Đừng làm biến tướng chữ “danh” chân chính
Xã hội - Ngày đăng : 14:53, 11/11/2021
Có người háo danh đến mức bất chấp luân thường đạo lý, quên cả tình bằng hữu, chà đạp lên tình đồng chí, đồng nghiệp, sẵn sàng biến “đối tác” thành “đối thủ”, hạ bệ người khác để đạt được tham vọng cá nhân.
Cũng do quá mải mê chạy theo danh vọng đã khiến một số người bị cái “danh” quyến rũ, mê hoặc đến mức mụ mị. Có người tài hèn đức mọn nhưng vì sĩ diện, vì muốn “lòe mắt” thiên hạ, họ cố kiếm cho được cái học vị, học hàm này hay cái giải thưởng nọ, danh hiệu kia. Dù không đi bằng đôi chân của mình nhưng một khi gắn những cái “mác” đó lên người, họ luôn tỏ ra “tự tin, tự hào” với người khác.
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, thảo luận về Luật thi đua, khen thưởng sửa đổi, có ĐBQH cho rằng Dự luật phải kích hoạt cơ chế phòng vệ trước thói háo danh |
Suy cho cùng, cái danh không có lỗi. Cái lỗi là người ta đã lạm dụng, hiểu sai về nó. Một khi suy nghĩ không thấu, hành xử không đúng về danh, tự thân cái danh sẽ mất giá trị. Háo danh à? Có thể bằng mọi giá để đoạt được danh đấy, nhưng cái danh ấy không bền vững. Chạy theo hư danh ư? Cũng có thể tìm kiếm được vài ba lợi lộc nào đó cho cá nhân, nhưng cái lợi ấy chỉ nhất thời, bồng bềnh như nước chảy bèo trôi.
Cách đây mấy ngàn năm, nhà hiền triết cổ đại Khổng Tử từng nói: “Danh chính, ngôn thuận, sự tất thành” và “Danh bất chính, ngôn bất thuận, sự bất thành”. Tạm hiểu điều đó là: “Việc đúng, nói nghe xuôi tai, việc chắc chắn sẽ chôi chảy” và “Việc không đúng, nói nghe không vào tai, việc sẽ không tới đâu”. Đã là bậc quân tử thì phải có “chính danh”. Chính danh, hiểu theo nghĩa tích cực nhất, là biết khả năng, chức phận, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình để làm đúng những chuẩn mực đạo đức cộng đồng và luân lý xã hội. Khả năng, năng lực mình đến đâu thì cố gắng tận dụng, khai thác, phát huy để phục vụ xã hội tới đó. Thế nên, sống ở trên đời, để xứng đáng với tư cách “Người”, đừng bao giờ xem nhẹ, coi thường chữ “chính danh”. Cũng đừng vì danh lợi thuần túy mà biến mình thành một con thiêu thân trong đối nhân xử thế và trên con đường tiến thân.
|
Ai cũng tưởng người đời hơn nhau ở chữ “danh”. Thực ra không phải vậy. Khả năng, mức độ tiếp cận, nhận diện, suy nghĩ về chữ “danh” thế nào cho thấu và hành xử đối với chữ “danh” cho đúng với bản chất và phù hợp với logic nội tại của nó, đó mới là thước đo về sự minh triết, đức độ của con người. Đấy là quan niệm đúng mực, thể hiện một cái nhìn văn hóa sâu sắc đối với chữ “danh”. Ngược lại, nếu lóa mắt, ù tai tìm mọi cách sở hữu, chiếm đoạt nó thì lại là một cái nhìn lệch chuẩn, nếu không muốn nói là thể hiện thái độ phi văn hóa đối với chữ “danh”.
Làm sao để hai chữ “chính danh” trở về với ý nghĩa, giá trị đích thực của nó đòi hỏi mỗi con người, nhất là cán bộ, đảng viên phải giữ gìn lòng tự trọng, biết tự thanh lọc tâm hồn và gột rửa tâm lý háo danh, kèn cựa địa vị; đồng thời nỗ lực phấn đấu, cống hiến bằng chân tài thực đức của mình. Suy nghĩ và hành động như vậy không chỉ vì sự tiến bộ chân chính của bản thân, mà còn góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội.