Bao giờ xe sạch - trời xanh?
Môi trường - Ngày đăng : 09:40, 16/11/2021
Trước tiên, phải khẳng định đây là động thái tích cực của chính quyền thành phố nhằm tập trung tìm giải pháp cứu cánh ô nhiễm không khí dai dẳng suốt thời gian qua. Song, sâu xa vấn đề, công luận kỳ vọng về một chương trình có lộ trình dài hơi, bền vững hơn, thay vì nổi lên như một phong trào và sau đó, chìm vào quên lãng.
Thực tiễn chỉ rõ, hoạt động giao thông vận tải là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ô nhiễm không khí tại các đô thị của nước ta. Sau gần 15 năm áp dụng quy chuẩn khí thải ở mức thấp nhất, tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 16 nâng mức tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô, xe máy cá nhân. Song, phương tiện cá nhân vẫn không ngừng tăng lên; nhiều phương tiện quá hạn, không đủ chất lượng vẫn nhởn nhơ lưu thông gieo rắc nỗi khiếp đảm với môi trường sống.
Kiểm tra khí thải xe máy. |
Ngay trong số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã chỉ rõ, tính đến 10/2020, cả nước có 4,6 triệu ô tô, 72 triệu xe máy. Nếu tính 1 ô tô tiêu thụ 12 lít xăng/100km, 1 xe máy tiêu thụ 3 lít xăng/100km, cứ 4 xe máy sẽ đốt nhiên liệu và phát thải bằng 1 ô tô. Với ô tô, Việt Nam đã thực hiện kiểm soát tình trạng kỹ thuật, khí thải xe đang lưu hành thông qua kiểm định định kỳ. Còn với xe máy, chưa quy định niên hạn sử dụng.
Trước đó, năm 2010, Thủ tướng đã ban hành Đề án kiểm soát khí thải xe máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, đến nay, việc kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành vẫn chưa được thực hiện. Có quá nhiều nguyên nhân được chính quyền các đô thị "giãi bày" để mong nhận được sự "cảm thông" của dư luận như liên quan đến mức phí, hay những lý do muôn thuở rất dễ "mềm lòng" - xe cũ là phương tiện mưu sinh… Song, muốn đất nước phát triển, chắc chắn không thể dễ dãi, xuê xoa mãi được.
Sòng phẳng nhìn nhận, với một quốc gia đang tập trung mọi nguồn lực để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, mà ở đó, môi trường là một trong ba trụ cột của phát triển kinh tế - xã hội, thì không phải thấy cứ thấy việc khó lại ngưng hay trì hoãn mãi. Một xã hội hướng tới văn minh mà môi trường xuống cấp bởi những tư duy "cài số lùi" là bất ổn!
Cần nhận thức đầy đủ, không có một giải pháp quản trị đô thị nào mang lại lợi ích trọn vẹn cho tất cả mà chỉ có sự lựa chọn, đánh đổi giữa lợi ích nhỏ với lợi ích lớn, giữa cái lợi trước mắt của một nhóm thiểu số với chất lượng sống và sinh kế lâu dài của cả một cộng đồng. Nếu chúng ta tiếp cận từ góc nhìn này, sẽ thấy đầu tư cho kiểm soát khí thải xe máy hoàn toàn không phải là gánh nặng với ngân sách, mà là một sự đầu tư sáng suốt trên nhiều phương diện. Sự tốn kém nếu có, cũng chỉ là tạm ứng cho những lợi ích trong tương lai.
Rõ ràng, kiểm soát khí thải một số lượng rất lớn xe gắn máy đang lưu hành đòi hỏi phải có chiến lược phù hợp. Thiết nghĩ, nên bắt đầu bằng siết chặt tiêu chuẩn khí thải từ khâu sản xuất và nhập khẩu, để các xe mới đưa vào lưu hành đảm bảo thân thiện với môi trường. Điều này, cũng giống như xử lý bao bì sản phẩm, cần có quy định gắn trách nhiệm của nhà sản xuất trong toàn bộ vòng đời của một chiếc xe, từ khi sản xuất đến khi thu hồi xử lý. Với các phương tiện đang lưu hành, một tiêu chuẩn khí thải thống nhất là cơ sở để người dân chấp hành và căn cứ cho lực lượng chức năng theo dõi, kiểm tra.
Câu chuyện thu hồi xe cũ nát, kiểm soát toàn bộ khí thải phương tiện này chắc chắn không thể một sớm một chiều. Và trong khi những kế hoạch vĩ mô còn nằm trên giấy, những giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí còn dừng ở tuyên truyền,… thì ngay lúc này, chúng ta cần nhìn lại, cần có thái độ ứng xử chuẩn mực với môi trường bằng lối sống xanh nếu không muốn ngày ngày phải hít thở bầu không khí ô nhiễm trầm trọng hơn.