Ninh Bình: Xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, sách nhiễu trong quá trình làm cấp GCNQSDĐ
Đất đai - Ngày đăng : 18:55, 12/11/2021
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Ninh Bình vừa có buổi giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh tại Sở Tài nguyên và Môi trường.
Về việc thực hiện các quy định của pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) từ ngày 1/1/2017 đến 31/5/2021 trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình cho biết, đơn vị đã tập trung thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Thường xuyên chủ động phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, giảm tối đa các công đoạn và thời gian trong bộ thủ tục hành chính để phục vụ người dân...
Việc thực hiện cấp GCNQSDĐ ở Ninh Bình còn những tồn tại, vướng mắc |
Điều đó được thể hiện rõ ở kết quả cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu, cấp lại, cấp đổi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đối với tập thể, đã cấp tổng số 1.589 Giấy chứng nhận; đối với hộ gia đình, cá nhân, đã cấp tổng số 101.466 Giấy chứng nhận. Kể từ năm 2018 đến nay không phát sinh vụ việc người dân tập trung đông người lên các cơ quan để phản ánh, khiếu nại việc tồn tại chậm trễ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động vẫn còn những tồn tại, khó khăn, vướng mắc. Do vậy, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Ninh Bình về việc thực hiện các quy định của pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn mới đây, Sở TN&MT đề nghị Đoàn giám sát báo cáo HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục kiến nghị Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh lại mô hình hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai như trước đây theo hướng thẩm quyền quản lý cấp nào thì mô hình hoạt động và giải quyết thủ tục hành chính tại cấp đó.
Đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức và người lao động, cũng như đội ngũ cán bộ địa chính cấp xã đủ khả năng giải quyết công việc được giao. Tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung; hiện đại hóa hệ thống thu thập và cập nhật thông tin đất đai dưới dạng số, tổ chức hệ thống mạng máy tính đồng bộ từ cấp xã đến cấp tỉnh nhằm sử dụng, trao đổi, cập nhật, cung cấp thông tin đất đai giữa 3 cấp...
Trên cơ sở phân tích những kết quả nổi bật, những điểm tồn tại, hạn chế trong công tác thực hiện các quy định của pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình Bùi Hoàng Hà đề nghị UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, trong đó có việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Đối với Sở TN&MT, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình đề nghị tăng cường, nâng cao chất lượng công tác tham mưu đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về đất đai; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai; rà soát các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tham mưu điều chỉnh, cắt giảm một số thủ tục hành chính chưa đúng theo quy định của pháp luật; rà soát đôn đốc tổ chức, cá nhân kê khai để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đảm bảo chặt chẽ...
Đặc biệt, cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, gây phiền hà, sách nhiều, chậm trễ trong quá trình làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, Sở Tư pháp, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, UBND các huyện, thành phố cũng cần quan tâm một số nhiệm vụ theo quy định của pháp luật có liên quan để cùng với Sở TN&MT thực hiện tốt hơn nữa việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.