Trạm bê tông Tiến Phương (Mai Châu - Hòa Bình): Xây dựng không phép, Chủ tịch huyện cho thuê đất 30 năm

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 11:50, 11/11/2021

(TN&MT) - Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh, suốt mấy năm liền, trạm trộn bê tông tươi do Công ty TNHH Tiến Phương làm chủ đầu tư đã chiếm hành lang lưu không của Quốc lộ 6, nước thải rửa chảy ra rãnh ven đường. Tuy nhiên, vụ việc không được giải quyết mà có dấu hiệu bao che và đùn đẩy trách nhiệm.

Khuất tầm nhìn lái xe

Qua tìm hiểu phóng viên được biết, mảnh đất ngay ven Quốc lộ 6 được Chủ tịch UBND huyện Mai Châu cho thuê để sản xuất kinh doanh mà không qua đấu giá. Trạm bê tông không có đánh giá tác động môi trường, không được cấp phép xây dựng. Vậy lãnh đạo nào chống lưng để doanh nghiệp này tác oai, tác quái. Trách nhiệm của Cảnh sát Môi trường, Sở TN&MT Hòa Bình, Tổng cục Đường bộ ở đâu khi để tình trạng này kéo dài?

Bãi vật liệt xây dựng của Công ty Tiến Phương như triền đồi nhân tạo

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Trọng Biên, lái xe khách tuyến Sơn La - Hà Nội cho biết: Thời gian qua, cánh lái xe tuyến Tây Bắc này rất “hốt” khi đi qua đoạn đường Đồng Bảng - Tòng Đậu, bởi lẽ, đường đã dốc, từ ngày có trạm trộn bê tông này thường xuyên có bãi cát, đá chất cao như quả đồi ngay ven đường. Điều này khiến cho tầm nhìn của lái xe rất khó khăn. Đã vậy, nước bẩn, cát, sỏi thường xuyên văng ra đường khiến cho các xe qua lại phải thật chậm, nếu không may kẹp phải viên đá lốp xe sẽ nổ. Anh Biên cũng kiến nghị, đã đến lúc ngành giao thông vận tải cần phải vào cuộc, dẹp ngay “quả đồi” vật liệu xây dựng mọc ven đường này cho người dân đi lại đỡ khổ.

Còn ông Lò Văn H, nhà ở xóm Đồng Bảng cho biết: Hàng ngày, đoàn xe bê tông Tiến Phương chạy qua lại, nước cứ rong ra đường, toàn nước thừa bê tông, rồi cát, mạt quại ra nhưng không bao giờ thấy nhân viên của công ty này quét dọn. Bà con xóm Đồng Bảng phía trên này cũng không dám ý kiến vì sợ bị trả thù.

“Mục sở thị” tại hiện trường, phóng viên quan sát thấy: Việc Trạm trộn bê tông Tiến Phương lấn chiếm hành lang giao thông là có thật. Cả 1 “quả đồi” vật liệu xây dựng được mọc lên ngay ven rãnh thoát nước của Quốc lộ 6. Đối chiếu theo giấy tờ thuê đất thì hành lang an toàn giao thông là 15,5m. Như vậy, đã có đến mấy trăm m2 đất hành lang lưu không của Quốc lộ 6 bị vô hiệu hóa, bị doanh nghiệp này mặc sức chiếm dụng.

Đoàn xe lấn chiếm hành lang giao thông 

Qua điều tra, phóng viên có thông tin: Tuyến đường bộ này do Chi cục Quản lý đường bộ I.1 (Tổng cục Đường Bộ Việt Nam) quản lý. Vì thế, vai trò, trách nhiệm bảo vệ hành lang an toàn giao thông trên Quốc lộ 6 thuộc về đơn vị này. Song không hiểu sao, Chi cục Quản lý đường bộ I.1 vẫn để mặc doanh nghiệp Tiến Phương tự tung, tự tác. Để rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ đến số điện thoại của ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam để thông tin sự việc, tuy nhiên ông Huyện không bắt máy.

Chủ tịch huyện cho thuê 30 năm

Theo nhiều người dân địa phương cho biết: Mảnh đất ven Quốc lộ 6 vốn dĩ thuộc địa bàn xóm Đậu, xã Tòng Đậu có 800m2 trong tổng số 3.016m2 mà Công ty Tiến Phương đề xuất được quy hoạch là đất rừng phòng hộ. Vậy mà chẳng hiểu sao, chỉ sau một thời gian ngắn, mảnh đất này lại thuộc về sở hữu của ông Đặng Thanh Hòa, trú tại xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc (cách mảnh đất đến gần 50km). Tại sao với những vị trí đất đẹp như vậy, UBND huyện Mai Châu không tổ chức đấu giá?

Qua tìm hiểu, phóng viên mới hay: Ngày 2/12/2016, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, ông Hà Công Phình đã làm Tờ trình số 41/TTr-TNMT đề nghị UBND huyện Mai Châu cho ông Đặng Thanh Hòa thuê đất làm dự án. Và ngay trong ngày, ông Hà Công Thẻ - Chủ tịch UBND huyện Mai Châu đã ký Quyết định số 3055/QĐUB về việc cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Đặng Thanh Hòa. Thời gian thuê là 30 năm, mục đích xây dựng trạm bê tông tươi.

Tuy nhiên, trong Công văn phúc đáp số 301/STNMT-QLĐĐ ký ngày 5/2/2018 do ông Trần Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình ký, phúc đáp lại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình đã nêu rõ: Dự án chưa có trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, có khoảng 800m2, thuộc quy hoạch rừng phòng hộ nên chưa đủ cơ sở xem xét về nhu cầu sử dụng đất, điều kiện thuê đất làm dự án…

Khu vực trạm trộn nước rơi vãi ra, đi đâu

PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ với ông Đặng Thanh Hòa, Giám đốc Cty TNHH Tiến Phương (Tân Lạc, Hòa Bình) để tìm hiểu. Tiếp phóng viên, ông Ánh - người của Công ty Tiến Phương thừa nhận trạm trộn bê tông vẫn chưa được Sở, ngành nào cấp phép để hoạt động. Ông Ánh cũng không đưa ra được Báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Đã đến lúc các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cần phải thanh tra, làm rõ việc cho thuê mảnh đất “vàng” tại đây, cũng như xử lý nghiêm việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, cũng như việc xả thải ra môi trường trước khi quá muộn.

Bài và ảnh: Đức Hải - Thúy Hà