Thị trường bất động sản vùng ven có dấu hiệu khởi sắc
Bất động sản - Ngày đăng : 11:51, 11/11/2021
Hạ tầng phát triển
Thông tin từ Sở GTVT tỉnh Long An cho biết, tỉnh Long An đang chuẩn bị đầu tư một số dự án giao thông nối liền với TP.HCM và các tỉnh lân cận với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng, được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, Dự án kết nối từ đầu mối Cần Giuộc là trục động lực kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang (ĐT827E) và trục kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh với nhau và Cảng quốc tế Long An.
Hiện nay, 3 địa phương đã xác định xong hướng tuyến và đang hoàn tất các thủ tục đầu tư. Trong đó, tuyến đường TP.HCM - Long An - Tiền Giang được kết nối từ ngã ba Trung Lương, Tiền Giang đến đường Phạm Hùng, TP.HCM với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 55km cùng 3 cây cầu. Trong đó, đoạn qua TP.HCM dài 5,8km, qua tỉnh Long An khoảng 34,5km và Tiền Giang là 14,2km. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn tuyến khoảng 20.000 tỷ đồng từ nguồn kinh phí huy động của mỗi địa phương.
Giao thông liên vùng phát triển giúp thị trường BĐS các tỉnh giáp ranh với TP.HCM thu hút nhà đầu tư (Ảnh minh họa) |
Theo chuyên gia kinh tế Lê Chí Nhân, hạ tầng giao thông phát triển kéo theo thị trường BĐS tại địa phương sẽ sôi động. Chẳng hạn, vành đai 3, vành đai 4, cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến Metro số 4… đi vào hoạt động trong thời gian tới sẽ mở ra yếu tố liên vùng và đất đai khu vực vùng ven, các tỉnh giáp ranh với TP.HCM cũng sẽ tạo nên sức hút, bởi giá đất ở các địa phương này hiện đang ở mức thấp so với TP.HCM, song các địa phương này lại được hưởng hạ tầng giao thông thuận lợi.
Hiện nay, quỹ đất tại TP.HCM không còn nhiều, pháp lý để xây dựng dự án thường kéo dài, giá bán BĐS cũng quá cao. Sau khi dịch Covid-19 xảy ra, giới đầu tư có xu hướng thay đổi trong hình thức đầu tư kinh doanh, họ cho rằng, đi “săn” mua BĐS ở các tỉnh vùng ven, giáp ranh với TP.HCM dễ sinh lời hơn.
Sôi động trở lại
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho rằng, từ đầu tháng 10/2021 đến nay, việc giãn cách xã hội đã từng bước được nới lỏng, các hoạt động kinh tế - xã hội cũng dần trở về trạng thái bình thường mới. Thị trường BĐS luôn nhanh nhạy phản ứng trước những thông tin chỉ đạo tích cực của chính quyền địa phương về mọi khía cạnh đời sống nên cũng hồi phục nhanh chóng.
“Về thị trường BĐS quý IV/2021, nguồn cung mới và sức mua sẽ tích cực hơn quý III, không chỉ ở TP.HCM mà cả các địa phương lân cận khác. Đất nền tại các tỉnh giáp ranh vẫn là dòng sản phẩm được ưu tiên hàng đầu. Thị trường BĐS tuy không sôi động như giai đoạn đầu năm 2021, nhưng sẽ có lượng giao dịch đáng kể, đặc biệt tại các địa phương có các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm” - ông Hoàng phân tích.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), sau thời gian giãn cách xã hội, thị trường BĐS khu vực phía Nam đang dần sôi động trở lại. Song, từ nay đến hết năm 2021, thị trường BĐS sẽ không có chuyển biến đột phá. Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, thanh khoản BĐS sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế, nhưng nhu cầu nhà ở vẫn cao. Ngoài ra, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, dòng vốn từ nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng... nên sẽ có xu hướng “rót” về BĐS. Vì đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn.
“Hiện tại, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát đã tác động tích cực tới thị trường BĐS tại khu vực phía Nam nói chung, thị trường BĐS tại các tỉnh vùng ven, giáp ranh với TP.HCM nói riêng. Trong tương lai không xa, giá đất khu vực này sẽ tăng mạnh khi toàn bộ hạ tầng đô thị và giao thông được hoàn thiện và đưa vào vận hành”.
Ông Lê Hoàng Châu
Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA)