Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Các vấn đề chất vấn sẽ giúp ngành GD-ĐT thấy rõ những việc cần làm để tốt hơn

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:26, 11/11/2021

(TN&MT) - Sáng 11/11, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 2, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ đối với nhóm vấn đề giáo dục, đào tạo.

Toàn cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 11/11

Theo chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ về các vấn đề: Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội; Kế hoạch và Đầu tư; Giáo dục và Đào tạo.

Ngành giáo dục sẽ bắt đầu một chặng đường mới

Phần lớn thời lượng Phiên chất sáng ngày 11/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến Nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo: Việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19. Công tác dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền. Việc giảm tải chương trình học cho học sinh. Việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học. Phương án tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh.

Đối với Nhóm vấn đề này, trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Phát biểu trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong gần 2 năm qua đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn và tàn phá tất cả các lĩnh vực của đời sống. Trong đó, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề, kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi.

Có tới 20 triệu học sinh, sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn đã ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực; việc học tập trực tuyến, học qua truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực: học sinh căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng,…

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ “ngừng tới lớp, không ngừng học tập”, toàn ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động chuyển trạng thái trong dạy học, cố gắng hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng trong giáo dục.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và đào tạo đã động viên toàn thể nhân viên, nhà giáo và các cán bộ quản lý toàn ngành khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm đối với nghề nghiệp, với học sinh.

Theo Bộ trưởng, dịch bệnh đang dần được kiểm soát, cuộc sống bình thường mới đang dần được xác lập, kinh tế và các hoạt động xã hội sẽ dần được phục hồi nhưng ngành giáo dục lại bắt đầu một chặng đường mới với khó khăn, thách thức vẫn còn nguyên thậm chí còn lớn hơn nữa đang chờ phía trước. Hiện nay ngành giáo dục đã triển khai đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh, bước đầu có những con số, chỉ số về tác động tiêu cực, có những tác động đã nhìn thấy nhưng vẫn có những vấn đề ảnh hưởng lâu dài chưa đo, đếm được đặc biệt là những chỗ hổng về kiến thức, tác động về tâm lý, tinh thần,.. của học sinh.

 

Rà soát lại quy định về thi đại học

Trả lời chất vấn của đại biểu Trương Ngọc Ánh (Cần Thơ) về việc dạy và học trực tuyến theo chương trình trực tiếp, gây áp lực cho cô và trò? Kế hoạch điều chỉnh chương trình dạy và học theo từng bậc học để học sinh khi trở lại trường không bị lệch, hổng kiến thức? Bộ trưởng khẳng định, việc dạy học trực tuyến vẫn sử dụng chương trình dạy học trực tiếp. Bộ cũng đã ban hành văn bản để xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giản. Thực tế các năm 2019, 2020 trước tình hình dịch bệnh Bộ đã hai lần tinh giản chương trình phù hợp với tình hình mới; năm 2021 - 2022 này tiếp tục rà soát, để xác định yêu cầu, nội dung cốt lõi chứ không phải mỗi năm rút một ít. Theo đó, các trường bám sát vào chương trình cốt lõi, khi có thời gian sẽ bổ sung thêm kiến thức, nên dạy học sẽ bám sát chương trình cốt lõi.

Đối với câu hỏi thời gian qua có nhiều học sinh điểm cao vẫn trượt đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, có nhiều nguyên nhân. Hiện các trường đặt ra quá nhiều cách xét tuyển, chỉ tiêu ít nên ảnh hưởng xét trúng tuyển. Tới đây, chúng tôi sẽ rà soát và không để các trường đưa ra quá nhiều phương án, gây phức tạp và rủi ro cho người đăng ký.

Đối với chất vấn về việc hiện nay nhiều trường đạo tạo đa ngành đang có xu hướng mở mã ngành đào tạo sức khỏe, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc mở mã ngành phụ thuộc vào quyền các đơn vị. Song riêng hai nhóm về sức khỏe, sư phạm thì bộ thẩm định, quy định với yêu cầu, tiêu chuẩn, tiêu chí nghiêm ngặt. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định sẽ rà soát lại.

Sẽ có giải pháp gắn học trực tiếp và trực tuyến

 Đối với việc học sinh lớp 1 học trực tuyến, Bộ trưởng Sơn khẳng định lớp 1 và lớp 2 có thể học trên truyền hình. Với trường có đủ điều kiện có đủ giáo viên mới học trực tuyến. Thời gian qua, Bộ đã phối hợp Đài truyền hình Việt Nam sản xuất 166 bài giảng, đáp ứng yêu cầu học tập của lớp 1 và lớp 2. Theo thống kê có hàng triệu học sinh vào học.

Đánh giá việc dạy học trực tuyến nói chung, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, chưa có điều tra, khảo sát đầy đủ, song học trực tuyến có thách thức và ảnh hưởng chất lượng. Tuy nhiên, Bộ đã có văn bản hướng dẫn để bổ sung, hướng dẫn kiến thức còn yếu khi các cháu quay trở lại trường. 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng  nhận  định việc trang bị kỹ năng cho học sinh còn hạn chế. Dù chúng ta quan tâm chuyển đổi số quốc gia, thiết bị dạy học nhưng vẫn còn hơn 1,8 triệu học sinh thiếu thiết bị học tập. Khi học sinh quay trở lại trường Bộ sẽ có giải pháp củng cố kiến thức, thực hiện đánh giá, phân loại học sinh để tùy theo khả năng của từng em, có phương pháp phù hợp, nên cần giải pháp tổng thể về chuyên môn, tăng cường trang thiết bị, tư vấn tâm lý…

"Khi dịch bệnh còn kéo dài, để tăng cường chất lượng dạy và học cần giải pháp tổng thể. Hiện nay, trong các giải pháp, khó có giải pháp nào đáp ứng tất cả các yêu cầu, Bộ đã lựa chọn giải pháp tối ưu hơn cả" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng khẳng định, các vấn đề chất vấn hôm nay sẽ giúp ngành giáo dục và đào tạo thấy rõ hơn những việc cần làm để ngành làm tốt hơn nhiệm vụ vinh quang được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Khương Trung