Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ

Trong nước - Ngày đăng : 15:30, 12/11/2021

(TN&MT) - Sáng 12/11, theo chương trình Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, sau khi kết thúc phần chất vấn đối với các Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Muốn giành thắng lợi phải có vai trò của nhân dân

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) nêu lại thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra vào đầu nhiệm kỳ là: Xây dựng Chính phủ khóa XV đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. “Cử tri, nhân dân kỳ vọng vào Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, đại biểu nói và đề nghị Thủ tướng cho biết về định hướng, giải pháp triển khai thực hiện thành công mục tiêu này?

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thông điệp này có sự kế thừa từ các nhiệm kỳ trước. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Muốn giành thắng lợi phải có vai trò của nhân dân

Trước hết là phải đổi mới. Đổi mới cả về tư duy, hành động và tổ chức thực hiện. Muốn đổi mới thì phải có khuôn khổ pháp lý; đổi mới trong hoàn thiện cơ chế chính sách. 

Thứ hai là liêm chính. Chính phủ quyết định nhiều việc liên quan đến nguồn lực vật chất, bao gồm cả cơ sở vật chất, cả tài chính và các vấn đề khác. Chúng tôi thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng liêm chính. Muốn tăng cường liêm chính thì phải tăng cường thể chế, chính sách, tăng cường kiểm tra, giám sát, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm. 

Về tăng cường kỷ cương, theo Thủ tướng, là xây dựng các quy định, quy chế để kiểm soát thực hiện nhiệm vụ được giao. 

Đối với nội dung “vì nhân dân phục vụ”, Thủ tướng cho rằng, thực tế vừa qua chứng minh là không có việc gì mà nhân dân không tham gia, muốn giành thắng lợi, phải có vai trò của nhân dân. Trong công tác chống dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.

Các chính sách của Đảng, Nhà nước phải được thực hiện công bằng

Đại biểu Nguyễn Trường Giang đoàn Đắk Nông hỏi về quan điểm của Thủ tướng về một số bất cập tại một số nơi trong thực hiện Quyết định 244 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời: Đây là vấn đề đã được đề cập, thảo luận trong những ngày qua. Nguyên tắc, quan điểm là các chính sách của Đảng, Nhà nước phải được thực hiện công bằng. 

Về cụ thể, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện ở các nơi cụ thể như đại biểu nêu, nếu chưa thực sự công bằng thì điều chỉnh, thuộc thẩm quyền của Chính phủ sẽ làm ngay. 

Đồng thời, rà soát, xem xét lại các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện, sửa đổi, bổ sung các quy định để bảo đảm thống nhất. Nguyên tắc chung là phải giải quyết cho công bằng, chưa công bằng phải điều chỉnh.

Thủ tướng: Các chính sách của Đảng, Nhà nước phải được thực hiện công bằng.

Nên giao việc quản lý khu công nghệ cao cho địa phương, Bộ tập trung vào quản lý Nhà nước

Đại biểu Khuất Việt Dũng, đoàn Hà Nội chuyển kiến nghị cụ thể của cử tri về dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc và dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. Đây là hai dự án quan trọng. Tuy nhiên, sau 2 thập kỷ, kết quả thực hiện chưa được như kỳ vọng với những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, bố trí vốn, cơ chế chính sách… Đại biểu đặt câu hỏi với Thủ tướng về chủ trương, giải pháp thúc đẩy hai dự án này về đích như kỳ vọng.  

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng bày tỏ, đây là một trong những việc khiến ông trăn trở khi nhận nhiệm vụ. Ttrước đây việc giao khu công nghệ cao Hòa Lạc cho Bộ Khoa học và Công nghệ là đúng vì khi đó, chúng ta chưa có kinh nghiệm, nguồn lực và thể chế. 

Tuy nhiên, tới nay, từ kinh nghiệm phát triển khu công nghệ cao TP.HCM và kinh nghiệm các nước, có lẽ nên suy nghĩ việc này theo hướng giao cho TP. Hà Nội, điều này có thể khả thi và sẽ giải quyết được một số vướng mắc hiện nay. 

Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước, “phải 10, 20 khu công nghệ cao chứ không phải chỉ tập trung cho một khu công nghệ cao Hòa Lạc”.

Về dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội, cần tập trung nguồn lực cho giải phóng mặt bằng, hiện nguồn lực đang dàn trải. Hiện, các cơ quan liên quan đang bố trí vốn, đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện cơ chế hợp tác công tư trong nhiệm vụ này.

Xây dựng chiến lược tổng thể về phòng chống COVID-19

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng khi dịch bệnh bùng phát lần thứ 4,  bám sát tình hình, Thủ tướng đã có những quyết sách, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần đặt tính mạng và sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết, những khó khăn trong phòng chống dịch và những giải pháp thời gian tới?

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu

Thủ tướng cho biết, có những khó khăn, thách thức cả chủ quan và khách quan trong phòng chống dịch. Dịch bệnh chưa có tiền lệ, trong khi hành lang pháp lý, thể chế, cụ thể là Luật Dược, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Khám chữa bệnh còn có những vướng mắc, bất cập. Ngoài ra, còn có những khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn lực. 

Về giải pháp, sẽ khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19, với một số định hướng lớn về hoàn thiện thể chế, về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, về đầu tư, công nghệ, quản lý để khắc phục các khó khăn. Phải làm rõ điểm khác biệt, lợi thế,… trong xây dựng cơ chế đặc thù phát triển vùng

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp nêu rõ: Cử tri ĐBSCL rất trân trọng cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng đã tổ chức thực hiện Nghị quyết 120 đi vào thực tế rất tốt trên một số lĩnh vực, nhưng kết quả vẫn chưa được kỳ vọng. Đại biểu đề nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành hành cơ chế chính sách đặc thù phát triển vùng ĐBSCL.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết hiện đang chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thành quy hoạch vùng ĐBSCL theo quy định của Luật Quy hoạch, trên cơ sở đó, phát hiện, xác định tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, những hạn chế, yếu kém của vùng để đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả. 

Thủ tướng nhấn mạnh, về nguyên tắc là ủng hộ cơ chế đặc thù phát triển vùng nhưng phải làm sao bảo đảm hiệu quả, đúng quy định.

Con người là vốn quý nhất, nguồn lực lớn nhất

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nêu câu hỏi về vấn đề căn cơ về chiến lược vaccine, trong đó, có ngoại giao vaccine cũng như các giải pháp đột phá về phát triển KTXH trong 2 tháng cuối năm. 

Về triển khai chiến lược vaccine, Thủ tướng cho biết, nhiều nội dung đã nêu trong phần trả lời trên và nhấn mạnh, giải pháp căn cơ là vừa nhập khẩu vừa sản xuất trong nước. 

Về giải pháp trong 2 tháng cuối năm, Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, việc phải làm là xây dựng, triển khai chương trình phục hồi, phát triển KT-XH. Trên cơ sở kết luận của Trung ương, Chính phủ đang phối hợp tích cực với các cơ quan của Quốc hội để xây dựng chương trình này theo các hướng: 

Thứ nhất là nâng cao năng lực y tế. Theo Thủ tướng một nguyên nhân tăng trưởng âm trong quý III/2021 là do chúng ta phải thực hiện các biện pháp hành chính về chống dịch. Nội dung này có 2 nội hàm là nâng cao năng lực y tế dự phòng và nâng cao năng lực y tế cơ sở. 

Bên cạnh đó, cần xây dựng quỹ cho công tác phòng chống dịch và quỹ an sinh xã hội để chủ động hơn nữa trong sử dụng nguồn lực. 

Thứ hai, cần tập trung cho con người. Đây là vốn quý nhất. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu rõ về phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh, nguồn lực con người là nguồn lực lớn nhất. Trong quá trình phát triển, lấy nội lực là cơ bản, lâu dài, quyết định, chiến lược; ngoại lực là đột phá. 

Nội dung thứ 3 trong chương trình tổng thể phục hồi kinh tế là hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, cần phối hợp hài hòa, hợp lý giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, vừa tạo điều kiện cho tăng trưởng. Đây là bài toán khó. 

Thứ tư là đầu tư hạ tầng. Thực hiện chương trình này, Thủ tướng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gói hỗ trợ “phi tài chính”, là các cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần

Đại biểu Hoàng Văn Liên, đoàn Long An đặt câu hỏi: Cử tri đánh giá cao kết quả chuyến công tác của Thủ tướng tham dự Hội nghị COP26 và thăm làm việc tại Vương quốc Anh, thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Đặc biệt, các thông điệp của Thủ tướng đã thể hiện rõ quan điểm, lập trường Việt Nam về vấn đề toàn cầu biến đổi khí hậu, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam. Đồng thời, Thủ tướng có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn, nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan tâm và sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam, nhất là vào khu vực ĐBSCL. Xin Thủ tướng cho biết, các giải pháp đột phá thu hút đầu tư nước ngoài trong và sau đại dịch?

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng nhấn mạnh: Nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Đầu tư nước ngoài góp phần giải quyết các vấn đề về vốn, công nghệ, năng lực quản lý và đào tạo nguồn nhân lực. 

Về các giải pháp đột phá, các Bộ trưởng, nhất là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao đổi nhiều về thể chế, hạ tầng… Thủ tướng cho biết, có hai điểm rất quan trọng mà trong các phiên làm việc vừa qua với các nước, các tập đoàn, doanh nghiệp họ đều rất quan tâm. 

Thứ nhất là ổn định chính trị để họ an tâm đầu tư lâu dài một nguồn vốn rất lớn, như Ngân hàng Standard Chartered sẵn sàng dành 8 tỷ USD đầu tư cho chúng ta phát triển bền vững, trong đó sẵn sàng đầu tư vào ĐBSCL. 

Thứ hai là con người Việt Nam, ngoài truyền thống cần cù lao động, thương yêu lẫn nhau, linh hoạt sáng tạo thì chủ trương của chúng ta rất được hoan nghênh là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực và là mục tiêu của phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hạ tầng phù hợp, nhất là quy hoạch hạ tầng gắn với quy hoạch, phát triển KTXH, chủ trương đường lối chính sách của Đảng tại Đại hội XIII. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tiếp cận toàn dân, ứng phó linh hoạt, huy động sự giúp đỡ quốc tế trong phòng chống dịch

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đánh giá cao việc chuyển trạng thái chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và trạng thái bình thường mới đã được thiết lập ở một số địa phương. Đại biểu muốn biết về các bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thời gian qua.

Trả lời đại biểu về kinh nghiệm phòng chống dịch, Thủ tướng cho biết, thứ nhất là cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch, từ đó, triển khai các chính sách đều hướng đến người dân. Ngược lại, người dân cũng tham gia tích cực, chủ động vào phòng chống dịch.

Trên thực tế, vừa qua, khi dịch bệnh bùng phát ở TP.HCM, chúng ta đã triển khai phương châm lấy xã, phường làm pháo đài. Tuy nhiên, có nơi hiểu pháo đài như lô cốt. Thủ tướng cho rằng, đây là cách hiểu không đúng, pháo đài là để tổ chức công việc chứ không phải làm lô cốt, bao vây lại, gây ra ách tắc.

Trong việc tiếp cận toàn dân thì phát huy tinh thần, huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vào chống dịch.

Kinh nghiệm nữa là ứng phó linh hoạt, vì đây là trường hợp không có tiền lệ. Thủ tướng lấy ví dụ, khi năng lực y tế cơ sở yếu, chúng ta ngay lập tức điều động lực lượng quân đội, công an vào cuộc, có thời điểm thiết lập hơn 500 trạm xá tại TP.HCM.

Thủ tướng cho biết thêm, khi thực hiện các biện pháp hành chính để ngăn chặn dịch bệnh thì phải quan tâm, “đầu tư dày công” cho an sinh xã hội. Lo an sinh xã hội là yếu tố quan trọng để người dân yên tâm, tham gia phòng chống tốt dịch bệnh.

Kinh nghiệm nữa là huy động sự giúp đỡ quốc tế. Thủ tướng cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tất cả các cuộc tiếp xúc, hội nghị trực tiếp và trực tuyến đều kêu gọi hỗ trợ vaccine, vũ khí quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh.

Bên cạnh đó, thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước. Về phía quản lý Nhà nước, sẽ tiến hành thủ tục hành chính nhanh gọn mà Nghị quyết 30 cho phép, còn mặt chuyên môn do 2 hội đồng là Hội đồng đạo đức và Hội đồng cấp phép. Với vaccine, vấn đề an toàn là rất quan trọng, là do các nhà chuyên môn quyết định.

Khi có công ăn việc làm, người dân sẽ yên tâm ở lại quê hương

Nêu vấn đề về dòng người lao động từ một tỉnh, thành phố phía Nam về quê khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) đặt câu hỏi về giải pháp, chính sách của Chính phủ cũng như các địa phương, trong đó, có cơ chế liên vùng để giúp người dân an cư lạc nghiệp trên mảnh đất quê hương?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính phủ cho biết, hiện tượng dịch chuyển thị trường lao động là hiện tượng bình thường trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, điều không bình thường ở đây là sự quản lý Nhà nước còn bất cập, cho nên, khi có sự dịch chuyển lao động tại các tỉnh phía Nam thì gây áp lực cho các địa phương.

Vậy giải quyết áp lực này như thế nào? Thủ tướng nêu rõ, thứ nhất, Trung ương phối hợp với địa phương để nâng cao năng lực y tế. Thứ hai, là tăng cường năng lực cung cấp vaccine. Thứ ba, là bảo đảm an sinh xã hội. Thứ tư, là kêu gọi sự hỗ trợ của các thành phần kinh tế để giúp giảm áp lực cho các tỉnh, thành phố ĐBSCL.

Cho biết thêm về các chính sách căn cơ, Thủ tướng nêu rõ, tạo sinh kế, công ăn việc làm mang tính quyết định. Muốn vậy, phải giải quyết nút thắt về hạ tầng, bao gồm: Đường bộ, giao thông thủy nội địa; hạ tầng chống biến đổi khí hậu và hạ tầng y tế, giáo dục. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 cho vùng ĐBSCL, tuy nhiên, để Nghị quyết đi vào cuộc sống phải có các cơ chế, chính sách hiệu quả.

Thủ tướng cho biết, các Bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách để trình cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội để giúp ĐBSCL giải quyết vấn đề về 3 hạ tầng này, tạo sinh kế, công văn việc làm cho người dân.

“Khi có công ăn việc làm thì người dân sẽ yên tâm ở lại quê hương”, Thủ tướng nói.

Gắn quy hoạch hạ tầng với quy hoạch phát triển KT-XH

Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đặt câu hỏi: Việc đẩy mạnh kết cấu hạ tầng là kỳ vọng và mong muốn của cử tri. Xin Thủ tướng cho biết giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng thời gian tới?

Trả lời đại biểu, Thủ tướng cho biết: Phát triển hạ tầng là vấn đề mà trong những ngày vừa qua, trong thảo luận và chất vấn, có rất nhiều đại biểu đề cập. Hạ tầng bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng phát triển KT-XH như y tế, giáo dục, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu…

Về giải pháp phát triển hạ tầng, trước hết phải tổng kết, rà soát lại việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, cái gì đã làm được, cái gì chưa làm được, nguyên nhân khách quan, chủ quan ở đâu, trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hạ tầng phù hợp, nhất là quy hoạch hạ tầng gắn với quy hoạch, phát triển KT-XH, chủ trương đường lối chính sách của Đảng tại Đại hội XIII.

Thứ nhất, phải rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định, quy trình liên quan phát triển hạ tầng, những điểm còn vướng mắc cần bổ sung hoàn thiện để có hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ điều kiện để chúng ta phát triển hạ tầng. Nội dung nào thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương thì chính quyền địa phương phải lo, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ phải lo, nội dung nào vượt thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền, đề xuất Quốc hội xem xét, quyết định, ban hành, từng bước hoàn thiện thể chế phát triển hạ tầng. 

Thứ hai, phân tích thực trạng đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra, có các nguyên nhân như các đại biểu đã phân tích trong những ngày vừa qua, có nguyên nhân từ Trung ương và từ địa phương. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là từ nguồn nhân lực, do đó, phải tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực trong phát triển hạ tầng. 

Thứ ba, là vấn đề huy động nguồn vốn để phát triển hạ tầng gồm cả vốn nhà nước và tư nhân, trong đó nguồn vồn nhà nước làm vốn mồi, kích hoạt, dẫn dắt mọi nguồn vốn. 

