Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW: Bài 1: Cơ chế, chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư những vấn đề đặt ra
Tổng kết Luật Đất đai 2013 - Ngày đăng : 14:11, 15/11/2021
Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 19- NQ-TW, Báo Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu loạt bài viết về cơ chế, chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của TS. Nguyễn Đắc Nhẫn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ TN&MT).
Ảnh minh họa |
Trong bối cảnh kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế luôn có sự vận động phát triển, nên chính sách, pháp luật về đất đai hiện hành đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, trong đó, có những bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Thể chế cụ thể định hướng của Nghị quyết số 19-NQ/TW và thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai năm 2013 đã có các quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Chính phủ đã ban hành các văn bản quy định chi tiết về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, như: Nghị định 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định 01/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; Nghị định 06/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Điều 17 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Về thu hồi đất, thể chế hóa tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, Luật Đất đai năm 2013 đã có các nội dung đổi mới mang tính đột phá về thu hồi đất như sau: Quy định cụ thể về những trường hợp thật cần thiết mà Nhà nước phải thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như quy định tại Điều 54 của Hiến pháp vừa mới được thông qua.
Các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội được Luật Đất đai năm 2013 quy định dựa trên tiêu chí “phải vì lợi ích của quốc gia, lợi ích chung của cộng đồng”; quy định theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn và thu hẹp hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với các dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và một số trường hợp được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét thông qua chủ trương thu hồi đất.
Các dự án mà Nhà nước thu hồi đất căn cứ vào ý nghĩa, tính chất quan trọng của dự án với việc phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, lợi ích chung của cộng đồng; không có phân biệt dự án đó là của thành phần kinh tế nào.
Ảnh minh họa |
Trường hợp triển khai thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh, Luật Đất đai quy định cơ chế chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; để tạo quỹ đất đấu giá, khai thác nguồn lực đất đai, Luật Đất đai đã quy định khi thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn, Nhà nước chủ động thu hồi đất, bao gồm đất để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và đất vùng phụ cận theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
Quy định rõ ràng hơn nguyên tắc công khai, minh bạch và dân chủ trong công tác thu hồi đất thông qua các quy định về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; trình tự, thủ tục thu hồi đất; Quy định chế tài mạnh để xử lý đối với trường hợp không đưa đất đã được giao, cho thuê vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Chủ đầu tư phải nộp một khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời hạn chậm tiến độ 24 tháng; nếu hết 24 tháng cho phép chậm tiến độ này mà vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất.
Bổ sung các quy định về các trường hợp Nhà nước trưng dụng đất, thẩm quyền, thời hạn, hiệu lực, hình thức của việc trưng dụng đất; sửa đổi thẩm quyền thu hồi đất để cải cách hành chính khi thực hiện các dự án theo hướng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất đối với trường hợp khu đất thu hồi có cả tổ chức và hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất.
Quy định cụ thể trong Luật trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và thực hiện cưỡng chế quyết định thu hồi đất nhằm tạo điều kiện cho các địa phương triển khai thực hiện thống nhất.
Đối với trình tự, thu hồi đất, Luật này đã quy định theo hướng tăng cường hơn sự tham gia trực tiếp của nhân dân trong việc đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản gắn liền với đất và xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; trách nhiệm đối thoại và giải trình của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi người dân chưa có ý kiến đồng thuận.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, pháp luật đất đai đã cơ bản thể chế hóa Nghị quyết của Đảng theo từng nội dung cụ thể, như: Nguyên tắc, điều kiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cơ chế, chính sách bồi thường về đất đối với từng loại đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp đặc biệt; bồi thường chi phí di chuyển khi Nhà nước thu hồi đất và bồi thường thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ; cơ chế chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Các nguyên tắc về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được luật hóa cụ thể, bao gồm:Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất; nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước; nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
Các điều kiện để được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được quy định chi tiết đối với từng loại đối tượng sử dụng đất và đối với từng loại đất tại Điều 75 của Luật Đất đai.
Quy định chi tiết cơ chế, chính sách bồi thường về đất đối với từng loại đất, gồm: Cơ chế, chính sách bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại đối với đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất; cơ chế, chính sách bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất ở; cơ chế, chính sách bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp đặc biệt, gồm: Các dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư mà phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng, các dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các dự án sử dụng vốn vay của các tổ chức quốc tế, nước ngoài mà Nhà nước Việt Nam có cam kết về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Quy định bổ sung trường hợp hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ; Quy định các khoản hỗ trợ đối với các trường hợp được tái định cư và việc tổ chức thực hiện dự án tái định cư.
Ngoài ra, pháp luật đất đai đã quy định về việc lập và thực hiện dự án tái định cư phải bảo đảm có đất ở, nhà ở tái định cư trước khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất; quy định suất tái định cư tối thiểu; quy định cơ chế chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quy định chi tiết các khoản kinh phí chi cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh.
Bài 2: Thực trạng công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư