Di sản địa chất Việt Nam - Vươn tầm giá trị thế giới: Đánh thức di sản địa chất - dư địa du lịch bền vững
Khoáng sản - Ngày đăng : 11:49, 11/11/2021
Đó là khẳng định của ông Trương Quang Quý - Giám đốc Bảo tàng Địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) trong cuộc trò chuyện với PV Báo TN&MT.
Ông Trương Quang Quý - Giám đốc Bảo tàng Địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) |
PV: Việt Nam là một đất nước có tài nguyên di sản địa chất vô cùng đa dạng, phong phú, được thế giới công nhận. Ông có thể chia sẻ thông tin về những tài nguyên di sản địa chất này?
Ông Trương Quang Quý:
Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên nói chung và nguồn tài nguyên di sản địa chất nói riêng vô cùng phong phú. Đã có nhiều di sản thiên nhiên (chứa đựng các giá trị nổi bật về địa chất địa mạo) được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Theo đó, Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản hỗn hợp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á, và là một trong số ít 38 Di sản hỗn hợp được UNESCO công nhận. Về địa chất - địa mạo, Quần thể danh thắng Tràng An có các cảnh quan karst (bao gồm các nón karst, tháp karst, các hố sụt, các bồn địa, ngấn nước, hang ngập, sông ngầm và các hang động với các trầm tích trong đó) nổi bật trên thế giới, minh chứng cho các giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa karst trong môi trường khí hậu nhiệt đới ẩm.
Ngoài ra, 2 di sản thiên nhiên thế giới là Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vịnh Hạ Long đều có giá trị tầm cỡ quốc tế về mặt địa chất - địa mạo. Di sản Vịnh Hạ Long với địa hình đặc biệt có liên quan chặt chẽ tới lịch sử khí hậu và quá trình vận động kiến tạo của vỏ trái đất. Toàn bộ khu vực Vịnh Hạ Long là một cảnh quan karst trải qua nhiều triệu năm, với các tháp karst hình chóp, hình tháp, bị bào mòn, tạo nên cảnh đẹp nổi bật, độc đáo trên thế giới.
Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với khu hệ núi đá vôi có tuổi địa chất trên 400 triệu năm. Quá trình kiến tạo địa chất đã tạo nên hệ thống hang động và các sông ngầm rất đặc trưng với trên 300 hang động lớn nhỏ.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có 3 công viên địa chất đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO: Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng và Công viên địa chất Đắk Nông.
Chưa kể, Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh cũng đã nộp hồ sơ lên UNESCO đề nghị công nhận. Ngoài ra, 2 tỉnh Lạng Sơn và Phú Yên đang chuẩn bị để thành lập công viên địa chất làm cơ sở trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
PV: Với chức năng của mình, công tác nghiên cứu về di sản địa chất của Bảo tàng Địa chất đã cho kết quả như thế nào và những di sản đó có ý nghĩa gì, thưa ông?
Ông Trương Quang Quý:
Bảo tàng Địa chất là đơn vị đầu tiên nghiên cứu về di sản địa chất ở Việt Nam với Đề án “Nghiên cứu các Khu bảo tồn địa chất ở Việt Nam, 2001 - 2004” theo hướng bảo tồn di sản địa chất. Đề án đã thống kê được 335 biểu hiện di sản địa chất, phân bố ở 8 khu di sản địa chất: Đông Bắc Bộ, Sông Hồng, Tây Bắc Bộ, Trung Trung Bộ, Cao nguyên Nam Trung Bộ, Tây Ninh và Đông Nam Bộ, Ven biển Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ và Vịnh Thái Lan.
Trong đó, các nhà khoa học đã sắp xếp 182 biểu hiện địa chất được điều tra vào 10 kiểu di sản địa chất, gồm: Cổ sinh, Địa mạo, Cổ môi trường, Đá, Địa tầng, Khoáng vật (khoáng sản), Kinh tế, Lịch sử, Các vấn đề vũ trụ, các biểu hiện địa chất cỡ lục địa/đại dương…
Đề án đã mô tả 20 di sản địa chất được nghiên cứu, khảo sát, đáp ứng tương đối đủ các tiêu chuẩn di sản địa chất cấp quốc gia, gồm: 5 Di sản Cổ sinh, 5 Di sản Địa mạo, 4 Di sản Đá và 6 Di sản Địa tầng. Đề án đã bước đầu đề nghị xác lập 15 Khu bảo tồn địa chất.
Những kiểu di sản địa chất và các khu bảo tồn di sản địa chất đã được Bảo tàng nghiên cứu có giá trị rất lớn về mặt khoa học, thẩm mỹ, giáo dục và có thể trở thành các công viên địa chất. Thực tế cho thấy, 2 khu vực trong số 15 khu bảo tồn di sản địa chất mà Đề án “Nghiên cứu các Khu bảo tồn địa chất ở Việt Nam, 2001 - 2004” đề xuất đã được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO (gồm Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và Non nước Cao Bằng).
Miệng núi lửa ở Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với vẻ đẹp huyền bí |
PV: Thưa ông, ở góc độ Bảo tàng Địa chất cũng đồng thời là một đơn vị phát triển du lịch, Bảo tàng có kiến nghị gì để các di sản địa chất và công viên địa chất của nước ta được công nhận, phát triển và hình thành một ngành du lịch xanh, bền vững?
Ông Trương Quang Quý:
Để phát huy tốt tiềm năng du lịch địa chất, cần có những người biết dựa trên những giá trị khác biệt và nổi bật của di sản địa chất để tạo ra các sản phẩm du lịch gắn với từng địa phương mang tính đặc thù và hấp dẫn, khai thác tối đa những đặc trưng ưu việt, kết hợp với giá trị văn hóa bản sắc của từng vùng miền, góp phần đưa du lịch địa chất phát triển theo hướng đột phá, bền vững và mang lại hiệu quả cao.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch phối hợp cụ thể để bảo vệ, bảo tồn, quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý các di sản địa chất cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, bởi theo thời gian, chúng sẽ đứng trước các nguy cơ bị hủy hoại bởi tác động của các điều kiện tự nhiên và con người.
Riêng đối với Bảo tàng Địa chất, nhận thức rõ vai trò của di sản địa chất trong phát triển du lịch, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đáng kể đến ngành du lịch, đơn vị đã xác địch chủ động tiếp cận công nghệ nhằm tăng sức hấp dẫn cho các hoạt động tại bảo tàng, di tích kết nối với các di sản địa chất là hướng đi cần thiết không chỉ cho giai đoạn hiện nay, mà cả lâu dài.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!