Thứ tư, phải có công nghệ phát triển hạ tầng đáp ứng yêu cầu, nâng cao chất lượng, giảm giá thành… 

Thứ năm, về quản trị trong phát triển hạ tầng phải bảo đảm  quản trị để không lãng phí, chống tiêu cực, công khai minh bạch trong phát triển hạ tầng. 

Cùng với đó, còn có các giải pháp khác phối hợp với nhau để phát triển hạ tầng.

Xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, tránh tiêu cực, trục lợi

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Quảng Ninh đặt câu hỏi về các chính sách hỗ trợ thời gian tới với người dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường?

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng nêu rõ: Vừa qua, chúng ta thực hiện các chính sách hỗ trợ rất tích cực, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 30, tạo hành lang pháp lý rất quan trọng để Chính phủ và các cơ quan đề xuất cấp có thẩm quyền và chủ động triển khai các chính sách. 

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ còn nhiều bất cập như các đại biểu đã đề cập và các Bộ trưởng đã trả lời trong những ngày vừa qua, tôi không nhắc lại nữa.

Về thời gian sắp tới, trước hết phải rà soát, đánh giá lại những việc đã triển khai, cái gì chưa được, những việc đã làm được, phân tích các nguyên nhân, trên cơ sở đó, rà soát lại các đối tượng, phạm vi, mức độ hỗ trợ, định ra chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, tránh tiêu cực, lợi dụng chính sách, bỏ sót đối tượng, hoặc các vấn đề bất cập như đã chỉ ra.

Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm hơn, hiểu rõ hơn về dịch bệnh để tự tin chuyển trạng thái

Đại biểu Ma Thị Thúy, đoàn Tuyên Quang cho rằng, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát nhưng chúng ta còn đối mặt nhiều khó khăn, chúng ta đã chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đây là cách làm đúng, bước đầu chứng tỏ hiệu quả và phù hợp thông lệ quốc tế. Đại biểu đặt câu hỏi về chương trình hành động ứng phó dịch bệnh trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết: Dịch bệnh COVID-19 không những ảnh hưởng tới nước ta mà còn ảnh hưởng tới toàn thế giới. Sau gần 2 năm phòng chống dịch, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm hơn, hiểu rõ hơn về dịch bệnh để dần dần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. 

Chúng ta chưa tiến hành tổng kết đầy đủ, toàn diện, nhưng đã rút ra được một số kinh nghiệm, đưa ra được các trụ cột phòng chống dịch về cách ly, xét nghiệm, điều trị. 

Cụ thể, thứ nhất, cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, chặt nhất, thực hiện các biện pháp y tế, an sinh xã hội kịp thời, hiệu quả để giải tỏa nhanh nhất có thể;

Thứ hai, xét nghiệm thần tốc, khoa học, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh; 

Thứ ba, điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở để người bệnh không chuyển nặng, giảm tử vong. 

Cùng với đó, chúng ta đã đúc rút phương châm là 5K + Vaccine, Thuốc đặc hiệu + Các biện pháp điều trị + Công nghệ + Đề cao ý thức người dân + Biện pháp khác như kết hợp y học cổ truyền và hiện đại... Chúng ta đã hình thành tạm gọi là “lý thuyết chống dịch”, trên cơ sở đó, mạnh dạn, tự tin để chuyển trạng thái. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tình hình KTXH tháng 10 chuyển biến tích cực và có nhiều điểm khởi sắc hơn so với tháng trước. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cũng nêu rõ: “Dịch bệnh làm bộc lô yếu kém là hệ thống y tế dự phòng và cơ sở, cần củng cố bằng các biện pháp khác nhau. Nhưng quan trọng nhất, theo tôi là phải đầu tư cho nguồn nhân lực, dành tiền mua trang thiết bị có thể nhanh, sớm, nhưng đào tạo ngành Y phải nhiều năm. Tôi lo nhất là đào tạo nguồn nhân lực, do đó, phải tập trung cho đào tạọ nguồn nhân lực, có chính sách thu hút nguồn nhân lực này tới cơ sở”.

Khương Trung (lược ghi)