Quảng Bình: Quản lý đất đai gắn với phát triển bền vững
Tổng kết Luật Đất đai 2013 - Ngày đăng : 11:48, 11/11/2021
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đã trao đổi với Báo TN&MT về những chuyển biến trong công tác quản lý đất đai và giải pháp trong thời gian tới.
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình |
PV: Xin ông cho biết kết quả thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và thi hành Luật Đất đai tại tỉnh Quảng Bình?
Ông Đoàn Ngọc Lâm:
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI, đến nay, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có những chuyển biến tích cực, hệ thống quản lý Nhà nước về đất đai. Trong đó, việc tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất tại địa phương phù hợp với các chỉ tiêu, tiến độ sử dụng đất được phân bổ trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, là căn cứ để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Trong những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung các nguồn lực đẩy mạnh công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, huyện làm cơ sở cho công tác quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch. Các huyện, thị xã, thành phố đã lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020).
Tỉnh thực hiện việc xử lý các dự án được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất, chậm đưa đất vào sử dụng đã giải quyết bức xúc dư luận, không để lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh Quảng Bình đã thu hồi đất của 16 dự án, với tổng diện tích hơn 889.000m2.
Đối với công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hiện nay, tính đến tháng 4/2021, tỉnh Quảng Bình đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đưa vào vận hành chính thức cơ sở dữ liệu đất đai đối với 55 xã, phường, thị trấn.
Công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác tại địa phương, đến nay, toàn tỉnh đã cấp được hơn 550.000 giấy chứng nhận, đạt 96,13% diện tích cần cấp giấy.
Trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo cắt giảm 10% thời gian thực hiện đối với tất cả các TTHC đồng thời áp dụng 100% TTHC về đất đai vào hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 nên có một số TTHC áp dụng tại cấp tỉnh đã được rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định.
PV: Những năm tới, Quảng Bình có những giải pháp gì để nâng cao năng lực quản lý đất đai?
Ông Đoàn Ngọc Lâm:
Chủ trương của tỉnh là tiếp tục tăng cường công tác điều tra, đánh giá chất lượng, tiềm năng đất đai đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng đất, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại địa phương.
Thực hiện đánh giá chất lượng, tiềm năng đất đai, làm cơ sở đề xuất các biện pháp quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh, quốc gia, góp phần hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai hiện đại, thống nhất. Chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương củng cố, kiện toàn bộ máy, cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng chuyên nghiệp. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng chuyển đơn lòng vòng, không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Thực hiện cải cách hành chính, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết xử lý các vi phạm và thông báo công khai trước nhân dân. Giảm bớt TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho người sử dụng đất, trường hợp khu vực thu hồi đất có cả đối tượng là tổ chức và hộ gia đình, cá nhân đã được ủy quyền cho UBND cấp huyện thu hồi; ủy quyền cho UBND cấp huyện xác định giá đất cụ thể phù hợp với thẩm quyền giao đất, cho thuê đất.
Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Kiên quyết xử lý các dự án được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất, chậm đưa đất vào sử dụng. Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra và tiến hành kiểm tra khi có yêu cầu hoặc tự phát hiện, kiểm tra những sai phạm về quản lý, sử dụng đất trên địa bàn.
Những năm tới, Quảng Bình sẽ tiếp tục tăng cường các công tác để nâng cao năng lực quản lý đất đai. |
PV: Bên cạnh những khó khăn vướng mắc, tỉnh có kiến nghị đề xuất gì nhằm nâng cao hiệu quả trong thi hành Luật Đất đai?
Ông Đoàn Ngọc Lâm:
Để công tác quản lý đất đai hiệu quả hơn, Quảng Bình cho rằng, quy định pháp luật đất đai cần có tính lâu dài, các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành Luật cần có tính ổn định, kế thừa các quy định pháp luật qua các thời kỳ.
Về một số quy định cụ thể của pháp luật đất đai, Quảng Bình đề nghị quy định phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho UBND cấp huyện phù hợp với thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thuận tiện trong quá trình giải quyết các thủ tục liên quan.
Đối với việc xử lý các dự án chậm tiến độ, đề nghị quy định, đối với tài sản do nhà đầu tư tạo lập, số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp một lần cho cả thời gian thuê khi thực hiện dự án đầu tư nhưng bị thu hồi do chậm tiến độ thì sẽ được đưa ra đấu giá và hoàn trả lại cho nhà đầu tư, nhằm thuận lợi hơn trong việc xử lý các dự án chậm tiến độ, hạn chế khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến việc thu hồi dự án chậm tiến độ.
Bổ sung quy định phương án xử lý đối tài sản công vào quy định của Luật Đất đai để đảm bảo thống nhất cách thức xử lý, tránh vướng mắc, chồng chéo khi xử lý tài sản công.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Quảng Bình đã cho thuê đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với 19 dự án, tổng diện tích hơn 1.000ha; giao đất để thực hiện các dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất với 26 dự án; thu hồi hơn 11.000ha đất của các nông, lâm trường và các Ban Quản lý rừng phòng hộ giao về địa phương quản lý để xét giao đất ổn định sản xuất cho các hộ dân, kịp thời giải quyết tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất do thiếu đất sản xuất của người dân sống gần rừng và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.