dày đặc làm mức độ ô nhiễm không khí nặng nề hơn. Tình trạng này có thể còn kéo dài thêm vài ngày nữa. Đến cuối tuần, khi không khí lạnh tràn về, trời sẽ quang trở lại, bụi bẩn được khuếch tán và ô nhiễm không khí sẽ giảm.
Để cải thiện chất lượng không khí, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị người dân thực hiện tốt Chỉ thị 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 của UBND Thành phố về các biện pháp khắc phục ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thành phố.
Cụ thể, nên sử dụng các phương tiện công cộng thay thế phương tiện cá nhân góp phần giảm thiểu lượng phát thải vào môi trường không khí. Đối với các phương tiện chở vật liệu xây dựng cần che chắn theo quy định, tránh rơi vãi, phát sinh bụi ra môi trường.
Tăng cường thực hiện mục tiêu 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật môi trường; không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thành phố.
Các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường thực hiện công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thông thường theo quy trình công nghệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo vệ sinh môi trường. Quán triệt toàn thể cán bộ, công nhân viên không được đốt các loại chất thải tại các điểm tập kết, trung chuyển trước khi đưa đến các khu xử lý tập trung theo quy định.
Đồng thời, người dân theo dõi, kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về quản lý chất thải rắn thông thường, trong đó, có hoạt động đốt chất thải, kịp thời báo cáo chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng có thẩm quyền xử lý.