Luật Dầu khí cần mang đặc thù Dầu khí

Kinh tế - Ngày đăng : 11:50, 11/11/2021

(TN&MT) - “Đặc thù lớn nhất của dầu khí là rủi ro. Từ rủi ro thì cần thiết cơ chế chính sách phù hợp” - đó là nhận định của ông Lê Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petrovietnam) tại Tọa đàm trực tuyến “Luật Dầu khí cần mang đặc thù Dầu khí”, do Báo Lao Động và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vừa phối hợp tổ chức.

Thúc đẩy đầu tư khai thác dầu khí

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, để nâng cao hiệu quả thăm dò và khai thác dầu khí rất cần phải có tầm nhìn dài hạn và bài toán tổng thể giải quyết các rủi ro hiện hữu.

Chia sẻ về hiện trạng thăm dò và khai thác dầu khí, ông Nguyễn Quốc Thập - Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết: Cả nước đã phát hiện được khoảng 1,5 tỷ tấn dầu biển, trong đó, dầu chiếm xấp xỉ 50% và khí là trên 50%. Đến nay, chúng ta đã khai thác được khoảng 48 - 50% trữ lượng đã phát hiện.

Cách đây nhiều năm, Việt Nam đã dự báo được bức tranh trữ lượng đang giảm dần và ứng phó bằng cách đưa ra các công trình mới, mỏ dầu mới vào khai thác trữ lượng còn lại ở mỏ cận biên và nằm ở khu phức tạp. Theo ông Nguyễn Quốc Thập, ở góc độ lạc quan, đến năm 2022, sản lượng giảm xuống vẫn ở mức phù hợp. Tuy nhiên, “sản lượng sẽ tiếp tục giảm trong năm 2023 hoặc 2024 nếu như chúng ta không có những giải pháp cho vấn đề này” - ông Thập khẳng định.

Trong khi đó, về khí, Việt Nam đã phát hiện, xác định trữ lượng nhưng chậm đưa các dự án khí vào thực hiện. Có rất nhiều nguyên nhân mà một trong những nguyên nhân đó là nền kinh tế của chúng ta chưa đủ hấp thụ tận dụng. Khi triển khai dự án, xung quanh đó là rất nhiều vấn đề liên quan tới công nghệ, bao tiêu. Câu hỏi đặt ra là với tiềm lực của chúng ta hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực và điều kiện bao tiêu được hay không? Bên cạnh đó, ngoại tệ khi mua ở nước ngoài và nội tệ khi bán trong nước cũng là một vấn đề đáng lưu tâm trong việc chuyển đổi và bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ.

 

Ông Trần Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi Luật Dầu khí sửa đổi song song với xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật, dự kiến cuối tháng 11 sẽ trình Bộ Tư pháp.

Dầu khí là ngành đặc thù, công nghệ nguồn của các ngành nghề khác. Quy hoạch của ngành Dầu khí là để phát triển các ngành điện, công nghiệp phụ trợ, chế tạo… Vì đặc thù hoạt động trên biển và tính chất dầu khí, chúng ta đã thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi Luật Dầu khí sửa đổi, bổ sung năm 2008 được ban hành, giai đoạn từ năm 2009 - 2015 đã có 40 hợp đồng dầu khí được ký mới. Giai đoạn 2015 đến nay, do ảnh hưởng của giá dầu nên chỉ được 30 hợp đồng.

Trong ngành Dầu khí, quá trình triển khai hợp đồng dầu khí giai đoạn tìm kiếm thăm dò tối thiểu phải mất 5 đến 10 năm. Có những hợp đồng phải 15 năm mới đưa được vào khai thác. Tuy nhiên, có quá nhiều đặc thù và quá nhiều rủi ro. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng đầy đủ, công khai, minh bạch sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là có được quy trình nhanh nhất để đưa mỏ vào khai thác.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đoàn Văn Thuần - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế, Viện Dầu khí Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật về cơ bản đảm bảo quyền và trách nhiệm của nước chủ nhà, nhà đầu tư, tiệm cận với thông lệ dầu khí quốc tế. Dự thảo có một bố cục đầy đủ các nội dung quy định về pháp lý của các bên tham gia trong hoạt động dầu khí (nước chủ nhà, nhà thầu, NOCs), đồng thời, mở rộng thẩm quyền của Bộ Công Thương và PVN đối với hoạt động dầu khí. Dự thảo cũng bổ sung nguyên tắc xác định các lô/mỏ khuyến khích các điều kiện ưu đãi/ đặc biệt ưu đãi và quy định về tiếp nhận mỏ, cụm mỏ từ nhà thầu, tiếp tục triển khai theo hình thức hợp đồng dầu khí mới.

