Xử lý sự cố sạt trượt hố móng Nhà máy Thuỷ điện Hòa Bình mở rộng

Kinh tế - Ngày đăng : 17:43, 12/11/2021

(TN&MT) - EVN khẳng đinh: Việc xảy ra sạt trượt tại hố móng nhà máy - công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng không có ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu lân cận như đập chính thủy điện Hòa Bình, Tượng đài Bác Hồ.

Theo Bùi Phương Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án điện 1, liên quan đến việc sạt trượt khu vực thi công hố móng công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công đã họp bàn các giải pháp, thống nhất xử lý khối sạt trượt đảm bảo an toàn cho các hạng mục và công trình xung quanh.

Ông Bùi Phương Nam cho hay, giai đoạn 1, đơn vị sẽ giảm tải để đảm bảo ổn định hố monhs, hạn chế sạt trượt lan rộng thêm, bảo vệ cho các công trình lân cận. Từ đó có thể quay lại thi công, đảm bảo tiến độ dự án. Ở giai đoạn 2, có hướng thiết kế lại, xử lý ổn định lâu dài khu vực sạt trượt trên cơ sở các kết quả khảo sát bổ sung, sau khi hoàn thành xử lý giai đoạn 1.

Vị trí sạt trượt cách chân tượng đài Bác Hồ 153 m, hơn nữa tượng đài nằm trên 1 núi đá, do vậy, về cơ bản không chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, vị trí này đến chân đập công trình thủy điện là 350 m nên cũng không ảnh hưởng. Trong khoảng 10 ngày, đơn vị sẽ thực hiện giảm tải xong, sau đó phải báo cáo, tùy thuộc cơ quan Bộ Công Thương, các cấp quản lý nhà nước cho phép quay trở lại thi công.

Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng gặp sự cố do mưa lớn kéo dài 

Trước đó, trong các ngày 17/10, 20/10 và 6/11, tại công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng có hiện tượng sạt lở trong hố móng nhà máy. Sau khi xảy ra sự việc, Ban Quản lý dự án điện 1 đã tổ chức họp với các bên liên quan tại công trường để triển khai các biện pháp hạn chế ảnh hưởng do sạt lở, đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công và các hạng mục công trình lân cận.

Do có sự kiểm soát trước nên khối trượt đã không gây thiệt hại đến người, thiết bị thi công. Đồng thời, Ban Quản lý dự án điện 1 đã có văn bản số 1809/EVNPMB1-BDHHB báo cáo UBND tỉnh Hòa Bình và các cơ quan liên quan.

Ban Quản lý dự án điện 1 cũng đã yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp, để đảm bảo an toàn cho người và thiết bị thi công, như: tạm dừng thi công và cắm biển cảnh báo các khu vực mất an toàn, bố trí lực lượng cảnh giới 24/24h. Đồng thời, yêu cầu tư vấn giám sát phối hợp với nhà thầu quan trắc liên tục khu vực nguy cơ sạt; đơn vị tư vấn có mặt tại hiện trường đề xuất phương án xử lý ngay tại hiện trường; thông báo với Công ty Điện lực Hòa Bình liên quan đến đảm bảo an toàn của hệ thống cấp  điện và theo dõi và quan trắc diễn biến của vết nứt.

Nguyên nhân được xác định do ảnh hưởng của hai cơn bão số 7 và số 8 (tháng 10/2021) kết hợp gió mùa gây ra mưa kéo dài nhiều ngày. Cụ thể, từ ngày 11/10/2021 đến ngày 19/10/2021, mưa liên tục cả ngày và đêm. Tổng lượng mưa tại khu vực đồi Ông Tượng từ ngày 10/10/2021 đến ngày 20/10/2021 là 426mm. Mưa kéo dài kèm theo địa hình giữa hai khe tụ thủy làm đất bão hòa nước trong thời gian dài, làm xảy ra sạt trượt với cung trượt lớn. Liên tục từ ngày 29/10/2021 đến ngày 5/11/2021, công trường đã quan trắc và phát hiện khối sạt liên tục di chuyển về phía hố móng nhà máy (dịch chuyển trên 10 cm/ngày, trước khi sạt hoàn toàn đã dịch chuyển từ 20 - 30 cm/ngày).

Ngày 30/10/2021, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Văn Thành làm trưởng đoàn cùng với các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh Hòa Bình đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế tại hiện trường và làm việc với các đơn vị liên quan. Ngày 5/11/2021, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 302/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra và làm việc về sạt lở khu vực thi công hố móng công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

hó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành (thứ 2 phải sang) trực tiếp thị sát, kiểm tra thực địa Công trình NMTĐ Hòa Bình mở rộng ngày 30/10.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chuyên môn Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hòa Bình cùng với EVN, tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công họp bàn các giải pháp, thống nhất chỉ đạo EVN và các bên liên quan xử lý khối sạt trượt đảm bảo an toàn cho các hạng mục và công trình xung quanh.

Ngày 7/11/2021, tư vấn thiết kế đã hoàn thiện hồ sơ thiết kế xử lý đào giảm tải đợt 1, giai đoạn 1. Để đảm bảo ổn định hố móng nhà máy công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, EVN đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương số 6852/BC-EVN ngày 8/11/2021 về phương án xử lý theo hồ sơ thiết kế trên và sẽ thực hiện ngay sau khi được chấp thuận.

Hiện tượng sạt trượt trong quá trình thi công các công trình thủy lợi, thủy điện, giao thông trong điều kiện địa chất, địa hình phức tạp, kèm theo ảnh hưởng thiên tai, mưa lũ lớn kéo dài đã xảy ra ở nhiều nơi, trên thực tế EVN đã xử lý khắc phục tốt hiện tượng này ở nhiều công trình thủy điện.

EVN khẳng đinh: “Việc xảy ra sạt trượt tại hố móng nhà máy - công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng không có ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu lân cận như đập chính thủy điện Hòa Bình và Tượng đài Bác Hồ”.

PV