Thái Bình: Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:49, 11/11/2021
Tác động của biến đổi khí hậu
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Thái Bình, BÐKH đã có những biểu hiện và tác động ngày càng rõ nét. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lụt, áp thấp nhiệt đới, lũ quét, lốc xoáy… xảy ra thất thường đã trực tiếp ảnh hưởng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân.
|
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, từ năm 2000 đến nay, có hơn 40 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến tỉnh Thái Bình. Rét đậm, rét hại kéo dài với cường độ mạnh ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân, mưa lớn bất thường, nhiều đợt, gây úng lụt không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp trong nội đồng mà khi tiêu thoát ra biển làm cho nồng độ muối vùng nước ven bờ giảm đột ngột dẫn đến các loài thủy sản nhất là loài nhuyễn thể như ngao bị chết hàng loạt do bị sốc nước. Đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng, độ xâm nhập mặn tiến sâu vào nội địa gây nhiễm mặn, nhiễm phèn nguồn nước, ảnh hưởng lớn đến nguồn nước tưới gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.
Theo tính toán, nếu mực nước biển dâng khoảng 50cm thì diện tích đất có nguy cơ ngập lụt trên địa bàn tỉnh Thái Bình là 11,8%; nếu dâng lên 100cm thì sẽ có khoảng 31,4% diện tích có nguy cơ bị ngập lụt. Trong đó, 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải chịu tác động nặng nề nhất, với diện tích ngập tương ứng là 31,86km2 và 35,91km2, tiếp đến là các huyện Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Ðông Hưng, Vũ Thư, Hưng Hà và TP. Thái Bình. Theo dự báo, đến năm 2100, Thái Bình sẽ bị xâm nhập mặn sâu thêm vào đất liền từ 3 - 9 km, uy hiếp trực tiếp đến an toàn hệ thống hồ chứa và hệ thống đê. Biến đổi khí hậu không chỉ làm mùa màng thất thu; công trình, nhà cửa bị đổ sập; cầu cống, đường giao thông bị phá hủy... thiệt hại nhiều tỷ đồng, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con người. Bên cạnh đó, sự diễn biến phức tạp của khí hậu, sự thay đổi các dòng chảy của sông, mực nước biển dâng đã và đang gây ra các hiện tượng sạt lở, xói mòn các bờ sông, bờ biển, phá hủy nhiều công trình cơ sở hạ tầng.
Những năm qua, Thái Bình tiếp nhận và triển khai có hiệu quả nhiều dự án phục hồi và phát triển rừng ngập mặn do Trung ương và các tổ chức nước ngoài tài trợ như Dự án phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái RNM ven biển tỉnh Thái Bình (Chính phủ Hàn Quốc tài trợ), quy mô trồng mới và trồng bổ sung 160ha; Dự án phục hồi và phát triển RNM ven biển nhằm ứng phó với BĐKH và nước biển dâng, quy mô 468ha; dự án giảm sóng ổn định bãi và trồng RNM bảo vệ đê biển 5 và 6, quy mô 146,1ha…
Dự báo thời gian tới, BÐKH sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ và rõ nét đối với các tỉnh ven biển. Thời tiết diễn biến ngày càng thất thường, nắng nóng và mưa bão ngày càng phức tạp, đe dọa sự an toàn về người và làm thay đổi tính thích hợp của nền sản xuất nông nghiệp.
Như vậy, có thể thấy tác động tổng hợp của BĐKH đã làm thay đổi một số quy luật tự nhiên, môi sinh, môi trường, tác động tiêu cực lên hệ sinh thái, nhất là hệ sinh thái rừng và vùng đất ven biển sẽ chịu nhiều thiệt hại.
Dự án Rừng ngập mặn trải dài ngút ngàn, chính là “vị cứu tinh” của con người khi nước biển dâng cao. |
Chủ động ứng phó
Ông Lại Văn Hoàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết: Để chủ động ứng phó với BĐKH, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình hành động ứng phó với BĐKH, giao Sở TN&MT là cơ quan đầu mối phối hợp với các Sở, ngành thực hiện. UBND tỉnh đã ký Quyết định số 974 ban hành Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu chung hướng đến là tăng cường năng lực ứng phó BĐKH, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, phát triển bền vững; phòng, tránh và giảm thiểu hiểm họa do BĐKH gây ra. Thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH, tích cực thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ khí hậu trái đất, tạo đà tiếp tục thu hút hỗ trợ vốn đầu tư từ cộng đồng quốc tế; nâng cao nhận thức của cộng đồng về BĐKH…
Theo Quyết định 974, giai đoạn (2021 - 2030), Thái Bình dự kiến sẽ triển khai hơn 20 dự án, nhiệm vụ ưu tiên nhằm ứng phó với BĐKH. Trong đó tập trung cho việc đầu tư xây dựng, nâng cấp đê, kè sông, đê biển, tăng cường quản lý tổng hợp dải ven biển, ngăn ngừa hiện tượng xâm nhập mặn, phát triển rừng phòng hộ ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm hạn chế tác động của BÐKH. Đào tạo nghề cho người lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề để phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển và người lao động bị mất việc làm do tác động của BĐKH; nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản mới… hướng tới chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý để thích ứng với tác động của BÐKH.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực hoạt động khí tượng thủy văn, hải văn, đầu tư thêm các trạm quan trắc tự động và dự báo nhằm đánh giá đầy đủ và chính xác hơn diễn biến của BÐKH và nước biển dâng; lồng ghép vấn đề BÐKH vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành và địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục rộng rãi nâng cao nhận thức và trách nhiệm về BÐKH và mực nước biển dâng. Ðẩy mạnh công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực ứng phó BÐKH...
Cơn bão số 7 trong tháng 10 vừa qua khiến mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh Thái bình, gây sạt lở 30m mái đê cửa sông Tả Hồng Hà tại K4+200 (thôn Phương Giang, xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải). Toàn tỉnh có 5.900ha lúa mùa sắp thu hoạch bị đổ, ngập nước, sản lượng giảm từ 30 - 60%; 3.460ha hoa màu và cây vụ đông bị dập nát, ngập úng, thiệt hại nặng.