Cần phải có cơ chế, chính sách ứng xử phù hợp

Ông Lê Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết:  Trên cơ sở nhận diện các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã gửi ý kiến cho Bộ Công Thương về Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi với các mục tiêu: Đề xuất các sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho hoạt động dầu khí; khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí để thu hút được nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài; đảm bảo tính logic, đồng bộ, thống nhất giữa các nội dung của Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi.

Nguyên tắc đặt ra là: Các nội dung Luật pháp về dầu khí giúp cho hoạt động dầu khí trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam nói chung và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói riêng mang đầy đủ đặc trưng, đặc thù của ngành Dầu khí theo thông lệ quốc tế.

Ông Sơn nhấn mạnh, tìm thấy tài nguyên đã khó, khi tìm được lại vướng chưa khai thác được. Điều này dẫn đến thiệt hại cho nhà đầu tư khiến nhiều nhà đầu tư không gắn bó hoặc chấm dứt hợp tác. Đặc thù lớn nhất của dầu khí là rủi ro. Vì rủi ro nên cần thiết cơ chế chính sách phù hợp. Ví dụ khi nhà đầu tư ký hợp đồng dầu khí, nhưng thời điểm đó nhà đầu tư chưa biết sẽ tìm ra dầu hay khí hoặc có tìm ra hay không… Kể cả tìm thấy rồi cũng phải có một bước tiếp theo khó xác định…

Trong thu ngân sách Nhà nước, thuế thu nhập doanh nghiệp dầu khí khá cao, ngoài ra còn kèm theo các sắc thuế khác. Ngành dầu khí mong muốn có sự ưu đãi trong áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp dầu khí trong Dự thảo Luật Dầu khí và các văn bản hướng dẫn Luật tới đây.

 

Ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh, Luật mới cần rõ ràng, dễ hiểu để một nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí chỉ cần đọc luật này là làm được.

Ông Kiên kiến nghị, về thăm dò và kết thúc từng công đoạn trong thăm dò, cần có quy trình nhanh gọn hơn để tránh hạch toán gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó là vấn đề gia hạn các hợp đồng dầu khí. Có những hợp đồng đã bị kéo dài do bất khả kháng bởi tình hình quốc tế và nhà đầu tư cần điều kiện về mặt kinh tế như cơ chế ưu đãi đầu tư. Vấn đề thuế và phần lợi nhuận để thu được trong chuỗi sản xuất dầu khí cũng cần được đặt trong bối cảnh luật mới. Như vậy, nên chăng cần cân nhắc có thêm 1 chương về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Còn theo ông Trần Văn - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nhận định, tỷ lệ đóng góp cao của ngành Dầu khí rất quan trọng cho ngân sách Nhà nước để ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, Luật sửa đổi lần này cần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách nhằm phù hợp với những thay đổi nhanh của thế giới cũng như khu vực, đặc biệt trong các lĩnh vực địa chính trị và những vấn đề khác. Điều này sẽ giúp ích cho chiến lược phát triển kinh tế biển và trữ lượng năng lượng quốc gia, đặt nền tảng quan trọng thực hiện những mục tiêu phát triển xanh.

Nghị quyết 244/NQ-TW của Bộ Chính trị năm 1975 đã chỉ rõ nhiệm vụ cho ngành Dầu khí phải nhanh chóng tìm ra và khai thác dầu khí. Trải qua nhiều năm, nhiệm vụ này vẫn là điều trăn trở đối với từng thế hệ người Dầu khí. Nhiều mỏ đã được tìm ra nhưng chưa khai thác được do chưa có cơ chế, chính sách phù hợp, chúng ta phải xem xét vấn đề vướng mắc trở ngại ở đâu để đưa vào khai thác các dự án đó. Việc tìm ra dầu khí đã khó, triển khai cũng khó sẽ gây ảnh hưởng nhiều cho nhà đầu tư, mà quan trọng nhất là nguồn thu của đất nước cũng giảm đi. Có thể thấy rõ các đặc thù của ngành Dầu khí, trong đó đặc thù lớn nhất là sự rủi ro. Nếu đặc thù rủi ro này được ứng xử như thông thường thì sẽ không còn là đặc thù của ngành Dầu khí nữa, vì vậy cần phải có cơ chế, chính sách ứng xử phù hợp, ông Sơn nhấn mạnh.

Hằng Thương